Nhờ cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, ẩm thực và nét văn hóa đặc sắc, những hoạt động trải nghiệm và du lịch cộng đồng của đồng bào Thái ở huyện Quỳ Châu (Nghệ An) được mở ra. Mô hình này đã giúp người dân tạo sinh kế bền vững, bảo tồn văn hóa trên mảnh đất quê hương.
Người Thái làm du lịch
Là tỉnh có diện tích lớn nhất cả nước, Nghệ An sở hữu một kho tàng văn hóa phong phú và đa dạng với nhiều danh thắng, di tích lịch sử. Đặc biệt, miền Tây xứ Nghệ với hệ sinh thái đa dạng cùng bản sắc văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc thiểu số như: Thái, Mông, Khơ Mú… đã tạo nên sức hút mạnh mẽ đối với du khách trong và ngoài nước.
Trong hành trình khám phá du lịch Nghệ An, bản Hoa Tiến (xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu) trở thành điểm sáng trong mô hình du lịch cộng đồng. Là bản Thái cổ có lịch sử hàng trăm năm, người dân còn lưu giữ được nhiều nét văn hóa độc đáo như kiến trúc nhà sàn, nghề dệt thổ cẩm, văn hóa rượu cần, các làn điệu dân ca, dân vũ.
Nhận thấy tiềm năng này, năm 2014, chính quyền huyện Quỳ Châu đã có chủ trương phát triển du lịch cộng đồng ở bản Hoa Tiến. Đây là một quyết định táo bạo, mở ra nhiều cơ hội mới nhưng cũng đặt ra không ít thách thức cho người dân.
Để giúp người dân làm quen với công việc mới, huyện tổ chức nhiều lớp tập huấn về kỹ năng phục vụ khách và giới thiệu văn hóa. Từ những người nông dân chân lấm tay bùn, người dân Hoa Tiến dần trở thành những hướng dẫn viên nhiệt tình, sẵn sàng chia sẻ về cuộc sống và văn hóa của mình.
Khi bản Hoa Tiến được chọn để xây dựng thành mô hình du lịch cộng đồng, bà Sầm Thị Xanh được mọi người tín nhiệm làm hướng dẫn viên du lịch. Ban đầu, bà chỉ nghĩ đơn giản là chia sẻ những gì mình biết để mang lại niềm vui cho du khách. Tuy nhiên, gắn bó với “nghề tay trái”, hàng ngày tiếp xúc với nhiều đoàn khách, gặp gỡ nhiều người, bà bắt đầu yêu thích công việc này.
Bà Xanh chia sẻ, khách du lịch đến với Hoa Tiến là để tìm kiếm những bản sắc riêng, mang đậm giá trị văn hóa của đồng bào Thái. Do đó, ngoài việc giới thiệu, người dân còn kết hợp với các công ty lữ hành để xây dựng những chương trình du lịch lý thú, giúp du khách có những trải nghiệm đáng nhớ.
Vì thế, du khách về với bản Hoa Tiến được hòa mình vào cuộc sống của đồng bào Thái như nấu nướng, giã gạo, lên rừng lấy củi, xuống suối bắt cá, được tự tay hái lá dâu tằm và tự dệt ra một tấm vải thổ cẩm cho riêng mình.
Một trải nghiệm không thể bỏ qua là thưởng thức ẩm thực địa phương với các món đặc sản như vịt bầu, thịt bò giàng, cá nướng và nhiều món ăn truyền thống khác của người Thái.
Có nhiều năm kinh nghiệm làm du lịch, bà Lô Thị Tâm, chủ Homestay Từ Tâm ở bản Hoa Tiến cho biết, việc phát triển du lịch cộng đồng không chỉ góp phần bảo tồn những giá trị văn hóa quý báu, mà còn mở ra cơ hội phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.
Theo bà Tâm, tại các nhà nghỉ cộng đồng, homestay, người dân bố trí các gian hàng bán sản phẩm truyền thống như thổ cẩm, mâm mây, ghế, chăn ga, gối, đệm Thái, guồng nước. Một số còn có dịch vụ du lịch kèm theo như xe trâu, đi bè trên khe, suối đánh chài… nhờ đó mang lại thu nhập khá cho người dân.
“Tôi thấy rất vui khi được cùng với du khách trải nghiệm các trò chơi dân gian, hướng dẫn làm dệt thổ cẩm, nấu các món ăn dân tộc. Từ khi làm du lịch, gia đình còn có thêm thu nhập ổn định, vừa giới thiệu được nét đẹp văn hóa của dân tộc mình đến du khách thập phương”, bà Tâm phấn khởi chia sẻ.


Du lịch đồng hành với bảo tồn văn hóa
Bản Hoa Tiến là một trong những làng nghề dệt thổ cẩm lâu đời và nổi tiếng ở huyện Quỳ Châu. Hầu hết các hộ dân trong bản đều có khung cửi làm ra những sản phẩm thổ cẩm với nhiều mẫu mã và hoa văn tinh tế, tạo nên nét đẹp văn hóa riêng biệt so với các dân tộc thiểu số khác.
Hơn nữa, các sản phẩm này không chỉ là món quà ý nghĩa đối với khách du lịch khi đến bản Hoa Tiến, mà còn góp phần tăng thêm thu nhập cho người dân địa phương.
Sinh ra và lớn lên ở bản Hoa Tiến, từ nhỏ bà Sầm Thị Bích được mẹ và bà truyền dạy nghề dệt vải thổ cẩm. Khi lớn lên, bà Bích không ngừng học hỏi, sáng tạo thêm những hoa văn mới, tạo ra các mặt hàng thổ cẩm có tính ứng dụng cao.
Sau khi bản Hoa Tiến bắt đầu phát triển du lịch cộng đồng, căn nhà sàn của gia đình bà Bích cũng trở thành homestay, có gian hàng bày bán các sản phẩm thổ cẩm.
Để bảo tồn văn hóa truyền thống và truyền dạy nghề dệt cho các thế hệ sau, bà Bích cùng một số chị em trong bản thành lập Hợp tác xã (HTX) Làng nghề thổ cẩm Hoa Tiến. Hiện nay, ngoài những sản phẩm truyền thống các thành viên HTX còn thiết kế và gia công nhiều sản phẩm có giá trị như: Khăn dệt tơ tằm, khăn lụa, túi ví, giày dép thổ cẩm, thú bông, và các sản phẩm trang trí trong nhà như vỏ gối, khăn trải bàn.
Bà Bích cho biết, nét độc đáo của thổ cẩm Hoa Tiến là việc bảo tồn những giống tằm địa phương cùng quá trình canh tác dâu và trồng bông thủ công. Bà con nơi đây biết sử dụng một số nguyên liệu tự nhiên từ cây, củ, quả có sẵn trong vườn và trong rừng để chế thuốc nhuộm màu.
Đến nay, người dân Hoa Tiến đã chế được 52 màu nhuộm cho nhiều chất liệu như: Vải tằm thô, lụa, vải bông, và vải linen. Bên cạnh đó, người Thái ở Hoa Tiến còn bảo lưu kỹ thuật dệt - nhuộm với độ tỉ mỉ và hoàn thiện cao, điển hình là kỹ thuật dệt ikat, tạo ra các hoa văn độc đáo trên các tấm vải, khăn. Các sản phẩm từ Hoa Tiến rất đặc trưng, với vải có độ thô nhất định, đường thêu chắc chắn, màu nhuộm tự nhiên đa dạng, bền đẹp với thời gian.
Đặc biệt, những năm gần đây, con gái của bà Bích là chị Sầm Thị Tình đã đưa sản phẩm của HTX Làng nghề thổ cẩm Hoa Tiến lên nhiều kênh online, giới thiệu đến khách hàng trong và ngoài nước.
Năm 2015, chị Tình mở cửa hàng thổ cẩm tại Hà Nội, với tên gọi “Hoa Tien Brocade”. Đây là bước khởi nghiệp quan trọng, giúp chị quảng bá sản phẩm truyền thống của quê hương và tìm đầu ra cho sản phẩm, giúp bà con có thêm thu nhập để trang trải cuộc sống.
Từ đó, thương hiệu thổ cẩm Hoa Tiến vươn xa hơn thông qua các hoạt động du lịch, thương mại và liên kết với các sản phẩm dệt thổ cẩm truyền thống từ HTX và các dân tộc ở nhiều địa phương khác.
Không chỉ dừng lại ở thị trường trong nước, chị Sầm Thị Tình còn đưa sản phẩm của miền Tây xứ Nghệ vươn xa ra quốc tế khi vào tháng 9/2022, chị tham gia trưng bày một gian hàng giới thiệu sản phẩm thổ cẩm bên lề Hội thảo nghề dệt may truyền thống các nước ASEAN do Malaysia tổ chức.
Ông Nguyễn Hùng Sơn, Phó Trưởng phòng Văn hóa huyện Quỳ Châu cho biết, mô hình du lịch cộng đồng ở bản Hoa Tiến góp phần bảo tồn, gìn giữ bản sắc và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương.
Bên cạnh đó, mô hình này cũng tạo ra sinh kế mới, góp phần tăng thu nhập và cải thiện cuộc sống. Từng bước xóa đói giảm nghèo, xóa bỏ phong tục du canh du cư, đồng thời nâng cao ý thức của người dân về công tác bảo vệ rừng và bảo vệ môi trường.
Theo ông Sơn, ngoài bảo tồn nghề dệt thổ cẩm, bản Hoa Tiến cũng thành lập Câu lạc bộ bảo tồn văn hóa Thái. Từ 8 thành viên đầu tiên là những người có cùng sở thích hát các làn điệu dân ca Thái, đến nay, câu lạc bộ đã phát triển lên 38 người, trong đó có những nghệ nhân ưu tú như bà Sầm Thị Vinh.
Hiện, câu lạc bộ sinh hoạt ở nhiều lĩnh vực khác nhau như tiếng nói, chữ Thái cổ, và truyền dạy các làn điệu dân ca Thái như hát Suối, hát Lăm, hát Nhuôn, hát Hắp Lai, và các hoạt động dân ca, tâm linh.
Trên hành trình bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa gắn với phát triển du lịch, huyện Quỳ Châu xây dựng thành tour tham quan gồm: Bảo tàng văn hóa các dân tộc, du lịch cộng đồng (đang xây dựng tại bản Hoa Tiến), hang Bua - đền Chiêng Ngam (bản Hồng Tiến 2, xã Châu Tiến); thác Khe Bàn (xã Châu Bình), thác Đũa (xã Châu Hạnh); mộ Đốc binh Lang Văn Thiết (xã Châu Hội).


Chiến lược phát triển du lịch cộng đồng
Miền Tây xứ Nghệ với hệ sinh thái đa dạng và bản sắc văn hóa đặc trưng của các dân tộc thiểu số như Thái, Mông, Khơ Mú, Đan Lai… sở hữu nhiều tiềm năng để phát triển du lịch cộng đồng.
Trải dài từ miền xuôi lên miền ngược, nhiều điểm du lịch hình thành, điển hình như: Làng du lịch cộng đồng bản Hoa Tiến; điểm du lịch cộng đồng bản Quang Phúc và bản Coọc (huyện Tương Dương); điểm du lịch cộng đồng Cọ Muồng, Mường Đán, và Farmstay Nhật Minh (huyện Quế Phong)…
Đến nay, có 23 bản làng với 54 hộ gia đình tham gia phát triển dịch vụ homestay, tạo nên một mạng lưới du lịch cộng đồng khá rộng khắp tỉnh. Ngoài việc tạo công ăn việc làm và thu nhập cho người dân, các mô hình du lịch cộng đồng còn góp phần lưu giữ, phát huy, và quảng bá các giá trị văn hóa của đồng bào.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, các sản phẩm du lịch cộng đồng tại Nghệ An mới chỉ phát triển ở mức quy mô nhỏ, chưa được đầu tư và tổ chức một cách bài bản.

Ông Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Nghệ An cho rằng, các địa phương cần quy hoạch các địa điểm, mô hình du lịch trọng điểm để từ đó tập trung phát triển hạ tầng giao thông, bãi đậu xe, điện, nước sạch, thông tin liên lạc, nhà vệ sinh công cộng…
Theo ông Cường, các địa phương cần thu hút các nhà đầu tư xây dựng các cơ sở dịch vụ du lịch chất lượng cao, khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng để vừa nâng cao chất lượng dịch vụ, vừa đa dạng hóa các sản phẩm du lịch.
Đồng thời, liên kết các công ty lữ hành, xây dựng mạng lưới kết nối về du lịch cộng đồng, tránh sự trùng lặp về các sản phẩm, tạo dựng và hình thành những hành trình, tour du lịch khám phá trải nghiệm…
Với hệ sinh thái đa dạng và bản sắc văn hóa đặc trưng, miền Tây xứ Nghệ hứa hẹn sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn, mang lại nhiều trải nghiệm đáng nhớ cho du khách trong và ngoài nước.
Đầu tư vào du lịch cộng đồng không chỉ là đầu tư vào kinh tế, mà còn là đầu tư vào văn hóa và con người, góp phần xây dựng một tương lai tươi sáng và phát triển bền vững cho vùng đất này.
“Xã Châu Tiến xây dựng đề án phát triển du lịch cộng đồng đến năm 2025, phấn đấu trung bình mỗi năm thu hút hơn 40.000 lượt khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm. Mục tiêu của chúng tôi là đạt tổng thu nhập từ khách du lịch khoảng 13 tỷ đồng/năm”, ông Sầm Văn Túc - Phó Chủ tịch UBND xã Châu Tiến cho biết.