TPHCM phải thực hiện quyết liệt hơn nữa các biện pháp chống dịch Covid-19

GD&TĐ - Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh tại cuộc giao ban, với TPHCM triển khai công tác chống dịch, chiều 20/7, TPHCM phải thực hiện quyết liệt hơn nữa mới có hy vọng dịch sẽ giảm xuống trong 7 đến 10 ngày tới.

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn. Ảnh VGP/Đình Nam.
Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn. Ảnh VGP/Đình Nam.

 Giảm áp lực cho hệ thống điều trị 

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nhận định trong tình hình dịch hiện nay, TPHCM phải tiếp tục thực hiện quyết liệt hơn nữa các biện pháp về điều tra dịch tễ, khoanh vùng, phong tỏa, kiểm soát các khu cách ly, điều trị, thực hiện nghiêm việc cách ly F1 tại nhà, giảm thời gian điều trị F0… mới có hy vọng dịch sẽ giảm xuống trong 7 đến 10 ngày tới.

Giám đốc Sở Y tế TPHCM Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết để giảm áp lực cho hệ thống điều trị để tập trung điều trị những ca bệnh nặng, những trường hợp F0 không có triệu chứng, không có bệnh nền hoặc đã điều trị ổn định, sẽ điều trị tại các cơ sở thu dung F0 ở 24 quận, huyện và TP. Thủ Đức với tổng công suất khoảng 24.000 giường.

Những cơ sở này có sự theo dõi chặt chẽ của nhân viên y tế, có phương tiện hồi sức trong quá trình chuyển bệnh nhân có dấu hiệu chuyển nặng lên tuyến trên.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đồng ý với đề xuất của Sở Y tế TPHCM đối với những F0 sau 7 ngày điều trị có kết quả xét nghiệm âm tính hoặc nồng độ virus rất thấp, không có khả năng lây nhiễm ra cộng đồng thì sẽ được về cách ly, theo dõi y tế, xét nghiệm tại nhà.

Tương tự, đối với các trường hợp F1, nếu đủ điều kiện sẽ được cách ly tại nhà. Đối với những trường hợp F1 cách ly tập trung, sau 7 ngày nếu có kết quả xét nghiệm âm tính sẽ được đưa về cách ly tại nhà, tiếp tục xét nghiệm vào ngày thứ 14.

Nhiều khu vực phong tỏa kéo dài 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống Covid-19, cho rằng TPHCM và Bộ Y tế đã linh hoạt, điều chỉnh các quy định, hướng dẫn về cách ly F1 tại nhà, giảm thời gian điều trị F0 trong điều kiện đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg. Tuy nhiên, nếu thực tiễn đặt ra yêu cầu thì cần tiếp tục điều chỉnh.

Tại cuộc giao ban, lãnh đạo TP. Thủ  Đức, Quận 1 cũng đã trao đổi về một số khó khăn, áp lực rất lớn đối với xử lý những F0 được phát hiện, nhất là những trường hợp có triệu chứng nặng, trong những ngày qua, đặc biệt là sự phối hợp giữa các ngành, lực lượng chống dịch, chính quyền cơ sở, tổ dân phố…

Nhiều khu vực phong tỏa kéo dài do xuất hiện các ca nhiễm dây dưa, gây áp lực cho cả lực lượng y tế lẫn người dân, đặc biệt ở những khu dân cư có mật độ đậm đặc, điều kiện sinh hoạt chật chội.

Bí thư Thành ủy Thủ Đức Nguyễn Văn Hiếu cũng chia sẻ kinh nghiệm lập các điểm cách ly vùng đệm tại từng phường (từ 200 đến 400 giường) dành cho những trường hợp F1 gặp khó khăn về nơi ở, để giảm áp lực cho cơ sở cách ly tập trung của thành phố, dành chỗ thu dung, theo dõi F0 không có triệu chứng. Đối với các trường hợp F0 có nồng độ virus cao, có bệnh nền, TP. Thủ Đức chủ động điều trị tích cực để hạn chế bệnh nhân chuyển nặng hơn.

TP. Thủ Đức cũng phát các bộ sinh phẩm xét nghiệm nhanh để người dân tự xét nghiệm, nếu phát hiện dương tính thì gọi điện để lấy mẫu xét nghiệm RT-PCR tại nhà.

Cần lập vùng đệm trong khu cách ly tập trung, bảo đảm khoảng cách khi chờ xét nghiệm khẳng định

Để giải quyết tình trạng ùn ứ F0 qua sàng lọc xét nghiệm nhanh, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Phan Văn Mãi cho rằng cần lập vùng đệm trong khu cách ly tập trung, bảo đảm khoảng cách trong khi chờ khẳng định lại bằng xét nghiệm RT-PCR.

Đại diện Tổ Thông tin và phân tích dữ liệu của Ban Chỉ đạo quốc gia đề nghị thiết lập hệ thống đồng bộ, điều phối nhịp nhàng từ khâu lấy mẫu, xét nghiệm, thông báo kết quả, kíp xe vận chuyển F0 đến cơ sở điều trị đã được điều phối từ trước, tạo thành quy trình khép kín.

Đảm bảo khi được thông báo nhiễm Covid-19, người dân không phải chờ đợi lâu để được đưa đến cơ sở điều trị phù hợp với kết quả xét nghiệm và tình hình sức khoẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Giáo viên Trường THCS Thụy Liên (Thái Thụy, Thái Bình) trong giờ dạy môn Khoa học tự nhiên.

Giúp dạy học hiệu quả môn tích hợp

GD&TĐ - Sau 3 năm triển khai, các nhà trường đã rút ra những kinh nghiệm để triển khai dạy học hiệu quả môn tích hợp, nhất là môn Khoa học tự nhiên.
Minh họa/INT

Bóng ma hạt nhân ở Trung Đông

GD&TĐ - Tình hình Trung Đông đã đột ngột căng thẳng kể từ đêm 13/4 rạng sáng 14/4 khi Iran lần đầu tiên trong lịch sử thực hiện một cuộc không kích quy mô lớn.