Trải nghiệm tại trường đại học tạo cơ hội tiếp cận ngành nghề tương lai

GD&TĐ - Một số trường đại học tổ chức nhiều chương trình, khóa học hè cho học sinh phổ thông đến trải nghiệm.

Học sinh trải nghiệm tại Ngày hội khoa học mở của Trường ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐHQG TPHCM.
Học sinh trải nghiệm tại Ngày hội khoa học mở của Trường ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐHQG TPHCM.

Hình thức mới mẻ này đã giúp các em có cơ hội tìm hiểu việc học tập trong môi trường đại học cũng như các ngành, nghề, từ đó có lựa chọn phù hợp sau khi tốt nghiệp THPT.

Tích lũy kỹ năng

Trường Đại học Bách khoa (ĐHQG TPHCM) vừa tổ chức tổng kết khóa học trải nghiệm hè “Em là kỹ sư Điện - Điện tử tương lai”. Trước đó, từ 10/6 đến 5/8, Khoa Điện - Điện tử đã giảng dạy cho 84 học sinh đến từ 22 trường THPT của TPHCM và các tỉnh Đồng Tháp, Đồng Nai về thiết kế mạch điện tử, thực hành hàn lắp bảng mạch, lập trình hệ thống nhúng (Embedded system) với ngôn ngữ C, xây dựng một ứng dụng IoTs (Internet of Things).

Những giờ học xen kẽ với thực hành đã giúp các em vận dụng ngay lý thuyết vào các bộ kit thí nghiệm, tự tay thiết kế, lắp ráp, điều chỉnh mô hình và lập trình tạo thành các ứng dụng thực tiễn.

“Mỗi người một trường phổ thông nhưng chúng em nhanh chóng gắn kết với nhau trong quá trình thực hiện đề tài nghiên cứu. Cũng sau quá trình trải nghiệm, em học được nhiều kỹ năng như: Làm việc nhóm, làm quen với bạn mới, không bỏ cuộc, không nản lòng… Em nghĩ Trường Đại học Bách khoa - ĐHQG TPHCM sẽ là lựa chọn của em sau khi tốt nghiệp THPT”, Nhật Tâm chia sẻ.

Kết thúc khóa học, Phạm Nguyễn Nhật Tâm, Trường THPT Lai Vung 1 (huyện Lai Vung, Đồng Tháp) cho biết, để theo học tại khóa trải nghiệm hè, 2 tháng qua em ở tại nhà chị gái (gần trường). Quá trình theo học, Tâm được “thầy cô” là những sinh viên Trường Đại học Bách khoa - ĐHQG TPHCM giảng dạy.

Theo Tâm, nội dung học thuật được các sinh viên và thầy cô trong khoa đầu tư nhiều và sâu. Nhờ đó, người học dễ dàng nắm rõ những kiến thức cơ bản của điện - điện tử, nguyên lý hoạt động của dòng điện, điện áp và thực hành ngay sau mỗi buổi học. Kết thúc 8 tuần, Tâm có được cái nhìn tổng quan hơn về ngành Kỹ sư Điện, Điện tử, từ đó đưa ra lựa chọn ngành nghề trong tương lai.

Tương tự, sau quá trình đăng ký nguyện vọng tại trường, Trịnh Gia Huy, học sinh Trường Phổ thông Năng khiếu - ĐHQG TPHCM được trải nghiệm tại Trường ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐHQG TPHCM. Tại đây, Huy cùng 3 thành viên khác tìm hiểu về đề tài vật liệu bán dẫn, trong đó đi sâu nghiên cứu vật liệu mềm mỏng như màn hình của ti vi hay điện thoại.

Huy cho biết: “Tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, em được tiếp xúc với lĩnh vực nghiên cứu khoa học cũng như hiểu rõ cách thức viết báo cáo nghiên cứu hay trình bày một vấn đề. Qua đó, em được thỏa mãn niềm đam mê, định hình về ngành nghề, nghiên cứu khoa học cơ bản mà mình dự định sẽ theo đuổi trong tương lai”.

Tiết học của học sinh khóa hè “Em là kỹ sư Điện - Điện tử tương lai” của Trường ĐH Bách khoa - ĐHQG TPHCM.

Tiết học của học sinh khóa hè “Em là kỹ sư Điện - Điện tử tương lai” của Trường ĐH Bách khoa - ĐHQG TPHCM.

Trải nghiệm ngành nghề

ThS Hồ Thanh Phương, giảng viên Khoa Điện - Điện tử (Trường ĐH Bách khoa - ĐHQG TPHCM), Trưởng ban Tổ chức khóa học trải nghiệm hè “Em là kỹ sư Điện - Điện tử tương lai” chia sẻ: “Đây là năm đầu tiên Khoa Điện - Điện tử tổ chức chương trình này. Học sinh không phải đóng góp bất kỳ khoản nào trong quá trình theo học. Đặc biệt, tham gia khóa học sẽ tạo điều kiện để các em yêu thích lĩnh vực điện tử, lập trình, tự động hoá; tiếp xúc sớm và tìm hiểu thêm về ngành nghề mà bản thân dự định lựa chọn trong tương lai”.

Thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân (Quận 1, TPHCM) chia sẻ, tham gia tìm hiểu, học tập ở các trường đại học trong hè là dịp để các em có nhiều trải nghiệm thú vị. Đây là cơ hội để học sinh tìm hiểu về trường đại học, ngành học mà các em đăng ký cũng như chương trình học cụ thể.

“Tôi cho rằng hoạt động trải nghiệm này rất bổ ích, từ đó giúp học sinh định hướng nghề nghiệp, ngành học sau khi tốt nghiệp. Sau quá trình trải nghiệm, các em sẽ biết ngành học, ngôi trường mình chọn trong tương lai thế nào, có thích hay không, môn nào sẽ thi vào… để từ đó điều chỉnh lại việc học tập của bản thân trong những năm tháng THPT còn lại”, thầy Phú cho hay.

Thầy Tô Lâm Viễn Khoa, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Gia Định (quận Bình Thạnh, TPHCM) cũng cho rằng, học sinh học trải nghiệm ở các trường đại học là hình thức hay trong công tác định hướng ngành nghề sau khi tốt nghiệp THPT. Chương trình GDPT 2018 chú trọng giáo dục định hướng nghề nghiệp nên đây là một trong những cơ hội để các em tiếp cận gần hơn với nghề nghiệp hay quá trình đào tạo.

Trong năm học, Trường THPT Gia Định cũng phối hợp với một số trường đại học trên địa bàn TPHCM tổ chức cho học sinh tham gia lớp học thử để trải nghiệm thực tế. “Khi tham gia trải nghiệm, học sinh hiểu hơn về quá trình học và nhận diện những khó khăn có thể đối mặt khi học đại học. Đồng thời, các em cảm nhận việc học có phù hợp với năng lực và sở thích của bản thân hay không, từ đó xem xét để lựa chọn ngành học sau khi tốt nghiệp phù hợp hơn”, thầy Khoa cho hay.

“Nhu cầu của học sinh được tham gia trải nghiệm trong dịp hè tại các trường đại học không ít. Tuy nhiên một số trường đại học chỉ tổ chức cho học sinh THPT đăng ký khóa trải nghiệm hè trực tiếp tại cơ sở nên nhiều em không nắm bắt được thông tin. Nếu cuối năm học, các trường đại học gửi thông báo đến trường THPT, giới thiệu chương trình, hoạt động, chắc chắn sẽ thu hút được nhiều học sinh tham gia”, thầy Tô Lâm Viễn Khoa đề xuất.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ