Trả lại vẻ đẹp vốn có cho mùa lễ hội

GD&TĐ - Hàng nghìn năm qua, với người Việt Nam, khi mùa xuân về cũng là lúc bắt đầu một mùa lễ hội. Đây là nét đẹp truyền thống của dân tộc có sức sống mãnh liệt ăn sâu vào tiềm thức, trở thành nhu cầu, khát vọng không thể thiếu trong đời sống tinh thần của nhân dân.

Trả lại vẻ đẹp vốn có cho mùa lễ hội

Ý nghĩa lớn nhất của lễ hội là lưu giữ lịch sử, thắt chặt tính cố kết cộng đồng; khơi dậy lòng tự hào; tinh thần yêu nước và đạo lý uống nước nhớ nguồn, góp phần quan trọng làm giàu bản sắc văn hóa và tính cách người Việt; đây cũng là hoạt động đáp ứng nhu cầu tâm linh và đời sống tinh thần của nhân dân, làm cho cuộc sống thêm vui tươi…

Bên cạnh đó, đây cũng là dịp quảng bá cho khách du lịch nước ngoài thấy được những nét sinh hoạt văn hóa truyền thống đặc sắc cũng như những phong tục, tập quán của nhiều vùng, nhiều dân tộc sinh sống trên đất nước ta.

Song, điều đáng nói công tác quản lý lễ hội ở một số nơi nảy sinh nhiều vấn đề bất cập. Mặc dù đã được dư luận lên tiếng, cũng như các cơ quan chức năng, các cấp chính quyền đã có nhiều biện pháp để tổ chức các hoạt động lễ hội đảm bảo phát huy truyền thống vốn có, nhưng mới vào đầu mùa lễ hội năm 2015, tại một số lễ hội lại tái diễn nạn chèo kéo khách, mặc cả giá trị tâm linh như: Xem bói, xem quẻ, lên đồng, nạn cờ bạc, ăn xin và cùng với đó là tình trạng mất vệ sinh môi trường, nạn đốt hàng mã, rải tiền lẻ không đúng nơi quy định làm phai mờ bản sắc văn hóa của lễ hội…

Đáng buồn hơn là xu hướng thương mại hóa lễ hội ngày càng rõ. Thậm chí, có lễ hội do không tìm hiểu cặn kẽ nguồn gốc nên xuất hiện một số hoạt động xa rời ý nghĩa, nghi thức trong lễ hội bị biến tướng; ở một số nơi, do thiếu thông tin về truyền thống lễ hội, nên đã phát triển trở thành hủ tục mang màu sắc mê tín, dị đoan.

Trước thực trạng này, dư luận cho rằng cần nghiêm khắc sàng lọc, lựa chọn và chấn chỉnh các hoạt động lễ hội, loại bỏ những hoạt động thiếu văn hóa và hành vi làm “ô nhiễm” sinh hoạt văn hóa cộng đồng, bên cạnh đó cần tách bạch rõ giữa lễ hội dân gian, có từ lâu đời của người dân và các liên hoan chỉ mang tính phong trào, hay các “biến tướng” trong lễ hội. Bởi nếu không, bản chất của lễ hội là “sự kiện văn hóa được tổ chức mang tính cộng đồng” sẽ ngày càng bị lai tạp, tín ngưỡng văn hóa lành mạnh của cộng đồng và người dân sẽ dễ bị lợi dụng.

Mới đây một việc làm đầu năm 2015 được dư luận xã hội đánh giá rất cao đó là việc Sở VH, TT&DL TP Hà Nội thi sát hạch “ông đồ” tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Hay một động thái tích cực khác cũng được dư luận quan tâm, là việc Ngân hàng Nhà nước cùng Bộ VH, TT&DL tăng cường tuyên truyền, vận động người dân sử dụng tiền mệnh giá nhỏ đúng mục đích; chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các hoạt động đổi tiền hưởng chênh lệch… vận động xóa bỏ tục đốt vàng mã, đặt tiền ở nơi thờ tự, viết sớ... vừa gây lãng phí lớn, vừa làm hư hại di sản, mất mỹ quan, biến tướng lễ hội... đã và đang tạo ra nhiều chuyển biến tích cực, được coi là động thái quyết liệt, góp phần làm trả lại vẻ đẹp của lễ hội.

Thế nhưng ai cũng biết, tổ chức một lễ hội không hề đơn giản, cần nhiều sức người, sức của của cả cộng đồng đổ vào mới có thể làm nên. Một mùa lễ hội năm 2015 mới bắt đầu và còn rất nhiều công việc cần phải làm. Vì thế đây là thời điểm mấu chốt để các cấp chính quyền địa phương cần triển khai, thực hiện triệt để tinh thần Chỉ thị 41 của Ban Bí thư ngày 5/2/2015 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội và Công điện số 229/CĐ-TTg, ngày 12/2/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội... để trả lại vẻ đẹp vốn có lễ hội truyền thống của dân tộc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ