Theo đó, các đối tượng là người cao tuổi (từ 60 tuổi trở lên) có vấn đề về sức khỏe và người mắc bệnh mạn tính tới ngày tái khám theo lịch hẹn hoặc chưa đến ngày tái khám nhưng có vấn đề về sức khỏe cần được khám lại sớm hơn sẽ được thực hiện khám bệnh, kê đơn thuốc tại nhà.
Trong trường hợp thật sự cần thiết, tùy vào tình trạng diễn biến của người bệnh, bác sĩ thăm khám có thể chỉ định và thực hiện một số kỹ thuật đơn giản tại nhà như: tập vật lý trị liệu (tập bằng các dụng cụ đơn giản hoặc hướng dẫn người bệnh tự tập), thay băng, cắt chỉ, đo điện tim, lấy máu xét nghiệm để theo dõi bệnh… theo khả năng chuyên môn của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và phải được Sở Y tế xem xét, công bố trên cổng thông tin điện tử Sở Y tế.
Sở Y tế TP.HCM chỉ định các cơ sở được phép triển khai khám bệnh, chữa bệnh tại nhà bao gồm trạm Y tế, phòng khám bác sĩ gia đình, bệnh viện được Sở Y tế công bố danh sách trên cổng thông tin điện tử ngành y tế TP. Bên cạnh đó, Sở cũng khuyến khích các trạm y tế hoạt động theo nguyên lý y học gia đình, phòng khám bác sĩ gia đình, bệnh viện quận, huyện tăng cường triển khai khám bệnh, chữa bệnh tại nhà.
Về chi phí khám bệnh, đối với người sử dụng thẻ bảo hiểm y tế, việc thanh toán chi phí thực hiện theo hướng dẫn của Bảo hiểm xã hội thành phố. Đối với người không sử dụng thẻ bảo hiểm y tế, việc thanh toán thu theo biểu giá khám bệnh, chữa bệnh không thanh toán từ quỹ bảo hiểm y tế.
Đối với việc cấp phát thuốc điều trị bệnh mạn tính, trường hợp người bệnh mắc các bệnh mạn tính đến kỳ tái khám, Sở Y tế TP.HCM yêu cầu các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện cấp phát thuốc lại tối đa không quá 3 tháng.
Trường hợp người bệnh có những vấn đề sức khỏe khác, bác sĩ kê đơn tùy theo tình trạng người bệnh. Về hình thức cấp phát thuốc, nhân viên y tế có thể giao thuốc tại nhà cho người bệnh hoặc thân nhân người bệnh đến cơ sở để nhận thuốc thay cho người bệnh và thực hiện các thủ tục hành chính theo quy định.
Ngoài ra, Sở Y tế TP.HCM cũng quy định nghiêm ngặt khi triển khai khám bệnh, chữa bệnh tại nhà. Theo đó, người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh tại nhà phải có chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh phù hợp phạm vi chuyên môn; phải tuân thủ quy định sàng lọc, áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định; tuân thủ quy chế chuyên môn, hồ sơ bệnh án theo quy định của Bộ Y tế.
Đồng thời, trong quá trình khám bệnh, chữa bệnh tại nhà, các trạm y tế cần hỗ trợ chuyên môn có thể liên hệ, kết nối telemedicine với bác sĩ tuyến cuối để được tư vấn trực tuyến.