Văn chương rất khó để định nghĩa, nhưng từ văn chương M.Goóc-ki đã đúc rút thành chân lý: “Văn học là nhân học”; Ở đâu có văn học, ở đó có tâm hồn và nhân bản. Trạm Radio dù không nói về sứ mệnh ấy, nhưng họ tự gồng gánh trách nhiệm đem văn chương, sự tử tế đến với mọi người.
Thúc đẩy tình yêu văn chương
Trạm Radio có thể tạm gọi là một dự án văn hoá mang tính cá nhân phi lợi nhuận, không có bất kỳ khoản thu nào ngoài sự ủng hộ của độc giả. Tác giả của Trạm Radio là hai cô gái trẻ Hà Trang và Thu Hoài.
Hà Trang sinh năm 1997, cô từng du học văn chương tại Hoa Kỳ và Vương quốc Anh. Khi trở về Việt Nam, Trang đã cùng người bạn của mình là Trương Thu Hoài (sinh năm 1996) lập Trạm Radio để đọc và bàn luận về các tác phẩm văn chương Đông – Tây – Kim – Cổ. Kênh được phát hàng tuần trên các nền tảng Soundcloud, Spotify, YouTube, Apple Podcasts và Google Podcasts.
Hiện nay, trên trang Facebook – Trạm Radio đã đạt gần 3 vạn người thích và gần 3,1 vạn người theo dõi. Tuy nhiên, đó chỉ là kết quả về con số mà người ta có thể đong đếm.
Được thành lập từ năm 2017, nhưng lấy mốc chính thức hoạt động vào tháng 8/2018 nhân kỉ niệm 30 năm ngày mất của vợ chồng nghệ sĩ Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ. Đến nay, sau gần 3 năm hoạt động, Trạm Radio đã cho ra gần 200 số, với lịch “phát sóng” 2 số/tuần. Mỗi tháng, ngoài các số trích đọc tác phẩm còn thêm 1 buổi thảo luận về tác giả Việt Nam cũng như nước ngoài.
“Lúc đầu, Trạm Radio chủ trương chỉ bàn luận về văn học Việt Nam, nhưng sau đó thấy rằng văn học nước ngoài, văn học dịch đang chiếm tỉ lệ khá lớn trong ngành xuất bản. Vì vậy, chúng em muốn song hành cả hai chủ đề để thúc đẩy tình yêu văn chương của độc giả trẻ”, Thu Hoài chia sẻ.
Thu Hoài cho biết thêm, gần đây nhóm đã mở thêm Trạm Radio tiếng Anh vào sáng Chủ nhật mỗi tuần - là những thảo luận về văn chương hoàn toàn bằng tiếng Anh.
Chương trình được dẫn dắt giữa Hà Trang với một biên tập viên tiếng Anh hướng đến các độc giả xa xôi trên toàn thế giới. Qua các thống kê, hai bạn trẻ rất bất ngờ vì có lượng khán giả quốc tế theo dõi khá lớn và thường xuyên.
Dù còn rất trẻ, nhưng với hiểu biết sâu rộng về văn chương, Hà Trang và Thu Hoài đã dần đưa bạn đọc đến một không gian văn chương đích thực.
Truyền lửa văn hóa đọc
Dù rất bận rộn với công việc riêng, Hà Trang và Thu Hoài vẫn dành nhiều thời gian cho Trạm Radio. Hiện nay, hai cô gái trẻ vẫn bỏ tiền túi cùng nhóm 3 cộng tác viên để duy trì kênh văn học dành cho cộng đồng.
Những áng thơ của Hàn Mạc Tử, Lưu Quang Vũ, Xuân Diệu… hay những thi phẩm của những tác giả đương đại rất mới ở thế hệ 9X, 10X cũng được chọn lựa, giới thiệu một cách cẩn trọng và đầy dịu dàng.
Những buổi thảo luận văn chương về các tác giả Thanh Tâm Tuyền, Vũ Trọng Phụng… với các chuyên gia, nhà phê bình Nguyễn Thanh Tâm, Mai Anh Tuấn… theo cách trải nghiệm đầy thú vị, cũng đem đến cho độc giả những góc nhìn mới khác lạ và sâu sắc.
Đặc biệt, trong mỗi buổi thảo luận, Hà Trang linh hoạt trong mỗi câu hỏi hay những thắc mắc đầy ý tứ. Buổi thảo luận không khô cứng, không khuôn mẫu như nhiều chương trình mà khán giả từng thấy…
Trạm Radio cũng dành các số giới thiệu về tác phẩm của các tác giả người Việt ở nước ngoài. Như tác giả Nguyễn Thanh Việt – một nhà văn nổi tiếng hiện đang là Phó Giáo sư tại Đại học Nam California.
“Người tị nạn” với chùm 7 truyện ngắn xoay quanh những phận người thiên di. Các nhân vật trở nên thật hơn, sống động hơn qua nghệ thuật khắc họa bằng âm thành mà Trạm Radio đã thực hiện.
Thu Hoài nói rằng, nhóm của cô đã đầu tư khá bài bản, cả về thiết bị cũng như kỹ thuật dựng, ráp âm thanh. Trong 2 năm đầu thành lập, Hà Trang vẫn bận bịu học tập bên Mỹ nên cô đã thu âm các tác phẩm văn học rồi gửi về Việt Nam.
Thu Hoài chịu trách nhiệm sản xuất và xin phép các nhà xuất bản giữ bản quyền tác phẩm. Đồng thời, cô còn thay Hà Trang để trò chuyện, thảo luận văn chương với khách mời. Tuy nhiên, Hoài cho rằng, giọng của cô không hay bằng Trang nên cô đã cắt giọng của mình và thay vào đó là giọng của Hà Trang.
Vất vả và tốn nhiều thời gian, thế nhưng các thành viên của Trạm Radio vẫn rất vui vẻ. Với mục tiêu rõ ràng chấn hưng văn hoá đọc, lan tỏa tinh thần nhân văn qua các tác phẩm văn học – Trạm Radio được ví như “người giữ lửa tình yêu văn chương”.