Hành vi phạm tội sau nhưng được xét xử trước
Qua công tác quản lý, theo dõi tình hình chấp hành pháp luật và kết quả công tác kiểm sát việc thi hành án phạt tù, Viện KSND tối cao phát hiện sai phạm khiến bị án này bị giam lố 6 tháng 4 ngày. Theo đó, TAND quận Tân Phú (TPHCM) đã vi phạm pháp luật liên quan đến việc tổng hợp hình phạt trong xét xử.
Cụ thể, Lê Thị Thanh Tâm bị bắt quả tang trộm cắp ở quận Tân Phú (TPHCM), được tại ngoại để điều tra. Trong thời gian tại ngoại, Tâm tiếp tục trộm cắp ở quận Bình Tân nên bị bắt giam. TAND quận Bình Tân (TPHCM) xử Tâm 9 tháng tù cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 18 tháng. Tâm được trả tự do tại tòa.
Sau khi được trả tự do 1 ngày, Tâm bị bắt để điều tra về hành vi trộm cắp ở quận Tân Phú. Viện KSND quận Tân Phú ban hành cáo trạng, xác định Tâm có tiền án. Kiểm sát viên được phân công xét xử đề nghị mức án 9 - 12 tháng, tổng hợp hình phạt với bản án của TAND quận Bình Tân.
Ngày 14/3/2018, TAND quận Tân Phú xử Tâm 12 tháng tù và nhận định Tâm phạm tội trong thời gian thử thách nên chuyển 9 tháng tù treo thành tù giam. Sau đó, TAND quận Tân Phú tổng hợp hình phạt cả hai bản án là 21 tháng tù. Đồng thời, Viện KSND quận Tân Phú nhận định bản án xử đúng nên không kháng nghị phúc thẩm.
Đến ngày 17/4/2018, TAND quận Tân Phú ra quyết định thi hành án phạt tù, đưa Tâm đi chấp hành án ở Trại giam Xuân Lộc, Bộ Công an. Ngoài ra, khi kiểm sát việc thi hành án đối với hồ sơ này, Viện KSND quận Tân Phú cũng không phát hiện vi phạm của TAND quận Tân Phú.
Theo nhận định của Viện KSND tối cao, khi kiểm sát bản án của TAND quận Tân Phú, Viện KSND TPHCM không phát hiện để kháng nghị phúc thẩm trong thời hạn luật định, cũng không đề nghị Viện KSND tối cao kháng nghị giám đốc thẩm.
Đồng thời, TAND quận Tân Phú đã sai khi nhận định Tâm thực hiện hành vi phạm tội trong thời gian thử thách. Đúng ra là Tâm thực hiện hai hành vi phạm tội, hành vi phạm tội sau được xét xử trước, Tâm không phạm tội trong thời gian thử thách.
Từ đó, Viện KSND tối cao đề nghị Viện KSND cấp cao tại TPHCM kháng nghị giám đốc thẩm theo thẩm quyền. Ngày 13/5/2019, Viện KSND cấp cao tại TPHCM kháng nghị giám đốc thẩm đối với bản án của TAND quận Tân Phú, đồng thời ra quyết định tạm đình chỉ thi hành án, trả tự do cho Tâm vào ngày 15/5/2019.
Ngày 28/10/2019, TAND cấp cao tại TPHCM xử giám đốc thẩm, chấp nhận kháng nghị, hủy phần tổng hợp hình phạt của bản án của TAND quận Tân Phú, buộc Tâm chấp hành đồng thời hai bản án. Tuy nhiên, tới ngày 9/7/2020, TAND quận Tân Phú mới ra quyết định hủy quyết định thi hành án đối với Tâm… Như vậy tính đến ngày được trả tự do, Tâm đã ở tù quá 6 tháng 4 ngày.
Bị giam lố thì phải làm sao?
Với sai sót trên, Viện KSND TPHCM đã có công văn yêu cầu rút kinh nghiệm toàn ngành. “Tăng cường, chủ động kiểm sát tại các cơ sở giam giữ nhằm phát hiện, xử lý kịp thời vi phạm pháp luật, qua đó bảo đảm việc thi hành án phạt tù được thực hiện đúng pháp luật. Khi phát hiện vi phạm tại cơ quan người có thẩm quyền phải kịp thời kháng nghị, kiến nghị yêu cầu khắc phục vi phạm hoặc báo cáo kháng nghị nhằm bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của phạm nhân.
Đối với Viện KSND quận Tân Phú và Phòng 7 Viện KSND TPHCM phải tiến hành tổ chức họp kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm đối với các đồng chí liên quan và rút kinh nghiệm chung” - công văn nêu.
Thông thường, nếu bị thu phí giữ xe lố, tài xế có quyền yêu cầu chủ bãi xe trả lại khoản tiền thu vượt quy định... Tuy nhiên, trong trường hợp bị giam lố khi thi hành án phạt tù thì mọi chuyện không đơn giản như vậy.
Chia sẻ với Báo Giáo dục & Thời đại, TS Bùi Kim Hiếu - Trưởng khoa Luật Trường ĐH Ngoại ngữ -Tin học TPHCM (HUFLIT) cho rằng, Khoản 5 Điều 31 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án trái pháp luật có quyền được bồi thường thiệt hại về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự…”.
Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (TNBTCNN) năm 2017 tiếp tục quy định TNBTCNN đối với cá nhân, tổ chức bị thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra trong nhiều lĩnh vực hoạt động của bộ máy Nhà nước, bao gồm hoạt động quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án.
Điều 20 Luật TNBTCNN 2017 quy định về phạm vi TNBTCNN trong hoạt động thi hành án hình sự. Theo đó, Nhà nước có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong các trường hợp sau đây: (1) Thi hành án tử hình đối với người thuộc trường hợp không bị thi hành án tử hình quy định tại Bộ luật Hình sự; (2) Giam người bị kết án phạt tù quá thời hạn phải thi hành án theo bản án, quyết định của tòa án…
Theo TS Bùi Kim Hiếu, Điểm b Khoản 3 Điều 27 Luật TNBTCNN 2017 quy định: Thiệt hại về tinh thần trong trường hợp người bị thiệt hại bị bắt, tạm giữ, tạm giam, chấp hành hình phạt tù được xác định là 5 ngày lương cơ sở cho 1 ngày bị bắt, tạm giữ, tạm giam, chấp hành hình phạt tù.
Đồng thời, Nghị định 68/2018/ NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật TNBTCNN, cụ thể Khoản 1 Điều 11 quy định: Khoảng thời gian làm căn cứ xác định thiệt hại về tinh thần quy định tại Khoản 3 Điều 27 của Luật TNBTCNN 2017: Người bị thiệt hại bị bắt, tạm giữ, tạm giam, chấp hành hình phạt tù quy định tại Điểm b Khoản 3 Điều 27 của Luật thì khoảng thời gian được tính kể từ ngày người bị thiệt hại bị bắt, tạm giữ, tạm giam, chấp hành hình phạt tù đến ngày chấp hành xong biện pháp ngăn chặn hoặc được trả tự do hoặc đến ngày chấp hành xong hình phạt tù.