TP.HCM ưu tiên xét nghiệm nhanh cho người sắp kết thúc cách ly tập trung

TP.HCM ưu tiên xét nghiệm nhanh cho người sắp kết thúc cách ly tập trung

Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM phối hợp cùng Trung tâm Báo chí TP.HCM tổ chức công bố thông tin về công tác cách ly Y tế tập trung tại TPHCM ngày 3/4.

BS Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM cho biết: Thời gian cách ly trong Khu cách ly tập trung theo quy định là 14 ngày kể từ ngày nhập cảnh, tuy nhiên Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19 yêu cầu làm xét nghiệm 2 lần (lúc vào và trước khi rời khỏi khu cách ly tập trung) để đảm bảo người cách ly về cộng đồng an toàn và có nguy cơ lây nhiễm thấp nhất.

Hiện Thành phố có gần 2.000 trường hợp đã rời khu cách ly tập trung, trong đó đã có 2 trường hợp xét nghiệm phát hiện mắc Covid-19 trước khi rời khỏi khu cách ly, đáng chú ý là các trường hợp này không có triệu chứng. Cho nên điều kiện quan trọng là phải có kết quả xét nghiệm trước khi rời khỏi khu cách ly, cho dù đã cách ly đủ 14 ngày.

Bên cạnh đó, phải truyền thông cho người cách ly hiểu, đánh giá nếu có trường hợp dương tính ngay trước khi rời khu cách ly, thì trường hợp dương tính mới có tiếp xúc với người nào khác hay không. Bởi nguyên tắc ở khu cách ly là phòng nào cách ly phòng đó, trong phòng không tiếp xúc với nhau tuy nhiên trên thực tế vẫn có những trường hợp không tuân thủ nguyên tắc. Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM khuyến cáo khi rời khỏi khu cách ly mà chưa có kết quả lần 2 thì sẽ lấy mẫu và đưa trở vào khu cách ly nếu cần thiết.

BS Dũng cũng cho biết: Việc tổ chức xét nghiệm phải đảm bảo tính chính xác cao, có trường hợp phải làm tới làm lui để cho kết quả tốt nhất. Một test xét nghiệm mất từ 4-6 tiếng mới có kết quả, khác với test nhanh cho kết quả liền, có lúc phải làm đi làm lại.

Đối với chùm ca bệnh liên quan đến quán bar Buddha ở quận 2, BS Nguyễn Trí Dũng khẳng định đây là một trong những ổ dịch mà Trung ương và TP.HCM đều rất quan tâm. Do đánh giá được nguy cơ nên ngay từ đầu khi xác định được ca nhiễm chỉ điểm (bệnh nhân 91), ngành y tế Thành phố đã xác định mối liên hệ tiếp xúc, khoanh vùng rất nhanh để tiếp cận cách ly những người có tham gia buổi tiệc ngày 14/3 tại đây và đến đây từ ngày 13/3 đến ngày 17/3. 

Tiến hành lấy mẫu 255 trường hợp, trong đó 11 trường hợp đã xác định nhiễm Covid-19 và 2 trường hợp đang nghi ngờ cao, cộng thêm 5 trường hợp lây nhiễm do tiếp xúc sau đó. BS Dũng nhận định: các trường hợp lây nhiễm đã được kiểm soát tốt, gần như đầy đủ, chỉ có 5 trường hợp là lây do tiếp xúc gần với 11 ca trước đó. Qua điều tra và tổ chức xét nghiệm nhiều lần, cho thấy một vài trường hợp đã qua 14 ngày kể từ khi rời khỏi quán bar vẫn dương tính, dù ban đầu là âm tính.

Đáng chú ý, mặc dù cơ quan chức năng đã phát đi nhiều thông báo, hầu hết những người tham gia quán bar này tự giác khai báo sớm, nhưng vẫn có trường hợp cố tình không khai báo và khai báo chậm, tiếp xúc rất nhiều người, nhiều lần nên ngành y tế TP.HCM quyết định để các trường hợp đó cách ly 14 ngày kể từ ngày đưa vào khu cách ly tập trung, chứ không phải kể từ ngày rời khỏi quán bar. “Với các trường hợp khai báo quanh co, không khai báo sớm phải xem xét đến chế tài, vi phạm luật phòng chống dịch bệnh nguy hiểm”, BS Dũng nhấn mạnh.

Liên quan đến năng lực xét nghiệm, hiện nay TP.HCM đang đẩy mạnh phòng xét nghiệm để phục vụ cho công tác phòng chống dịch nói chung. Trong đó có một số loại xét nghiệm cần ưu tiên, thứ nhất là những đối tượng nghi ngờ nhiễm và tiếp xúc gần với ca nhiễm để xác định được các yếu tố nguy cơ, nhằm khống chế nguy cơ lây nhiễm. Ưu tiên thứ 2 là những trường hợp kết thúc đầu ra khỏi khu cách ly, phải xét nghiệm làm sao cho kết quả nhanh nhất để người dân về với gia đình sớm nhất có thể. Thứ 3 là mẫu giám sát ở cộng đồng và thứ 4 là các trường hợp khác.

TP.HCM đang phối hợp với Viện Pasteur TP. HCM xét nghiệm cho các đối tượng này, đặc biệt là hỗ trợ cho nhóm thứ 2. Với năng lực của Viện thì có thể hỗ trợ Thành phố với công suất từ 1.000 đến 1.500 test/ ngày.

TP.HCM cũng đang chuẩn hóa các phòng xét nghiệm ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, Nhi đồng 1, Nhi đồng Thành phố, của các CDC, công suất từ 1.000 đến 1.300 test/ngày, tăng lên khoảng 5.000 test/ngày trong tuần tới, công tác này hiện nay đang gấp rút thực hiện.

Ngoài ra, TP.HCM cũng đang chờ bộ xét nghiệm nhanh của Bộ Y tế cũng như các nhà tài trợ, dự kiến là 100.000 test, nhằm tiến hành rà soát đánh giá lây lan trong cộng đồng, nhất là những khu vực có nguy cơ cao.

Tại cuộc họp, BS Nguyễn Trí Dũng đã giải đáp một số thắc mắc của phóng viên xung quanh việc vận chuyển số lượng lớn người sau khi hoàn thành việc cách ly tại các Khu cách ly tập trung về địa phương; công tác giám sát về chuyên môn của những người đã kết thúc thời gian cách ly nhằm đảm bảo an toàn cộng đồng và cho chính bản thân những người này.

Cũng tại buổi cung cấp thông tin, ông Từ Lương, Phó Giám đốc Sở TT&TT, Giám đốc Trung tâm Báo chí TP.HCM cho biết Bệnh viện Gia An 115 vừa được Cục Quản lý Khám, chữa bệnh - Bộ Y tế cho phép thực hiện xét nghiệm SARS- CoV 2. Đây là bệnh viện tư nhân đầu tiên được đồng ý chủ trương cho thực hiện xét nghiệm SARS- CoV 2 sau khi chuẩn bị đủ các thủ tục cần thiết và cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực, an toàn sinh học... theo quy định. Trước đó, ngành Y tế TP.HCM đã có 2 bệnh viện được Bộ Y tế cho phép thực hiện xét nghiệm chẩn đoán Covid-19 là: BV Bệnh Nhiệt đới và BV Nhi Đồng 1; kịp thời đáp ứng nhu cầu xét nghiệm chẩn đoán và tầm soát đối với người thuộc diện cách ly ngày càng tăng trên địa bàn TP.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lửa cháy đổ dầu thêm

GD&TĐ - Tổng giá trị gói viện trợ mới nhất Mỹ dành cho Ukraine được Hạ viện nước này phê chuẩn hôm 20/4 vừa qua là 60,84 tỷ USD.