Thông tin trên được Chủ tịch quận Bắc Từ Liêm đưa ra trong cuộc họp của thành phố Hà Nội về phòng chống dịch Covid-19 hôm 18/3. Một thông tin làm ấm lòng người dân giữa những ngày dịch dã đầy lo âu, ảm đạm.
Với những người về hưu, tham gia chống dịch, dù ở vòng ngoài, không tiếp xúc gần nguồn lây bệnh, nhưng cũng là sự hy sinh rất lớn đối với sức khỏe, cuộc sống, thời gian của họ.
Nhưng họ sẵn sàng chia sẻ chuyên môn quý giá của mình lúc người dân và đất nước cần hơn bao giờ hết. Với các bạn sinh viên cũng vậy, chuyên môn và sức trẻ của họ sẽ góp phần làm nên “tấm khiên” đẩy lùi dịch bệnh bảo vệ cộng đồng.
Lúc đất nước gặp khó khăn, cũng là lúc mỗi người dân thể hiện trách nhiệm, sự kiên cường, tình yêu của mình. Không có gì thiết thực hơn là lên tiếng, hành động vào lúc này để giúp đất nước vượt qua đại dịch. “Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta, hãy hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay” - đã có một câu nói như vậy và giờ là lúc người dân Việt Nam, trong và ngoài nước, thể hiện điều đó, theo nhiều cách khác nhau.
Không có từ nào nói hết được sự biết ơn với các bác sĩ, nhân viên y tế, các chiến sĩ quân đội và vô số những người khác đang ngày đêm tham gia vào lực lượng chống dịch.
Sự cống hiến của họ đã góp phần để dịch được kiểm soát ở Việt Nam cho đến tận hôm nay, cho dù chúng ta sát với nơi đã bùng phát dịch ban đầu, hay trong khi dịch lan rộng đến mức báo động đỏ trên toàn thế giới. Sự cống hiến đó đã góp phần cứu người, làm gương cho vô số sự chia sẻ, tử tế khác mà chúng ta chứng kiến những ngày qua.
Các ca sĩ sớm đóng góp thiết thực, các cầu thủ lên tiếng, các doanh nghiệp và người dân hưởng ứng lời kêu gọi của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ngay trong ngày đầu tiên… Tất cả tạo nên tinh thần đoàn kết, đồng lòng mạnh mẽ mà không phải lúc nào cũng có thể chứng kiến.
Một người bạn tôi ở Áo kể chuyện, hàng nghìn thanh niên trai tráng nước này từng đi nghĩa vụ quân sự, giờ đã viết thư, gọi điện xin gia nhập đội quân giúp đỡ chống dịch Covid-19 ở nước này. Áo cũng huy động nhiều bác sĩ, y tá về hưu tham gia chống dịch. Hóa ra, tưởng là chủ nghĩa cá nhân ngự trị ở phương Tây, lúc cần họ sẵn sàng lên tiếng vì đất nước. Ở đâu cũng vậy, tiếng gọi của đất nước có sức mạnh lay động mọi trái tim.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nói, chống dịch như chống giặc. Các bác sĩ, y tá về hưu, những người trung tuổi có thể đã trải qua thời chiến, đã chứng kiến và chính họ cũng từng có sự hy sinh quên mình, vô điều kiện để bảo vệ Tổ quốc.
Còn những người trẻ họ chưa từng trải qua chiến tranh, nhưng lúc này cũng là lúc có những nguy cơ đe dọa đến cộng đồng. Đó là tình yêu nước, là sức mạnh nội tại của dân tộc chảy qua nhiều thế hệ, và vì thế, đất nước sẽ trường tồn.