(GD&TĐ) - Sau 3 năm thực hiện Quyết định số 2123/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (gọi tắt là QĐ 2123) về Đề án phát triển giáo dục đối với dân tộc rất ít người giai đoạn 2010- 2015, nhiều kết quả đáng chú ý đã được ghi nhận. Để tiếp tục thực hiện mục tiêu của Đề án, Bộ GD&ĐT đã có những đánh giá cụ thể về kết quả đạt được và những khó khăn cần tháo gỡ.
Tỷ lệ học sinh đến trường tăng
Theo đánh giá của Bộ GD&ĐT, trong 3 năm qua, các địa phương cũng đã triển khai thực hiện tốt chính sách hỗ trợ về học tập đối với trẻ em, học sinh, sinh viên các dân tộc rất ít người (DTRIN). Tổng số trẻ em, HS, SV DTRIN được hưởng chính sách hỗ trợ là 5.959 em. Trong đó, Hà Giang có 1.105 em được hỗ trợ, Lai Châu có 3.333 em, Kon Tum 167 em, Lào Cai 398 em, Điện Biên 595 em, Nghệ An 312 em.
Cũng theo đánh giá của Bộ GD&ĐT, các địa phương đã có nhiều cố gắng trong công tác huy động HS đến trường. Tỉ lệ huy động trẻ em, HS DTRIN đến trường tăng, đặc biệt là tỉ lệ huy động trẻ mầm non 5 tuổi DTRIN ra lớp đạt bình quân trên 98%. Việc tăng tỉ lệ huy động trẻ em, HSDTRIN đến trường đã góp phần rất lớn trong việc thực hiện phổ cập GD mầm non cho trẻ 5 tuổi, củng cố kết quả phổ cập GD tiểu học ở các tỉnh có HSDTRIN.
Do được hưởng chính sách hỗ trợ về học tập của Đề án và sự cố gắng nâng cao chất lượng GD của các cơ sở GD có HSDTRIN nên tỉ lệ HSDTRIN bỏ học và lưu ban giảm, một số dân tộc như Cờ Lao, Pu Péo không có HS bỏ học và lưu ban.
Về chất lượng GD, đánh giá của Bộ GD&ĐT cho thấy HS các DTRIN học trong các trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú được học 2 buổi/ ngày. Các nội dung GD đặc thù về văn hóa dân tộc, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống và hoạt động ngoài giờ lên lớp được tăng cường. Việc dạy tiếng Việt cho HSDHRIN đã được chú trọng, chất lượng GD toàn diện cho HSDTRIN đã được nâng lên. Tỉ lệ HSDTRIN đạt khá, giỏi tăng. Số lượng HSDTRIN đi học cử tuyển, dự bị ĐH, CĐ, ĐH tăng. Năm học 2012 - 2013 có 14 em học sinh cử tuyển, 2 em học dự bị ĐH và 5 em học CĐ, ĐH.
Chất lượng đội ngũ cán bộ quản lí và giáo viên tại các cơ sở GD có HSDTRIN đã được nâng lên. Hơn 300 cán bộ quản lí và GV ở các cơ sở có HSDTRIN đã được tập huấn nâng cao trình động chuyên môn nghiệp vụ.
Ảnh MH |
Vẫn còn hạn chế, bất cập
Mặc dù đã có những kết quả đáng chú ý, song Bộ GD&ĐT cũng đã có những đánh giá về hạn chế, bất cập, nguyên nhân trong quá trình thực hiện Dự án. Theo Bộ GD&ĐT, việc triển khai xây dựng cơ sở vật chất cho các điểm trường tiểu học có HSDTRIN nên hoạt động này tiếp tục triển khai đến năm 2015.
Việc thực hiện chính sách hỗ trợ SV đang theo học tại các trường chuyên nghiệp ngoài tỉnh gặp khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện.
Thêm nữa, chất lượng GD vùng đồng bào DTRIN chưa cao, chưa đồng đều giữa các DTRIN, giữa các địa phương có DTRIN. Vẫn còn HS một số DTRIN bỏ học, lưu ban. Số lượng HS DTRIN vào ĐH, CĐ còn ít.
Nguyên nhân được chỉ ra là: Đề án được phê duyệt ngày 22/11/2010 nên không kịp phân bổ nguồn kinh phí năm 2011. Đến năm 2012 các địa phương mới có kinh phí triển khai hoạt động đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho các điểm trường tiểu học có HSDTRIN nên việc xây dựng chậm so với tiến độ của Đề án.
Các điểm trường tiểu học có HSDTRIN ở những địa bàn xa xôi, hẻo lánh, địa hình cách trở, giao thông đi lại khó khăn và trượt giá vật liệu xây dựng, số kinh phí chênh lệch so với nguồn được cấp lớn. Các địa phương vùng DTRIN còn nghèo không huy động được các nguồn lực để bổ sung kinh phí.
Đời sống kinh tế của hầu hết đồng bào DTRIN còn khó khăn, sức khỏe hạn chế. Trình độ dân trí của đồng bào DTRIN còn thấp (trình độ văn hóa chung của đồng bào các DTRIN chủ yếu mới chỉ là thoát nạn mù chữ và phổ cập tiểu học). Nhận thức của một số người dân còn hạn chế, tâm lí không muốn cho con em đi học xa nhà nên thiếu quan tâm, tạo điều kiện cho con em đi học tại các trường phổ thông dân tộc nội trú để các em được hưởng chế độ hỗ trợ về học tập.
Trong khi đó, nhiều giáo viên dạy HSDTRIN không biết tiếng dân tộc, HS còn hạn chế về tiếng Việt. Vì vậy, gặp nhiều khó khăn trong giao tiếp. Một số cán bộ quản lí GD năng lực còn hạn chế, thiếu kinh nghiệm trong công tác chỉ đạo hoạt động cho HSDTRIN.
Một số DTRIN có những tập tục lạc hậu (như tháng kiêng đồ trắng của dân tộc Brâu; hay việc lấy vợ, lấy chồng sớm...) đã ảnh hưởng đến các hoạt động GD và việc duy trì sĩ số HS tại các trường.
Hướng đi tiếp
Để tiếp tục thực hiện Đề án trên từ năm 2013 đến năm 2015, Bộ GD&ĐT đã đề ra các mục tiêu: Hoàn thiện cơ sở vật chất trường, lớp tại các thôn bản có HSDTRIN. Đảm bảo đủ phòng học, cấp đủ thiết bị, đồ dùng dạy học cho các điểm trường tiểu học có HSDTRIN. Thực hiện tốt chính sách đặc thù cho trẻ em, HS, SV các DTRIN đảm bảo 100% trẻ em, HS, SV các DTRIN được hưởng các chính sách hỗ trợ về học tập theo quy định tại Thông tư liên tịch số 03/2012/TTLT-BGDĐT-BTC-VLĐTB&XH.
Nâng cao chất lượng đội ngũ GV và cán bộ quản lí GD ở các cơ sở GD có HSDTRIN. Bảo đảm tất cả GV, cán bộ quản lí GD các cơ sở GD có HSDTRIN được bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.
Để thực hiện các mục tiêu trên, Bộ GD&ĐT cũng đã nêu các nhiệm vụ và giải pháp, như: Tiếp tục duy trì và tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, chính quyền, cộng đồng, các bậc phụ huynh HS, HS về ý nghĩa của việc phát triển GD đối với việc bảo tồn và phát triển bền vững các DTRIN. Vận động các gia đình DTRIN tạo điều kiện cho con em đến trường, lớp mầm non, phổ thông, TCCN, CĐ, ĐH.
Bố trí kinh phí xây dựng phòng học, nhà công vụ và đầu tư thiết bị đồ dùng dạy học cho các điểm trường tiểu học có HSDTRIN. Ưu tiên bổ sung kinh phí Chương trình mục tiêu quốc gia cho các điểm trường tiêu học có HSDTRIN của các địa phương còn thiếu về phòng học, nhà công vụ (Hà Giang, Lai Châu). Đầu tư thiết bị đồ dùng dạy học cho các tỉnh đã xây đủ phòng học, phòng công vụ GV. Triển khai xây dựng phòng học, nhà công vụ theo quy chẩn về xây dựng như chương trình kiên cố hóa trường học.
Tổ chức biên soạn các tài liệu GD đặc thù hỗ trợ cho GV và cán bộ quản lí các cơ sở GD có HSDTRIN. Tổ chức tốt các lớp tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ quản lí, giáo viên dạy HSDTRIN.
Tiếp tục thực hiện tốt chính sách hỗ trợ cho trẻ em, HS, SV dân tộc rất ít người và nâng cao chất lượng GD đối với trẻ em, HS, SV DTRIN.
Bộ GD&ĐT cũng đã có đề xuất, kiến nghị để thực hiện tốt hơn Dự án trong thời gian tới với các địa phương, các Bộ, ngành và với Thủ tướng Chính phủ.
Về phía các địa phương, triển khai, thực hiện tốt QĐ 2123 của Thủ tướng Chính phủ, ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho các điểm trường tiểu học có HSDTRIN và thực hiện tốt các chế độ, chính sách đối với trẻ em, HS, SV DTRIN.
Đề nghị các Bộ, ngành phối hợp với các địa phương thực hiện tốt công tác quản lí, chỉ đạo và giám sát việc thực hiện QĐ 2123, ưu tiên đầu tư kinh phí cho phát triển GDĐT vùng có đồng bào DTRIN và đảm bảo các chế độ, chính sách đối với trẻ em, học sinh, sinh viên DTRIN.
Bộ GD&ĐT cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét mở rộng đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ thực hiện các chính sách theo quy định tại QĐ 2123 đối với các DTRIN (có số dân dưới 10.000 người) theo quy định tại Nghị định số 05/2011/NĐ-CP (ngày 14/1/2011) của Thủ tướng Chính phủ về công tác dân tộc.
Việc triển khai chính sách hỗ trợ trẻ em, HS, SV các DTRIN đã góp phần tích cực trong việc huy động HS ra lớp, ổn định sĩ số và nâng cao chất lượng GD đối với các DTRIN. Chất lượng học tập của HS DTRIN được nâng lên. |
Thanh Tuấn