TPHCM: Nhà đầu tư nhỏ “đua cắt lỗ” bất động sản

GD&TĐ - Trong khi căn hộ mới ra hàng khan hiếm, thì tình trạng đất nền vùng ven, các căn hộ cũ lại được rao bán nhiều vô kể.

Một nhà đầu tư nhỏ lẻ rao bán gấp căn hộ tại Quận 2, TPHCM vì ngộp bank.
Một nhà đầu tư nhỏ lẻ rao bán gấp căn hộ tại Quận 2, TPHCM vì ngộp bank.

Nhìn vào lượng rao bán tăng đột biến, các chuyên gia cho rằng, đó là dấu hiệu của tình trạng “ngộp” khi nhà đầu tư “lướt sóng”.

Hàng ngộp do “lướt sóng” rao bán đỏ sàn 

Thị trường bất động sản TPHCM đã có dấu hiệu khởi sắc trở lại 1 - 2 tháng nay, tuy nhiên theo Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) so với cùng thời điểm các năm trước (không có dịch Covid-19) con số này vẫn quá khiếm tốn. Vì vậy, không có gì khó hiểu khi dọc các tuyến đường, ngõ hẻm và trên các diễn đàn buôn bán bất động sản, hàng “ngộp”, hàng cần bán gấp được các nhà đầu tư rao bán nhiều vô kể.  

Ghi nhận của chúng tôi tại thời điểm này cho thấy người có nhu cầu săn tìm bất động sản “ngộp” có thể tìm mua bất cứ loại hình bất động sản nào nếu có tiền, thậm chí chỉ cần có khoảng 30% - 50% tổng số tiền là có thể mua đất, căn hộ, nhà phố ở mọi quận huyện. 

Trong vai một người cần mua nhà ở, chúng tôi liên hệ qua số điện thoại một mẩu rao quảng cáo đăng trên diễn đàn batdongsan.com.vn bán nhà phố, hẻm xe hơi tại đường Cao Thắng, Quận 3, TPHCM. Một “cò” đất giới thiệu căn chúng tôi muốn xem là hàng “ngộp bank” cũng hơn năm nay mà chưa bán được. Vì vậy, nếu người mua ưng ý và có thiện chí thì có thể đàm phán với chủ giảm thêm từ 500 -700 triệu đồng. 

Cũng trong tình trạng tháo chạy lãi vay ngân hàng và cắt lỗ vì sản phẩm đầu tư “lướt sóng” bán mãi không ai mua, chị Nguyễn Thị Chuyên - chủ 3 căn hộ liền kề tại dự án Hà Đô, Quận 10, TPHCM buộc phải giảm sâu giá chào bán từ đầu năm xuống đến 10% nhằm nhanh chóng cắt lỗ trước năm 2020. Căn hộ chị Chuyên mong muốn bán rộng 86m2 có giá chỉ còn gần 4 tỉ đồng so với giá chào bán là 4,4 tỉ đồng so với hồi
đầu năm. 

“Không biết sao từ đầu năm đến giờ không ra được hàng, tôi thì ôm đến 3 căn tại đây mà căn nào cũng vay nhiều nền gần năm nay gần như chết dí với lãi vay hàng tháng. Cho thuê thì cũng khó, mà nhà thuê thì lại bẩn, nhếch nhác khách họ không ưng nên cứ cắn răng mà xoay lãi”, chủ căn hộ mời chào. 

Theo tìm hiểu của chúng tôi, thị trường bất động sản khu vực trung tâm TPHCM nguồn hàng thực sự không quá dồi dào như trên các diễn đàn mua bán, trao đổi bất động sản hiện nay mà chủ yếu là các sản phẩm ở vùng ven, vùng phụ cận và sản phẩm cũ.

Sản phẩm đã và đang chuyển nhượng phần lớn đều là của các chủ đầu tư nhỏ, đầu tư kiểu lướt sóng bị kẹt vốn, “ngộp bank” là nhiều, trong đó sản phẩm chủ yếu là căn hộ, nhà phố diện tích nhỏ trong hẻm, thi thoảng mới có một vài sản phẩm mặt tiền đường lớn.

Anh Lê Khánh Tình - Giám đốc Công ty Môi giới bất động sản Khánh Tình, Quận 2, TPHCM cho biết các sản phẩm nhà đất “ngộp bank” tại khu vực Quận 2 hiện là khá nhiều. Tuy nhiên, chủ yếu là ở phân khúc căn hộ cao cấp và nhà thổ cư bán qua tay, còn ở phân khúc căn hộ trung và thứ cấp, hay phân khúc đất nền sản phẩm gửi cần bán thật sự không nhiều, nếu có thì cũng ở khu vực giáp ranh Quận 7, nút giao thông Mỹ Thủy hoặc khu giáp cảng Cảng Lái. 

Phân khúc nào sẽ cầm chịch thị trường cuối năm? 

Việc thị trường bất động sản quý cuối năm thường có xu hướng “đảo chiều” và thu hồi vốn từ nhà đầu tư theo nhiều chuyên gia là điều bình thường. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Ngọc Hiếu - Trưởng bộ phận nghiên cứu thị trường batdongsan.com.vn thì việc cắt lỗ trong khoảng thời gian qua ở phân khúc sản phẩm căn hộ, nhà phố chỉ nằm ở một bộ phận nhỏ thuộc nhà đầu tư nhỏ lẻ, vốn yếu.  

Thống kê của batdongsan.com.vn trong quý III - 2020 cho thấy, nguồn cung nhà ở thấp tầng tại TPHCM tương đối thấp và hầu như không có dự án mới chào bán. Đặc biệt, phân khúc đất nền vẫn mất hút trên thị trường khiến chung cư tiếp tục là loại hình duy trì mức giá cùng sự quam tâm của khách hàng một cách ổn định nhất.

Điều đó cho thấy, thị trường rất khó xảy ra việc tháo chạy hàng loạt từ các nhà đầu tư lớn, bởi thực tế bất chấp nhu cầu mua giảm, giá căn hộ tại TPHCM vẫn liên tục tăng trong mùa dịch, đặc biệt là với thị trường khu đông. 

“Hiện, giá bán căn hộ trung bình tăng 1% - 2% so với quý trước và tăng gần 7% - 8% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, khu vực các Quận 2, 9, Thủ Đức và Tân Phú là những địa phương có mức tăng cao nhất, trung bình 1,5% - 2% trong ba tháng qua” - ông Hiếu nói. 

Theo dự báo của Hội môi giới, làn sóng đầu tư, mua sắm dịp cuối năm có thể sẽ tác động tích cực đến thị trường bất động sản cả nước; lượng giao dịch, tỉ lệ tiêu thụ trên thị trường chắc chắn sẽ tăng so với quí III/2020, nhưng giá trên toàn thị trường có thể sẽ không có biến động nhiều. 

Còn theo khảo sát của batdongsan.com.vn, tâm lí người mua chờ đợi bất động sản tiếp tục giảm giá vẫn khá rõ nét. Chính điều đó khiến những nhà đầu tư nhỏ lẻ, yếu vốn (phải vay ngân hàng) đang ra sức cắt lỗ nhằm thu hồi vốn nhanh.

Loại hình nhà đất sẽ tiếp tục giảm giá ở các khu vực trung tâm, phân khúc có tầm giá vừa phải sẽ tiếp tục giao dịch tốt. Đối với đất nền, các sản phẩm có khoảng giá trên dưới 1 tỉ đồng vẫn tiếp tục thu hút nhiều sự quan tâm nhất.

Riêng với thị trường nhà ở TPHCM, theo dự báo của DKRA Việt Nam, nguồn cung có thể duy trì tương đương quí III/2020, dao động ở mức 6.500 - 7.000 căn. Khu Đông và Nam tiếp tục chiếm tỉ trọng lớn trong nguồn cung mới mở bán.

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA nhìn nhận, giai đoạn này đang tạo cơ hội cho những người có nhu cầu thực mua được sản phẩm bất động sản mình mong muốn. Mua nhà ở thời điểm này sẽ có nhiều lựa chọn ưng ý, ít cạnh tranh và có khả năng nhận được những ưu đãi tốt từ các chủ đầu tư dự án, đặc biệt việc giảm giá sâu “cắt lỗ” từ các nhà đầu tư nhỏ lẻ. 

“Việc giá bán các sản phẩm trên thị trường chưa bị đẩy cao, người mua còn dễ tiếp cận những sản phẩm nhà đất có chất lượng, vị trí đắc địa chào bán trên thị trường sơ cấp” - ông Châu nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.