Trả giá đắt vì “miếng fomat” không mất tiền

Với hàng loạt các thủ đoạn hết sức tinh vi, các đối tượng sử dụng Internet như một công cụ để thực hiện hành vi lừa đảo. Chúng len lỏi vào khắp các ngóc ngách của cuộc sống, lừa đảo từ những người nông dân cả đời chưa biết đến Internet là gì đến những trí thức, công chức hiểu biết pháp luật. Làm gì để không trở thành nạn nhân của trò lừa đảo?

Trả giá đắt vì “miếng fomat” không mất tiền

Chúng tôi đã đi sâu tìm hiểu, làm việc với cơ quan chức năng để có cái nhìn tổng quan nhất, phần nào giúp bạn đọc có thêm kiến thức để tự bảo vệ mình.

Bài 1: Nhận diện những chiêu lừa qua mạng

Một trong những thủ đoạn phổ biến nhất của trò lừa đảo qua mạng hiện nay đó là thủ đoạn giả danh nhà mạng nhắn tin trúng thưởng. Các đối tượng thường giả danh nhà mạng để lừa đảo trúng thưởng xe máy Liberty, xe SH, tặng 100 triệu đồng hoặc 1 năm sử dụng xăng miễn phí… Nhiều người khi đọc xong tin nhắn nghĩ rằng đó là thật, để làm thủ tục nhận thưởng đã nhanh chóng nạp tiền vào tài khoản của chúng.

Điển hình như nhóm đối tượng gồm 6 tên, do đôi tình nhân Nguyễn Văn Pháp, 27 tuổi và Nguyễn Thị Phương, 21 tuổi cùng quê ở Quảng Nam cầm đầu. Đôi tình nhân trên lên mạng đăng ký tên miền trangchuzalo.vn, đăng thông tin về giải thưởng có giá trị lớn, số điện thoại liên lạc.

Phương đăng tấm ảnh mình cầm giải thưởng, chú thích "người may mắn được giải nhì" với phần thưởng hàng chục triệu đồng để làm “chim mồi”. Tiếp đó, bộ đôi gửi tin nhắn đến các tài khoản Zalo với nội dung "Chúc mừng tài khoản của bạn đã trúng giải nhất chương trình Tri ân khách hàng" là xe tay ga, phiếu tiền mặt hàng trăm triệu đồng... và yêu cầu "người may mắn" truy cập vào web "trangchuzalo" để liên hệ nhận giải.

Khi bị hại truy cập vào trang web trên, Phương và Pháp giả là các nhân viên tư vấn, yêu cầu họ chuyển tiền và cung cấp tài khoản ATM. Chúng chọn những "con mồi" ở TP Hồ Chí Minh, Hải Dương, Hà Nội... bằng chức năng định vị trên điện thoại để khó bị phát hiện.

Để “dẫn dắt” bị hại, lúc đầu, các đối tượng chỉ yêu cầu đóng 1 ít tiền dưới hình thức cào thẻ điện thoại để làm hồ sơ nhận giải, sau đó, chúng dẫn dụ nộp phí trước bạ cho chiếc xe, tiền bàn giao giải thưởng, chi phí mua vé máy bay...

Đến khi bị cơ quan Công an phát hiện, cặp đôi trên đã lừa đảo thành công 33 người ở nhiều địa phương, chiếm đoạt gần 1,5 tỷ đồng. Ngoài ra, cơ quan Công an còn bắt giữ 4 đối tượng khác vì cho mượn tài khoản ATM, rút tiền và hưởng lợi.

Thủ đoạn khá phổ biến nữa là việc giả danh nhà mạng nhắn tin khuyến mãi "siêu khủng". Với thủ đoạn này, các đối tượng nhắn tin giả danh các nhà mạng như MobiFone, VinaPhone, Viettel để khuyến mãi thẻ cào. Nạp tiền thẻ cào thì sẽ được khuyến mãi gấp 100% hoặc 500% số lượng tiền đã nạp thẻ khiến cho người bị hại tưởng thật, có người nạp đến vài triệu đồng và bị các đối tượng chiếm đoạt.

Điển hình nhất là thủ đoạn “ông chú làm ở Viettel”, “bà chị làm ở Mobifone”…Với chiêu thức trên, các đối tượng đã “làm mưa làm gió” trong năm 2014-2015. Cơ quan Công an điều tra, bắt giữ hàng chục đối tượng mới ngăn chặn được tình trạng này.

Một trong những thủ đoạn khiến bị hại mất nhiều tiền nhất đó là việc giả người nước ngoài, làm quen tặng quà. Với thủ đoạn này, các đối tượng là người nước ngoài hoặc giả làm người nước ngoài làm quen với nhiều phụ nữ qua mạng. Nhận thấy các "con mồi" phát sinh tình cảm thì tiến tới tặng quà gửi từ nước ngoài về Việt Nam.

Khi những người này chuẩn bị đi nhận quà, đối tượng gọi điện thoại giả làm nhân viên hải quan của sân bay yêu cầu nạn nhân nạp tiền phí hoặc tiền thuế qua một tài khoản cho sẵn thì khách hàng mới được nhận món quà của bạn trai từ “nước ngoài” gửi về.

Mới đây nhất, Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Cần Thơ đã phát hiện một nhóm lừa đảo bằng thủ đoạn trên, bắt khẩn cấp 4 đối tượng gồm Micheal IkeChukwu Leonard, 44 tuổi, quốc tịch Nigeria; Huỳnh Hạ Bình, 26 tuổi; Huỳnh Hạ Uyển, 24 tuổi và Nguyễn Trần Quỳnh Nhi, 25 tuổi, cùng trú ở TP Hồ Chí Minh.

Nhóm đối tượng lừa đảo hơn 20 tỷ của phụ nữ muốn lấy chồng nước ngoài do Công an TP Cần Thơ vừa bắt giữ.
Nhóm đối tượng lừa đảo hơn 20 tỷ của phụ nữ muốn lấy chồng nước ngoài do Công an TP Cần Thơ vừa bắt giữ.

Thông qua mạng facebook, các đối tượng tìm những phụ nữ Việt Nam muốn lấy chồng nước ngoài, giới thiệu ở nước ngoài rất thành đạt nhưng hôn nhân kém may mắn (ly hôn, vợ chết…), để ”câu” phụ nữ. Qua vài ngày “chát” và nhắn tin, chúng ngỏ lời yêu đương và muốn tiến tới hôn nhân, tặng quà để đưa nạn nhân vào bẫy và chuyển vào tài khoản bọn chúng nhanh chóng rút hết tiền thông qua thẻ ATM ở Campuchia.

Bước đầu các đối tượng khai nhận, từ đầu năm 2015 đến nay đã thực hiện hàng trăm vụ lừa đảo trên nhiều tỉnh, thành như: Cần Thơ, TP Hồ Chí Minh, Long An, Trà Vinh, Bến Tre, Quảng Ninh, Hà Nội, Hải Phòng, Điện Biên, Đà Nẵng…, với khoảng 100 nạn nhân, chiếm đoạt số tiền 20 tỷ đồng…

Ngoài ra, các thủ đoạn khá phổ biến nữa là trộm tài khoản Facebook, mạo nhận người thân nhờ nạp tiền các đối tượng thường dùng là lấy cắp tài khoản Facebook của người thân và yêu cầu nạp tiền, mua thẻ cào. Bị hại tưởng người thân của mình đang gặp khó khăn đã nạp tiền, đã bị các đối tượng chiếm đoạt; hay thủ đoạn trộm facebook, giả bán hàng online đối tượng giả các Facebook bán hàng online ở trên mạng cũng hay được kẻ xấu sử dụng.

Với chiêu thức trên, những người tham gia mua hàng trên mạng tưởng đó là Facebook quen thuộc mà mình đã đăng ký mua hàng nên không nghi ngờ, nạp tiền vào tài khoản các đối tượng đưa ra và nhanh chóng bị đối tượng chiếm đoạt tiền.

Tại sao có nhiều người dễ dàng trở thành nạn nhân của những trò lừa đảo qua mạng xã hội như vậy? Có phải các đối tượng đã đánh trúng tâm lý tò mò, lòng tham của một số người? Nạn nhân chủ yếu dựa vào những vụ lừa đảo qua mạng đa số thuộc nhóm người nào?...

Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa, Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao cho biết, ở Việt Nam có rất nhiều người tham gia trên các mạng xã hội, chủ yếu là mạng facebook, zalo… Các đối tượng lừa đảo chủ yếu đánh vào sự tò mò, lòng tham của nạn nhân. Tùy theo từng phương thức thủ đoạn khác nhau, chúng đánh vào những bị hại có trình độ hiểu biết khác nhau.

Do lừa đảo qua mạng nên người bị hại không cụ thể ở khu vực địa lý nào, nên có thể bị lừa ở bất cứ đâu, không cụ thể ở nhóm người nào. Dù thủ đoạn tinh vi nhưng hành vi của các đối tượng thường để lại vết tích trên mạng nên có thể điều tra, xác minh được.

Tuy nhiên đối với các mạng xã hội của nước ngoài tạo lập thì rất khó khăn trong công tác phối hợp điều tra; hơn nữa do không bị giới hạn về vị trí địa lý nên việc truy tìm đối tượng gặp nhiều khó khăn.

Theo cand.com.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người dân bắt cá thòi lòi bằng xà di lưới.

Nghề độc, lạ vùng Đất Mũi

GD&TĐ - Nằm nơi vị trí địa đầu Tổ quốc, Cà Mau là địa phương có nhiều đặc sản nổi tiếng và nhiều nghề độc, lạ.