Dịch vụ thanh toán tự động cho khách đi xe buýt (trên 8 tuyến) bằng thẻ thông minh và ứng dụng Uni Pass được TP.HCM triển khai thí điểm từ ngày 8/3/2019. Tuy nhiên, đến nay tỷ lệ hành khách sử dụng dịch vụ này rất thấp.
Chỉ 2% người dùng
Theo đó, khách đi xe buýt đăng ký làm thẻ thông minh Uni Pass tại các bến xe buýt trên địa bàn TP.HCM và cài ứng dụng ZaloPay trên smartphone để nạp tiền trực tiếp vào thẻ này. Khách lên xe buýt chỉ cần cầm thẻ chạm nhẹ vào đầu đọc, hệ thống sẽ tự động thanh toán tiền với giá ưu đãi 3.750 đồng/chuyến.
Ngoài ra, khách có thể cài ứng dụng Uni Pass lên điện thoại. Khi thanh toán, người dùng chọn chức năng vé điện tử và đặt mã QR vào điểm đọc mã trên xe buýt.
Tuy nhiên, ghi nhận của PV Báo Giao thông những ngày giữa tháng 3 vừa qua, trên tuyến xe buýt 72 (Bến xe buýt Sài Gòn - Hiệp Phước), chỉ lác đác có một vài hành khách sử dụng thẻ điện tử.
Sinh viên Vũ Thu Thủy (Trường Đại học Sài Gòn) chia sẻ: “Em thường xuyên đi xe buýt nên sử dụng thẻ thanh toán điện tử, rất tiện lợi. Trong tình hình dịch bệnh Covid-19 bùng phát như hiện nay, việc xài thẻ cũng an toàn hơn so với dùng tiền giấy”.
Tìm hiểu của PV, hộp thẻ trên xe buýt có 3 hình thức để người dân thanh toán là quẹt thẻ, trả tiền mặt, quét mã vạch trên điện thoại. Nhưng phần lớn người dân đi xe buýt đều trả tiền mặt theo thói quen. Nếu hành khách trả tiền mặt, hộp điện tử vẫn tự động in vé thay vì tiếp viên phải xé vé như trước.
Bà Nguyễn Thị Hường, cùng đi tuyến xe buýt 72 cho biết: “Trước giờ leo lên xe buýt trả tiền mặt đã quen rồi, giờ phải đăng ký để dùng thẻ có chút bất tiện. Hơn nữa với tuổi già như tôi không quen dùng smartphone. Nghe đâu làm thẻ phải có email, Zalo, biết sử dụng mã QR gì đó trên điện thoại… Mấy thứ đó tui đâu có rành”.
Tài xế, tiếp viên trên những tuyến xe buýt có thí điểm sử dụng thẻ thông minh cũng cho biết, hộp thanh toán điện tử còn nhiều bất cập, không phù hợp với thực trạng xe buýt hiện nay. Ông Lê Xuân Huy, tài xế xe buýt chia sẻ: “Nếu giờ cao điểm mà có từ 15 - 20 khách cùng lên một lượt, tài xế không thể ngừng xe lại đợi từng người lên quẹt thẻ vì không kịp giờ chạy. Khi xe đã lăn bánh rồi, mọi người di chuyển lên quẹt thẻ sẽ rất nguy hiểm”.
Dù khá tiện lợi, song Trung tâm quản lý giao thông công cộng TP.HCM cho biết, một chuyến xe buýt thí điểm thẻ điện tử chỉ có 2% hành khách sử dụng thẻ, còn lại vẫn trả bằng tiền mặt.
Sẽ hiệu quả hơn khi kết nối các tuyến metro
Cũng theo Trung tâm này, việc triển khai thí điểm hệ thống thanh toán tự động trên xe buýt lần đầu tiên triển khai tại Việt Nam, nên cũng còn những khó khăn nhất định về công tác lắp đặt, vận hành, liên thông hệ thống. Thói quen sử dụng tiền mặt của người dân vẫn còn, lượng hành khách sử dụng vé điện tử chủ yếu là sinh viên. Ngoài ra, việc tích hợp giữa hệ thống thẻ Uni Pass và thẻ ngân hàng chip EMV cũng cần thời gian đồng bộ.
Hiện nay, việc thí điểm hệ thống thanh toán tự động trên vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt do Công ty cổ phần Zion và Ngân hàng VietBank thực hiện bằng vốn của doanh nghiệp, không sử dụng ngân sách thành phố. Sau khi kết thúc thí điểm vào tháng 12/2020, Trung tâm sẽ báo cáo kết quả thí điểm điểm về Sở GTVT trình UBND TP quyết định.
“Trong thời gian thí điểm nên hoạt động còn manh mún, nếu được áp dụng trên toàn hệ thống xe buýt và sau này tích hợp cùng với thanh toán vé các tuyến metro, hiệu quả sẽ cao hơn, người sử dụng sẽ thực sự thấy được tiện ích của thẻ này”, một cán bộ của Trung tâm nói.