Trắc nghiệm góp công đầu

GD&TĐ - “Hết cảnh “nóng bỏng” mùa thi”. Truyền thông đã không kiệm lời khi rút tít như thế về kỳ thi THPT quốc gia 2017 vừa kết thúc vào những ngày cuối tháng 6 vừa qua. 

Trắc nghiệm góp công đầu

Đây là kỳ thi mà lần đầu tiên mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được tổ chức thành một cụm thi; thí sinh được thi tại trường THPT hoặc liên trường nơi mình đang theo học.

Truyền thông tường thuật thí sinh cảm thấy rất tự tin khi được thi ở địa điểm quen thuộc, không cần người thân đưa đón. Trước cổng trường thi vắng hẳn cảnh phụ huynh đội nắng dầm mưa chờ con và đường phố quanh khu vực thi cũng không còn cảnh bát nháo do lượng người đổ về quá tải...

“Cách đổi mới thi này đúng là phụ huynh nhàn hẳn. Mấy năm trước, phụ huynh ở khắp các nơi đổ về, trời thì nắng mà vạ vật chờ con thi đến khổ. Năm nay thi thế này, các con đỡ vất vả mà bố mẹ cũng nhàn tênh”- bà Đỗ Thị Thảo (ngụ TP Thanh Hóa) nói với truyền thông. Tại TPHCM và Hà Nội, không còn cảnh kẹt xe trong những ngày diễn ra kỳ thi. Vâng, hầu hết phụ huynh đều nhận xét kỳ thi diễn ra nhẹ nhàng, giảm tốn kém, vất vả cho gia đình thí sinh và xã hội.

Kỳ thi cũng cho thấy việc lựa chọn phương án thi trắc nghiệm cho tất cả các môn, trừ môn văn là đúng đắn. Trước kỳ thi, các chuyên gia tranh cãi nảy lửa về các môn thi làm theo phương pháp trắc nghiệm. Các ý kiến lo ngại thì cho rằng thi trắc nghiệm không đào sâu kiến thức; không phát huy tốt khả năng diễn đạt, suy luận của học sinh, nhất là đối với môn toán lần đầu chuyển sang thi trắc nghiệm. Kết thúc kỳ thi đã cho thấy lo ngại đó là không có cơ sở.

Đề thi có dành một số câu hỏi yêu cầu thí sinh phải biết tổng hợp, đào sâu kiến thức, suy luận mới làm được. Ngược lại, khía cạnh tích cực của lối thi này đã được phát huy thấy rõ. Ngay sau các buổi thi, nhiều giáo viên bộ môn đưa ra nhận xét ưu điểm của hình thức thi trắc nghiệm là học sinh phải nắm toàn bộ kiến thức chương trình, tránh được lối học tủ, học vẹt trước đây.

Tình trạng phao thi có thể nói đã chấm dứt hẳn. Ngoài ra, với các môn xã hội, thí sinh phải biết liên hệ thực tế, phải theo dõi tình hình thời sự đất nước mới có thể đạt điểm cao. Đồng thời, với cách thi này bước đầu làm học sinh thêm yêu các môn khoa học xã hội. Số lượng thí sinh đăng ký thi môn khoa học xã hội cao hơn môn khoa học tự nhiên ở kỳ thi này là một minh chứng.

Hình thức thi trắc nghiệm cũng cho phép tạo cho mỗi thí sinh một mã đề riêng với những câu hỏi có cùng độ khó nhưng nội dung không hoàn toàn giống nhau. Cách thi này đã “trói tay” những thí sinh muốn quay cóp. Số thí sinh vi phạm quy chế giảm mạnh. Kỷ luật phòng thi được duy trì. Tình trạng người ngoài phòng thi leo thang ném bài giải vào nay không còn. Theo báo cáo nhanh của Bộ GD&ĐT, trong toàn đợt thi chỉ có 72 thí sinh bị đình chỉ thi (trong khi năm 2016 là 328 trường hợp) và chỉ hai cán bộ coi thi bị nhắc nhở vì vi phạm quy chế thi.

Nhưng vấn đề quan trọng nhất của kỳ thi không phải nằm ở cách tổ chức cụm thi, cách thay đổi hình thức làm bài thi mà ở công tác đề thi. Đề thi phải có độ tin cậy để đánh giá chính xác trình độ của thí sinh. Ghi nhận ban đầu ngay sau kỳ thi cho thấy các giáo viên đánh giá cao công tác đề thi. Cụ thể, các đề thi đã có sự phân hóa để phân loại học sinh khá, giỏi. Tuy nhiên, vẫn còn không ít ý kiến băn khoăn có đề thi quá dễ hay quá khó nên việc đánh giá học sinh khó chính xác. Về vấn đề này có lẽ phải chờ kết quả chấm thi với phổ điểm được công bố mới có câu trả lời rõ ràng.

Trả lời báo chí ngay sau kỳ thi, Thứ trưởng Bùi Văn Ga khẳng định đổi mới thi tuyển sinh đã đi đúng hướng, những mục tiêu đổi mới thi tuyển sinh đã cơ bản đạt được. Dư luận đồng tình với nhận định ban đầu này. Tuy nhiên, đây mới chỉ là giai đoạn một của kỳ thi để công nhận tốt nghiệp THPT; giai đoạn hai là việc xét tuyển ĐH, CĐ đang còn ở phía trước. Nếu mọi việc diễn ra suôn sẻ như kế hoạch thì niềm vui của kỳ thi đổi mới mới trọn vẹn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ