Những rủi ro ngắn hạn bao gồm sự e ngại rủi ro nói chung đối với các thị trường mới nổi, việc Mỹ tăng lãi suất nhanh hơn dự kiến, và căng thẳng thương mại toàn cầu leo thang.
Việc siết chặt các điều kiện thanh khoản càng làm trầm trọng thêm nguy cơ từ tăng trưởng nợ tư nhân nhanh chóng trong những năm gần đây.
Sự sụt giá của các đồng tiền khu vực và dòng vốn chảy ra bên ngoài đặt ra thêm nguy cơ cho tính ổn định tài chính của khu vực.
Chuyên gia Kinh tế trưởng của ADB, ông Yasuyuki Sawad, nhận định: “Những quan ngại về các thị trường đang xuất hiện, song cuối cùng nền tảng vững chắc của Châu Á sẽ thu hút các nhà đầu tư quay trở lại thị trường trái phiếu bằng đồng nội tệ của khu vực.
Như vậy, các nhà hoạch định chính sách của khu vực cần phải theo dõi chặt chẽ những tiến triển và đề phòng trước các cú sốc tiềm tàng.”
Báo cáo này cho thấy thị trường trái phiếu của Đông Á mới nổi đã tăng trưởng 4,3% trong Quý 3 so với Quý 2, đạt mức 12,8 nghìn tỉ USD vào cuối tháng Chín. Tốc độ tăng trưởng này nhanh hơn mức 3,2% của Quý 2.
Tăng trưởng của Quý 3 chủ yếu dựa vào việc phát hành các trái phiếu tại Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (PRC), đáng lưu ý là trái phiếu do các chính quyền địa phương phát hành để phục vụ những dự án cơ sở hạ tầng.
Tính đến cuối tháng Chín, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã có thị trường trái phiếu lớn nhất tại khu vực Đông Á mới nổi, với 9,2 nghìn tỉ USD trái phiếu đang lưu hành, chiếm 72% tổng thị trường khu vực và nhiều hơn 5,7% so với thời điểm cuối tháng Sáu.
Sở hữu nước ngoài đối với trái phiếu chính phủ bằng đồng nội tệ giảm nhẹ tại phần lớn khu vực Đông Á mới nổi trong Quý 3 năm 2018, ngoại trừ Phi-líp-pin và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Tỉ lệ nắm giữ của các nhà đầu tư nước ngoài tại Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã tăng lên nhờ tiếp tục tự do hóa thị trường trái phiếu.
Báo cáo này cũng bao gồm một khảo sát thường niên về tính thanh khoản của thị trường trái phiếu. Khảo sát này cho thấy rằng các điều kiện thanh khoản trong khu vực là khác nhau, với mức độ thanh khoản thấp hơn đôi chút ở In-đô-nê-xia, Hàn Quốc, Ma-lai-xi-a, và Phi-líp-pin.
Thanh khoản cao hơn được nhận thấy tại Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa; Hồng Kông, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa; Xing-ga-po, Thái Lan và Việt Nam. Các bên tham gia thị trường tiếp tục nói rằng sự thiếu vắng của các cơ chế phòng ngừa rủi ro trái phiếu hiệu quả và thiếu một nền tảng các nhà đầu tư đa dạng là những rào cản lớn nhất đối với việc phát triển thị trường.
Thị trường trái phiếu Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng 5% mỗi quý và 15,7% cả năm, lên tới 53 tỉ USD vào cuối tháng Chín; đây là sự đảo ngược so với mức sụt giảm 1,4% trong Quý 2, chủ yếu được thúc đẩy nhờ mức tăng 5,2% theo quý và 14,7% theo năm của thị trường trái phiếu chính phủ, lên tới 49 tỉ USD. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp đạt mức tăng trưởng 2,9% theo quý và 31,6% theo năm, lên tới 3 tỉ USD.
Khác với hầu hết các thị trường trái phiếu Đông Á mới nổi khác, lợi suất trái phiếu Quý 3 của Việt Nam đã thu hẹp do lãi suất liên ngân hàng giảm và thanh khoản được cải thiện giữa các ngân hàng trong tháng Chín. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam được kỳ vọng duy trì lãi suất ổn định cho tới cuối năm để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và sử dụng các công cụ tiền tệ khác nhằm giảm lạm phát.
Không giống các thị trường trái phiếu Đông Á mới nổi khác, thị trường nợ của Việt Nam không chịu tác động từ việc Hoa Kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, thị trường trái phiếu Việt Nam đã và đang bị ảnh hưởng gián tiếp từ đồng đô-la Mỹ mạnh hơn so với hầu hết các đồng tiền khu vực.
Các bên tham gia thị trường trong cuộc Khảo sát Thanh khoản Trái phiếu Châu Á trực tuyến (AsianBondsOnline) 2018 nhận thấy rằng các điều kiện thị trường bị ảnh hưởng nhiều hơn bởi căng thẳng thương mại giữa Hoa Kỳ và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, một phần là vì hai thị trường này đều nằm trong số các đối tác thương mại lớn nhất của họ.