TPHCM: Người dân ủng hộ không ăn thịt chó

GD&TĐ - Ban Quản lý An toàn thực phẩm (ATTP) TPHCM đưa ra khuyến cáo người dân nên từ bỏ thói quen ăn thịt chó, bởi việc giết mổ, kinh doanh mặt hàng này đang ngoài tầm kiểm soát, tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Khuyến cáo này được nhiều người dân ủng hộ.

Chợ bán thịt chó trên đường Phạm Văn Hai (quận Tân Bình) chỉ còn 1 - 2 quán. Ảnh: TG
Chợ bán thịt chó trên đường Phạm Văn Hai (quận Tân Bình) chỉ còn 1 - 2 quán. Ảnh: TG

Chợ thịt chó bớt nhộn nhịp

Đường Phạm Văn Hai (quận Tân Bình) đoạn qua chợ Ông Tạ cũ là một trong những điểm bán thịt chó lâu năm. Nhưng hơn 10 năm nay khu chợ đã ngưng việc giết mổ, do ồn ào và mất vệ sinh ATTP. Nếu như trước đây đoạn đường này có rất nhiều sạp thịt chó bày bán, thì hiện giờ chỉ còn 2 đến 3 quán. Trên các sạp hàng, những con chó mới được giết mổ, khò vàng da được xếp ngay ngắn trên bàn, sát mép đường. Kế bên, thịt chó được chặt phay ra từng miếng, dưới chân bàn còn vài bịch đựng xương, chân… Khách có nhu cầu ăn thịt chó đến con đường này vẫn được đáp ứng.

Tuy nhiên, số quán kinh doanh thịt chó công khai như ở đường Phạm Văn Hai không còn nhiều. Đường Long Bình (quận Tân Phú) trước cũng là một chợ thịt chó truyền thống, nay chủ yếu bán thịt thỏ, mèo. Ngoài lề đường để sẵn mấy lồng thỏ và mèo, gần đó là mấy cái thau và bếp đang đun nước sôi, khi có khách mua là chủ hàng làm thịt thỏ, mèo ngay tại đó.

Khi được hỏi có bán thịt chó không thì được biết, dịp này ít người ăn nên hàng không được bầy bán. Tuy nhiên, nếu khách có nhu cầu mua thì vẫn được đáp ứng. Một kilogram thịt chó có giá khoảng 80.000 đồng, còn thịt mèo có giá khoảng 100.000 đồng/kg.

Trên đường Trấn Hưng (quận 10) và hẻm nhỏ trên đường Cống Quỳnh, Nguyễn Thị Minh Khai gần Thảo Cầm Viên (quận 1) ngày trước cũng là một “phố” thịt chó khá huyên náo. Bây giờ chỉ còn một đến hai quán còn bán, bởi người ăn cũng ít nên các chủ nhà chuyển sang kinh doanh lĩnh vực khác hoặc cho thuê lại địa điểm làm văn phòng.

Quán trên đường Bình Long (quận Tân Phú) treo bảng có bán chó nhưng chủ yếu cung cấp thỏ, mèo. Ảnh: TG
Quán trên đường Bình Long (quận Tân Phú) treo bảng có bán chó nhưng chủ yếu cung cấp thỏ, mèo. 
Ảnh: TG 

Số đông ủng hộ không ăn thịt chó, vì sao?

Chị Vũ Hạnh, thành viên Hội Bảo vệ chó mèo TPHCM cho biết, khi có thông tin về việc khuyến cáo hạn chế ăn thịt chó, các thành viên hội rất mừng, mong sao điều đó được nhiều người hưởng ứng, để các thú cưng không còn cảnh bị giết thịt như hiện nay. “Nhiều lần cùng các thành viên trong hội đi giải cứu chó mèo bị bắt trộm đem bán vào các lò mổ trên đường Bình Long, nhìn chúng bị nhốt chuẩn bị giết thịt thật thương tâm” - chị Hạnh rưng rưng nước mắt kể.

Tình yêu thương với vật nuôi là lí do đầu tiên người dân TPHCM, đặc biệt những người trẻ, nói không với thịt chó. Bạn Phạm Kim Thoa, sinh viên chia sẻ: “Rất mong mọi người dừng ăn thịt chó, để chúng có cơ hội được sống, được yêu thương, được thể hiện lòng trung thành với chủ. Chính phủ nên ban hành luật cấm ăn thịt chó, phạt thật nặng những ai trộm chó, giết chó”.

Chị Đoàn Thu Hương, làm việc ở Công ty đa quốc gia Tân Phú cho biết thêm: “Với các nước tiên tiến, chó là vật nuôi rất thân thiết. Khi nghe dân mình ăn thịt chó, nhiều người nước ngoài rất dị ứng. Vì thế, bỏ sử dụng thịt chó là cần thiết, đặc biệt trong thời kỳ hội nhập, giao lưu với thế giới và quá trình tạo dựng hình ảnh đất nước văn minh, hiện đại”.

Một nguyên nhân quan trọng nữa khiến người dân TPHCM hạn chế ăn thịt chó là vấn đề ATTP. Tất cả số chó được bày bán ở các sạp kinh doanh đều có điểm chung là không rõ nguồn gốc xuất xứ, cũng như không biết được đã kiểm dịch, tiêm phòng hay chưa. Ông Nguyễn Văn Dũng, cán bộ Chi cục Chăn nuôi - Thú y TPHCM cho biết: Tình hình buôn bán thịt chó ở TPHCM khá phức tạp. Cái khó nhất hiện nay là việc giết mổ, kinh doanh thịt chó không được kiểm soát, người ăn rất dễ bị lây các mầm bệnh nguy hiểm như dại, các loại sán…

Chị Dương Minh Tâm, ở quận 5, cho biết mấy chục năm nay đại gia đình nội ngoại chị không ai ăn thịt chó cả. “Mặc dù, thịt chó ngon và có độ đạm cao, nhưng trong điều kiện nuôi, giết mổ, bảo quản như hiện nay, nguy cơ không bảo đảm ATTP rất cao. Thực tế đã có người bị tử vong khi sử dụng thịt chó bị nhiễm bệnh dại hoặc những vi sinh vật gây bệnh khác. Về mặt tâm linh, những người theo Phật giáo đều nói không với thịt chó”, chị Tâm cho biết thêm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ