Trả lời phản ánh về việc điều động giáo viên

Ngày 1/12/2010, bà Nông Thị Việt (trongvietnam123@...) được tuyển dụng và nhận công tác tại trường THCS Bình La, huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn. Ngày 20/8/2012, bà được điều động đến công tác tại Trường phổ thông Dân tộc bán trú THCS Thiện Long.

Trả lời phản ánh về việc điều động giáo viên

Đến ngày 1/9/2014, bà Việt lại nhận được Quyết định điều động về trường THCS Tô Hiệu. Hiện nay, hoàn cảnh gia đình bà Việt gặp nhiều khó khăn (bố mẹ già yếu, con nhỏ, chồng công tác xa nhà...), việc điều động công tác đã ảnh hưởng lớn đến cuộc sống gia đình. Bà Việt đề nghị xem xét lại việc điều động để bà được tiếp tục công tác tại Trường phổ thông Dân tộc bán trú THCS Thiện Long.

Về vấn đề này, UBND huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn trả lời như sau:

Việc điều động, thuyên chuyển công tác đối với cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên là công việc thường xuyên của UBND huyện, được thực hiện trước khi năm học mới bắt đầu, nhằm đảm bảo bố trí cán bộ quản lý và giáo viên thực hiện hoàn thành nhiệm vụ năm học với các mục đích:

- Nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, giáo viên thuộc huyện quản lý đảm bảo yêu cầu về số lượng và chất lượng. Đảm bảo cân đối, đồng bộ về giáo viên, giữa các bộ môn được đào tạo; cân đối về số lượng biên chế giữa các trường trong phạm vi toàn huyện, nhất là những trường đóng trên địa bàn khó khăn. 

Nâng cao tinh thần trách nhiệm, khắc phục tình trạng trì trệ, chủ quan trong công tác của viên chức; nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trên địa bàn huyện.

- Tạo điều kiện cho viên chức phát huy tốt nhất về chuyên môn, nghiệp vụ, về khả năng, năng lực sở trường, phát huy tính chủ động, sáng tạo của viên chức, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, đảm bảo "Dạy tốt, học tốt".

- Tạo điều kiện bố trí hợp lý cho những giáo viên có thời gian công tác lâu năm ở những trường có điều kiện khó khăn về công tác ở những trường có điều kiện thuận lợi hơn, đồng thời luân chuyển giáo viên từ vùng thuận lợi tới vùng khó khăn nhằm đảm bảo công bằng trong bố trí, điều động, thuyên chuyển và phát huy được năng lực chuyên môn của cá nhân.

Đối với bà Nông Thị Việt, được tuyển dụng từ tháng 12/2010, đã công tác 4 năm tại các xã đặc biệt khó khăn (xã Bình La và xã Thiện Long), có con nhỏ, có hộ khẩu thường trú tại huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn. 

Cơ quan tham mưu (Phòng Nội vụ và Phòng Giáo dục và đào tạo) thống nhất đề nghị và đã được thông qua tại cuộc họp lãnh đạo UBND huyện với lãnh đạo Phòng Nội vụ và Phòng Giáo dục và đào tạo.

Theo đó, điều động bà Việt từ Trường phổ thông Dân tộc bán trú THCS Thiện Long (vùng đặc biệt khó khăn) đến nhận công tác tại trường THCS Tô Hiệu (xã điểm xây dựng nông thôn mới của tỉnh, ở khu trung tâm của huyện) nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân bà Việt phát huy tốt nhất năng lực chuyên môn, có điều kiện tốt hơn chăm sóc con nhỏ (trường THCS Tô Hiệu cách trường mầm non Tô Hiệu khoảng 100 m) và gần với gia đình hơn khoảng 42 km so với trường cũ.

Giáo viên vào thay vị trí bà Việt là bà Hà Thị Minh, quê quán xã Thiện Long, huyện Bình Gia, tuyển dụng từ năm 1992. Năm học 2014 - 2015, bà Minh có đơn đề nghị được chuyển công tác vào Trường phổ thông Dân tộc bán trú THCS Thiện Long. 

Xét thấy đề nghị của bà Minh là hợp lý nên UBND huyện đã thực hiện việc điều động bà Minh đến nhận công tác tại Trường phổ thông Dân tộc bán trú THCS Thiện Long, thay bà Việt.

Việc bà Việt cho rằng trong năm học 2014 - 2015, UBND huyện điều động khoảng 300 giáo viên là không đúng sự thật. Trong năm học 2014-2015, UBND huyện đã thực hiện điều động luân chuyển 98 giáo viên, nhân viên, trong đó điều động theo nguyện vọng 47 trường hợp, điều động do yêu cầu đảm bảo về biên chế và cơ cấu giáo viên là 51 trường hợp.

Theo Cổng thông tin Chính Phủ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Một tiết học Lịch sử tại Trường Tiểu học số 223, Warsaw, Ba Lan.

Tranh cãi bỏ bài tập về nhà

GD&TĐ - Chính phủ Ba Lan quy định những quy định mới về việc giao bài tập về nhà, trong đó cấm giao bài tập cho học sinh lớp 1 - 3.