TPHCM siết chặt sốt xuất huyết bằng nền tảng giám sát ca bệnh

GD&TĐ - Số ca mắc sốt xuất huyết gia tăng, ngành Y tế TPHCM triển khai giải pháp bằng việc ứng dụng nền tảng số để giám sát ca bệnh.

Muỗi vằn là nguyên nhân chính gây ra bệnh sốt xuất huyết, đóng vai trò là trung gian truyền bệnh.
Muỗi vằn là nguyên nhân chính gây ra bệnh sốt xuất huyết, đóng vai trò là trung gian truyền bệnh.

Ngày 23/7, thông tin từ Sở Y tế TPHCM, để ứng phó hiệu quả với tình hình bệnh sốt xuất huyết đang bắt đầu tăng nhanh trên phạm vi địa bàn thành phố sau khi hợp nhất, Sở triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý dịch bệnh sốt xuất huyết thông qua nền tảng quản lý sức khỏe cộng đồng.

Chủ động giám sát và điều phối

Nền tảng này được Sở Y tế TPHCM xây dựng và sử dụng từ năm 2021. Ban đầu là công cụ trong việc quản lý trực tuyến công tác thu dung, điều trị các ca bệnh Covid-19 nặng và theo dõi các ca F0 điều trị tại nhà.

Năm 2024, dịch sởi có dấu hiệu bùng phát, hệ thống tiếp tục được mở rộng để quản lý ca bệnh sởi, hỗ trợ các bệnh viện trong công tác chẩn đoán, điều trị.

Kế thừa và phát triển, nền tảng này được sử dụng để phòng chống sốt xuất huyết. Theo đó, tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn TPHCM, từ bệnh viện tuyến cuối đến các phòng khám đa khoa có trách nhiệm nhập liệu báo cáo ca bệnh theo quy định tại Thông tư 54/2015/TT-BYT của Bộ Y tế.

download.png
Lực lượng y tế phun hóa chất diệt muỗi tại khu phố 24, phường Chợ Lớn. (Ảnh: HCDC)

Dữ liệu bao gồm các ca mắc mới, cập nhật liên tục diễn tiến của mỗi ca bệnh nội trú, phân độ nặng nhẹ hàng ngày. Yêu cầu này đảm bảo thông tin về ca bệnh luôn được thông suốt, đầy đủ và không bị gián đoạn.

Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM (HCDC) và các trung tâm y tế xác định các ổ dịch, khoanh vùng nguy cơ và triển khai các biện pháp can thiệp dập dịch kịp thời.

Nền tảng này phục vụ cho việc giám sát dịch bệnh trong phạm vi thành phố và là công cụ quan trọng giúp Sở Y tế nắm bắt tình hình bệnh nhân từ các tỉnh thành khác đến khám, điều trị.

Từ đó, ngành Y tế có thể chủ động phân tích, dự báo, điều phối các nguồn lực y tế, nhân sự, trang thiết bị một cách khoa học, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống dịch bệnh có thể xảy ra.

Từ giám sát đến hành động

Sở Y tế TPHCM xác định hai mục tiêu quan trọng trong việc phòng chống với sốt xuất huyết là hạn chế tối đa số ca mắc mới và giảm thiểu đến mức thấp nhất số trường hợp tử vong.

Để hiện thực hóa 2 mục tiêu này, Sở Y tế chỉ đạo HCDC phối hợp chặt chẽ với các trung tâm y tế địa phương và chính quyền cấp phường, xã, đặc khu. Một chiến dịch diệt lăng quăng và vệ sinh môi trường quy mô lớn được phát động, huy động các lực lượng từ các ban ngành, đoàn thể, lực lượng y tế thôn bản và các cộng tác viên sức khỏe cộng đồng.

Lực lượng này tỏa đi khắp các khu dân cư, tập trung vào việc thu gom, xử lý các vật chứa nước, nơi muỗi vằn đẻ trứng, đặc biệt tại các khu đất trống, công trình xây dựng, những nơi không có người quản lý với khẩu hiệu hành động "Không có lăng quăng, không có sốt xuất huyết".

b1fb6e102d72a42cfd63-1.jpg
Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh của ngành Y tế họp ngày 21/ 7.

Song song đó, Sở Y tế yêu cầu tất cả cơ sở khám, chữa bệnh phải nghiêm túc tuân thủ hướng dẫn chẩn đoán và điều trị sốt xuất huyết Dengue do Bộ Y tế ban hành. Các bệnh viện được chỉ đạo tổ chức tập huấn lại cho 100% nhân viên y tế, trong đó đặc biệt nhấn mạnh kỹ năng nhận diện sớm các dấu hiệu cảnh báo, các dấu hiệu chuyển nặng để có thể can thiệp kịp thời.

Đồng thời, công tác hội chẩn được tăng cường, không chỉ trong nội viện, giữa các chuyên khoa mà còn bắt buộc hội chẩn với Tổ chuyên gia về sốt xuất huyết của Sở Y tế đối với các ca bệnh nặng, phức tạp hoặc có nhiều yếu tố nguy cơ.

Các quy trình chuyển viện cũng được rà soát, củng cố nhằm đảm bảo an toàn tối đa cho người bệnh, với thông tin tình trạng bệnh được bàn giao đầy đủ và chính xác.

Sở Y tế TPHCM kêu gọi toàn ngành Y tế và mỗi người dân hãy cùng nhau nâng cao ý thức, chủ động phòng bệnh cho gia đình và cộng đồng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ