Trái tim của Apps

GD&TĐ - Chúng ta đang sống trong thời kì đỉnh cao của công nghệ, được thụ hưởng nhiều tiện ích từ các thiết bị thông minh, hiện đại trong đó nổi bật là các ứng dụng về thông tin liên lạc, kết nối người với người. 

Trái tim của Apps

Thật khó nói hết lợi ích, giá trị mà công nghệ thông tin mang lại cho đời sống nhưng ở góc khuất nào đó khi mà cuộc sống bị online hoá thì tình cảm cứ thế mà giảm đi, con người sống với nhau nhạt nhẽo, khô khan hơn... Những cuộc hò hẹn, tụ tập của gia đình, bè bạn bỗng có những phút tĩnh lặng nhường chỗ cho không gian online của mỗi người. Thế giới ảo xen vào thế giới thực, tác động qua lại góp phần tạo nên cuộc sống hiện đại, trẻ trung nhưng sự thân mật, gần gũi dường như cứ dần mất đi trong đời sống xã hội.

Cách đây không lâu, đoàn chúng tôi gồm 20 người vượt 250 km đường quốc lộ và 7 km đường núi rất hiểm trở để tìm tới bản Cu Vai - một bản làng được dân "đam mê xê dịch" mệnh danh là bản làng đẹp nhất Tây Bắc. Cu Vai chưa có điện lưới, không có wifi và chúng tôi đã tạm xa rời các thiết bị thông minh để hoà mình vào núi rừng, chơi với các em nhỏ, uống chén rượu cùng với bà con trong bản. Những tiếng cười cứ vang lên tràn ngập bản nhỏ ấy - tiếng cười trong vắt của tình người; tiếng cười không biểu trưng bằng những icon từ những chiếc điện thoại thông minh bên cạnh mình.

Trong ngành giáo dục, công nghệ thông tin mạng lại lợi ích lớn lao khi giải phóng một nguồn lao động đang kể nhưng những chiếc máy móc vô tri vô giác kia lại không làm tăng tính giáo dục, tính nhân văn với những con người đang sử dụng nó. Chính quyền các địa phương đang cố gắng để xây dựng một nền hành chính công hiện đại thì gần đây, ở Đắc Lắk, một cô giáo chọn cách biểu đạt là quỳ trước sân ủy ban nhân dân tỉnh khi những thắc mắc, khiếu nại của cô không có nơi tiếp thu và xử lý thoả đáng.

Mấy ngày nay, dư luận cả nước đau xót, tiếc thương em Lê Hải Long, học sinh học lớp 1 tại một ngôi trường phổ thông liên cấp đóng trên địa bàn Quận Cầu Giấy - TP. Hà Nội. Không xót xa sao được khi mà tuổi thơ của em mới chỉ sang năm thứ 6, tuổi học trò mới chỉ bước vào ngày thứ 2.

Em đã ra đi mãi mãi sau "ngày đầu tiên đi học" bởi sự tắc trách đến kinh ngạc của người lớn và hơn nữa là sự quản lý giáo dục yếu kém, chủ quan của chính ngôi trường mà em theo học. Sai sót là ở cả hệ thống, không chỉ riêng việc cô bảo mẫu đã bỏ quên cháu bé. Tôi không định khoét sâu vào những sai lầm của họ tuy nhiên cần phải nhìn lại quy trình quản lý học sinh trong một số cơ sở giáo dục hiện nay. Quy định ở một số trường tư thục trong đó có ngôi trường bé Long đang theo học là phụ huynh và giáo viên chủ nhiệm không có bất cứ liên hệ trực tiếp nào với nhau, nhà trường liên hệ với phụ huynh thông qua một ứng dụng nội bộ (sổ liên lạc điện tử) được cài đặt vào chiếc smartphone hay còn gọi là Apps.

Tiện lợi là có, hiện đại và đúng xu hướng tuy nhiên theo tôi, nếu sợi dây liên lạc giữa phụ huynh học sinh và nhà trường phụ thuộc hoàn toàn vào các ứng dụng này là việc làm máy móc, thiếu tính nhân văn và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Những trao đổi trực tiếp của phụ huynh với giáo viên sẽ giúp phụ huynh nắm rõ nhất về tình hình học tập, ý thức rèn luyện của con em mình; ngược lại giáo viên nắm được tính cách, thói quen, đặc điểm riêng biệt của từng học sinh.

Sự tương tác hai chiều này giúp cho quá trình học tập, tu dưỡng của học sinh vừa hiệu quả lại có tính giáo dục, tính nhân văn cao. Hơn nữa không ai dám chắc những ứng dụng vô tri, vô giác kia sẽ không có trục trặc, chiếc điện thoại của phụ huynh cũng có lúc hết pin hoặc mất kết nối Internet hoặc sự tắc trách, cẩu thả, vô ý của những người sử dụng sẽ gây những hậu quả khó lường như trường hợp đáng tiếc của em L.H.L vừa qua... Một số nhà trường hiện nay nên nới lỏng quy định sử dụng điện thoại, không nên cấm tuyệt đối vì đây là phương tiện liên lạc duy nhất giúp các em học sinh trong những tình huống khẩn cấp.

Đừng quên rằng, sự nhiệt huyết và tinh thần trách nhiệm với học trò không nằm trong những thiết bị, ứng dụng thông minh, hiện đại mà nằm trong trái tim mỗi nhà giáo. Mong sao trong các cơ sở giáo dục sẽ không còn sự việc mất an toàn tương tự xảy ra với những mầm non của đất nước.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hồ Natron là nơi sinh sản thường xuyên duy nhất ở Đông Phi của loài hồng hạc nhỏ đang trong tình trạng bị đe dọa. Ảnh: Patrika.com - Southerntanzaniasafari.com

'Hồ Medusa' biến xác thịt thành đá

GD&TĐ - Từ lâu, các nhà khoa học đã bị thu hút bởi hiện tượng ly kỳ mà rùng rợn này nhưng đến nay, họ vẫn chưa thật sự giải mã hết nó.

Nhà tiên tri Nostradamus (1503 - 1566).

Những điều ít biết về Nostradamus

GD&TĐ - Michel de Nostredame (1503 - 1566), hay còn được biết đến với tên Nostradamus, là nhà chiêm tinh, bác sĩ và tiên tri nổi tiếng người Pháp.