TPHCM: Tham quan tiếp tục “cạp đất” công sản

TPHCM: Tham quan tiếp tục “cạp đất” công sản

Đất công tùy tiện cho thuê

Ngày 12/5, Thanh tra TPHCM có công bố một loạt sai phạm về việc quản lý, cho thuê đất công trên địa bàn Bình Chánh và Củ chi. Trên địa bàn huyện Củ Chi có 81 địa chỉ cho thuê (chủ yếu là đất nông nghiệp công ích) tại UBND các xã Phú Mỹ Hưng, Phước Thạnh, Phú Hòa Đông, Tân Thạnh Tây, Tân Thông Hội, Bình Mỹ, Thái Mỹ không thông qua đấu giá theo quy định. Trên địa bàn huyện đang có 371 địa chỉ nhà, đất để trống, cho thuê không qua đấu giá, đang tranh chấp hoặc chưa rõ pháp lý trong thời gian dài chưa được sắp xếp, quản lý gây thất thoát lớn.

Riêng tại Công ty Công ích huyện Củ Chi, đơn vị này đã trích 40% tiền thu được từ việc cho thuê nhà sở hữu Nhà nước năm 2011 và 2012 với tổng số tiền 272,6 triệu đồng. Tuy nhiên, tại đơn vị không phát sinh các chi phí liên quan đến công tác quản lý hay sửa chữa nhà cho thuê trong thời gian trên. Do đó, Thanh tra TPHCM đề nghị thu hồi số tiền này nộp ngân sách. Ngoài ra, Công ty Công ích huyện Củ Chi còn thiếu sót trong việc không lập dự toán các khoản thu – chi từ nguồn thu cho thuê nhà sở hữu Nhà nước.

Trên địa bàn huyện Bình Chánh, thực trạng cho thuê đất công sản tràn lan dù không được phép cũng bị Thanh tra TPHCM chỉ ra. Qua thanh tra toàn huyện Bình Chánh hiện nay có tổng số 763 địa chỉ nhà, đất nhưng thời điểm năm 2008 huyện chỉ tham mưu UBND TPHCM phê duyệt phương án xử lý tổng thể nhà đất đối với 378 địa chỉ.

Đặc biệt, UBND huyện báo cáo trùng 100 địa chỉ nhà, đất đã được UBND TPHCM phê duyệt cho Thanh tra Bộ Tài chính năm 2010, dẫn đến Thanh tra Bộ Tài chính yêu cầu huyện phải kê khai bổ sung 258 địa chỉ (thực tế số địa chỉ phải kê khai bổ sung theo chỉ đạo của Thanh tra Bộ Tài chính là 160).

Kiểm tra 25 địa chỉ nhà, đất thực tế tại địa phương, Thanh tra phát hiện có tới 6 địa chỉ không sử dụng hiệu quả, không đúng mục đích được giao. Đó là Khu Văn hóa liên xã tại xã Tân Nhựt (người dân vào xây công trình tạm để ở, buôn bán); Trung tâm Văn hóa – Thể dục Thể thao huyện cho thuê 7 mặt bằng không đấu giá và không xin ý kiến của UBND TPHCM (từ 1/1/2017 đến 30/9/2019, thu hơn 939 triệu đồng).

Nhiều đơn vị sự nghiệp có thu, được giao quản lý đất công sản lớn trên địa bàn TPHCM cũng đang diễn ra hiện tượng trên. Trường Cao đẳng Công Thương TPHCM (thuộc Bộ Công Thương) do có vị trí đất khá đắc địa (mặt tiền đường Tăng Nhơn Phú, quận 9). Mặt tiền toàn bộ khu đất rộng hàng nghìn mét vuông đã được Ban giám hiệu nhà trường tận dụng bằng cách cho cá nhân, đơn vị ngoài thuê kinh doanh buôn bán.

Đất công sản “vỗ béo” lợi ích nhóm

Theo Thanh tra TPHCM, hầu hết sai phạm của các đơn vị Nhà nước có đất công sản rơi vào việc sử dụng không đúng mục đích, cho thuê trái quy định và bỏ trống gây lãng phí tài nguyên đất. Nguyên nhân, ngoài việc quản lý lỏng lẻo, nhiều trường hợp đơn vị được giao đất sai luật vì lợi ích nhóm, “sân sau” mà vi phạm như lợi dụng hình thức kêu gọi đầu tư, hợp tác liên doanh, liên kết để cho thuê đất. Tự ý bố trí cho công nhân viên làm nhà ở trên khuôn viên đất đang quản lý không đúng thẩm quyền…

Theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA), nhà đất công sản là một nguồn lực rất lớn, chính việc buông lỏng quản lý, sử dụng sai mục đích, dẫn đến lợi ích nhóm. Hàng loạt vụ việc đất công sản bị phù phép, chuyển thành đất tư như vụ khu đất vàng số 15 Thi Sách (quận 1), hay khu đất vàng Lê Duẩn (quận 1) là một ví dụ.

“Hiện nay, các quy định pháp luật về quản lý nhà đất công sản đã rất rõ, đầy đủ. Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và UBND TPHCM cũng rất chi tiết và rõ ràng. Nhưng tại sao các sai phạm vẫn cứ tiếp diễn. Đó không phải vì lợi ích quá lớn từ đất mang lại thì từ điều gì?

Vì vậy, với các vụ việc mang tính điển hình, để lại hậu quả nghiêm trọng, gây thất thoát lớn ngân sách Nhà nước trong việc quản lý nhà đất công sản thì cần phải xử nghiêm trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị được giao trực tiếp quản lý. Bởi với khối lượng gần 13.000 địa chỉ nhà đất công sản TPHCM đang có nếu quản lý tốt, chặt chẽ, có phương án sử dụng hiệu quả chúng ta có thể thu về ngân sách hàng tỷ USD mỗi năm” – ông Châu nói.

Ngay sau khi có kết luận thanh tra, Thường trực UBND TPHCM đã có chỉ đạo chủ tịch UBND huyện Củ Chi và Bình Chánh nghiêm túc tổ chức kiểm điểm rút kinh nghiệm trong tập thể lãnh đạo UBND huyện, các phòng, ban, UBND các xã, thị trấn và các tập thể, cá nhân liên quan. Ngay lập tức chấn chỉnh công tác quản lý nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước trên địa bàn, đồng thời thu hồi hàng tỷ đồng tiền cho thuê đất công sản trái quy định nộp vào ngân sách.

Theo luật sư Lê Bá Thường - Đoàn Luật sư TPHCM, cơ quan thanh tra cần tổng kiểm tra, rà soát báo cáo với cơ quan chức năng xử lý nghiêm cá nhân, tổ chức cố ý làm trái, gây ra sai phạm thất thoát ngân sách. Quận, huyện nào để xảy ra sai phạm người đứng đầu phải chịu trách nhiệm.

“Trong khi nguồn lực đầu tư hạ tầng, trường học, bệnh viện thiếu hụt quỹ đất trầm trọng... thì hàng loạt nhà đất công ở TPHCM lại để trống gây lãng phí hoặc có dấu hiệu trục lợi từ các đơn vị được giao trách nhiệm quản lý. Đây là sự bất hợp lý cần sớm được TPHCM tháo gỡ. Riêng với những vụ việc có dấu hiệu buông lỏng, gây thất thoát lớn cần điều tra, khởi tố, xử nghiêm để răn đe” - luật sư Thường kiến nghị.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ