Trà hoa vàng phòng ngừa ung thư

GD&TĐ - Trà hoa vàng là giống cây bản địa, có nhiều hoạt chất quý, hỗ trợ ức chế tế bào ung thư. Nó được trồng ở nhiều vườn quốc gia và là nguồn dược liệu quý cần được khai thác đúng cách.

Trà hoa vàng phòng ngừa ung thư

Công viên trà hoa vàng giữa Cát Tiên

Vườn Quốc gia Cát Tiên vừa công bố thông tin những cây trà hoa vàng đã bắt đầu sinh trưởng, phát triển tốt tại đây. Dự án đưa cây trà hoa vàng lên Vườn Quốc gia Cát Tiên phục vụ công tác bảo tồn và nghiên cứu bắt đầu từ năm 2019.

Sau 2 năm, ông Nguyễn Văn Minh - Phó Giám đốc Vườn Quốc gia Cát Tiên cho biết, hàng nghìn gốc trà hoa vàng quý hiếm các loại đã bén rễ, nảy chồi trên miền đất nhiệt đới nóng ẩm Nam Cát Tiên.

Trà hoa vàng là loại cây dược liệu có giá trị rất cao đối với công tác nghiên cứu khoa học và bảo tồn nguồn gene. Nguyện vọng hàng đầu của Vườn Quốc gia Cát Tiên là xây dựng thành công Khu bảo tồn gene loài cây quý hiếm họ trà, từng bước biến nơi đây thành công viên trà hoa vàng “độc nhất vô nhị” ở Việt Nam với đầy đủ bộ sưu tập về các loại trà hoa vàng quý hiếm trong nước và khu vực.

Trong 2 năm vừa qua, Vườn Quốc gia Cát Tiên đã xây dựng bước đầu 5ha Công viên Trà Hoa Vàng giữa khu rừng nguyên sinh. Năm 2019 và năm 2020, Vườn Quốc gia Cát Tiên đã trồng dặm và trồng mới lần lượt 1.200 cây và 2.400 cây thuộc 15 loài trà hoa vàng đặc hữu của Tây Nguyên. Trong năm 2021, Vườn Quốc gia Cát Tiên tiếp tục trồng dặm và trồng mới 400 cây trà hoa vàng nhân giống.

Toàn bộ số lượng cây trà hoa vàng này do Công ty TNHH Kim Hoa Trà sưu tập, nhân giống sản xuất tại nông trại thuộc địa bàn thôn Hang Hớt, xã Mê Linh, huyện Lâm Hà, Lâm Đồng. Nông trại có hơn 40 loài trà hoa vàng khác nhau, tọa lạc trên độ cao 1.100m so với mặt biển, cách trung tâm thành phố Đà Lạt 22km.

Công bố từ các tài liệu khoa học cho biết, trà hoa vàng có chứa hàm lượng lớn hoạt chất chống oxy hóa, bảo vệ tế bào gan, ức chế sự phát triển của tế bào ung thư, ức chế phát triển virus HIV, phòng chống bệnh tim mạch…

Hiện trong tự nhiên có khoảng 50 loài trà hoa vàng phân bổ ở các vùng núi cao thuộc các nước Đông Nam Á, Đài Loan, Trung Quốc, Đông Bắc châu Mỹ, vùng Tây Nguyên và tỉnh Quảng Trị của Việt Nam.

Nhà thực vật học Lương Văn Dũng, giảng viên Trường Đại học Đà Lạt cho biết, trà hoa vàng không đơn thuần là loại nước uống. Từ kết quả phân tích những hoạt chất được các nhà khoa học phát hiện, chiết xuất từ hoa và lá loại trà này đã được công bố trên các tạp chí khoa học trong nước và quốc tế.

Có thể khẳng định, đây là cây dược liệu quý hiếm, cần được nhân giống, bảo tồn, phát triển và có giá trị kinh tế cao.

Trà hoa vàng phòng ngừa ung thư ảnh 1

Trà dược liệu của người Việt

Trà hoa vàng (Yellow Camellia) là tên gọi chung cho các loài có hoa màu vàng, thuộc chi Trà (Camellia L.) thuộc họ Chè (Theaceae). Việt Nam hiện có 68 loài và 1 thứ, trong đó có tới 42 loài Trà hoa vàng. Với số loài đã biết, Việt Nam trở thành một trong những quốc gia sở hữu nhiều loài Trà hoa vàng nhất trên thế giới. Trong số 42 loài này, có 32 loài được coi là đặc hữu Việt Nam, hoặc cho đến nay mới chỉ được công bố có ở Việt Nam. 

TS Vũ Văn Tâm, Chủ tịch HĐQT Công ty Dược liệu Vũ Gia (Ninh Bình) cho biết, ở Việt Nam, một số loài trà hoa vàng đã được định danh, định lượng. Nó có chứa các thành phần Flavanoid, Polyphenol và Saponin cùng các nguyên tố vi lượng với tác dụng ngăn ngừa, chống oxy hóa mạnh.

Các thành phần này kiềm chế các khối u ác tính, ngăn ngừa bệnh về tim mạch, điều trị huyết áp, tăng cường khả năng giải độc cho gan....

Theo TS Tâm, từ lâu người dân ở khu vực gần rừng Cúc Phương (Ninh bình) đã sử dụng trà hoa vàng để làm dược liệu. Các hợp chất trong trà hoa vàng có tác dụng kiềm chế sự sinh trưởng các khối u đến 33,8%; giảm đến 35% lượng cholesterol trong máu…

“Trà hoa vàng được thu hoạch sử dụng cả lá, nụ và hoa. Do bị khai thác quá mức, nên khả năng tái sinh trong tự nhiên của giống trà này rất thấp. Nguy cơ tuyệt chủng nếu không có biện pháp bảo vệ và gây trồng hợp lý.

Xuất phát từ thực tiễn đó, UBND tỉnh Ninh Bình đã phê duyệt đề án “Bảo tồn và nhân giống trà hoa vàng Cúc Phương”. Từ đó đến nay, diện tích trồng trà hoa vàng được mở rộng, việc bảo tồn loại trà dược liệu quý này có những bước phát triển”, ông Tâm chia sẻ.

Khu bảo tồn và nhân giống trà hoa vàng rộng 30 ha tại xã Gia Lâm, huyện Nho Quan, nằm trong thung lũng được bao quanh bởi núi Cổ Ngựa, tạo thành một vườn trồng khép kín hình chiếc hồ lô, chỉ có duy nhất một lối ra vào thông với bên ngoài.

Cùng với việc trồng cây dược liệu kiểu hoang dã, tại khu vực trung tâm của vườn có một khu nhà lưới gần 1.000m2, trang thiết bị theo công nghệ Israel, để nhân, ươm giống cây con, giúp cho cây giống không bị ảnh hưởng bởi những yếu tố bất lợi của thời tiết và hạn chế sự phá hoại của các loại sâu bọ, côn trùng, tạo ra những cây giống khỏe mạnh…

Theo TS Vũ Văn Tâm, từ khi trà bắt đầu ra hoa, cần tính toán để thu hoạch đúng thời điểm hoa trà nở rộ, lúc này hoa trà cho nhiều hoạt chất tốt nhất. Đồng thời, người hái cần giữ nguyên cả hoa và đài hoa, phần búp trà hái vừa đủ lá để cây tiếp tục sinh trưởng và phát triển, nên hái đúng lứa và sử dụng tay hái nhằm bảo đảm chất lượng.

Hiện, giá thu mua đối với nụ hoa tươi là 500.000 - 700.000 đồng/kg, hoa tươi là 800.000 - 1.000.000 đồng/kg, lá cây trà hoa vàng phơi khô từ 300.000 - 500.000 đồng/kg.

Việc nghiên cứu, bảo tồn, nhân giống cây trà hoa vàng không chỉ giữ nguồn gene quý, mà còn mở ra hướng phát triển mới, tạo thu nhập, nâng cao đời sống cho người nông dân.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.