Mở đầu buổi họp báo, ông Từ Lương, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM - Giám đốc Trung tâm Báo chí TP, đã thông tin sự việc xảy ra. Theo đó, ngay khi có thông tin, UBND Quận 3 đã xuống xử lý sự cố và báo cáo UBND TP để có hướng xử lý tiếp theo.
Liên quan đến sự việc, theo báo cáo nhanh của ông Trần Quang Bá-Quyền Chủ tịch UBND Quận 3, vào lúc 6 giờ 22 phút cây phượng trong sân trường bất ngờ đổ xuống trúng 18 học sinh, trong đó có 2 em lớp 6/7, còn lại là học sinh lớp 6/8.
Nhà trường đã liên lạc với các ban ngành chức năng, đưa các em vào các bệnh viện gần nhất là Bệnh viện Nhi Đồng 2, Bệnh viện An Sinh, Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình Sài Gòn - ITO.
Ngay khi nhận được thông tin, Thường trực UBND quận 3 trực tiếp xuống hiện trường, chuyển các em đến bệnh viện, thăm hỏi nắm tình hình, đồng thời phân công nhà trường giải thích, trấn an phụ huynh. Công an Quận 3 khám nghiệm hiện trường, hỗ trợ nhà trường xử lý.
Theo đó, một học sinh lớp 6/8 đã tử vong, còn lại hiện một số em bị thương đã được mổ, theo dõi; một số em tình hình sức khỏe ổn định đã được đưa về nhà.
Ông Trần Quang Bá cho biết, đối với trường hợp học sinh tử vong, Quận 3 đã phối hợp các ban ngành, đoàn thể đến nhà em, chi tạm ứng hỗ trợ trước mắt cho gia đình 40 triệu đồng. Gia đình học sinh này là hộ cận nghèo. Mẹ em mới sinh con nhỏ được 3 ngày, rất khó khăn. Quận đã động viên, chia sẻ và lo tang gia cho em. Đối với các học sinh bị thương, Quận 3 phân công các ban ngành, đoàn thể phối hợp cùng gia đình xử lý các vấn đề liên quan.
“Thường trực UBND quận 3 cũng yêu cầu các trường, ban ngành liên quan xem lại cây xanh trong các sân trường để tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra” – ông Trần Quang Bá nói.
Tại cuộc họp phóng viên các cơ quan báo chí cũng đã đặt những câu hỏi xung quanh các vấn đề: Trách nhiệm quản lý cây xanh trong khuôn viên trường học? Nguyên nhân ban đầu của sự việc? Biện pháp nào để ổn định tâm lý cho học sinh, giáo viên, phụ huynh nhà trường? Giải pháp đối với các cây cổ thụ trong các trường học trong thời gian tới....?
Thầy Nguyễn Văn Phúc, Hiệu trưởng Trường THCS Bạch Đằng chia sẻ, nhà trường rất bất ngờ khi sự cố xảy ra vì trước lúc cây phượng bật gốc, nó vẫn rất tươi tốt. Sáng các em đang ngồi dưới sân chuẩn bị vào lớp. Các học sinh lớp 6.8 đang ngồi ăn sáng thì cây đổ về phía các em ngồi. Nhà trường đã báo cấp cứu ngay. Riêng học sinh tử vong, lúc đầu các thầy cô tiếp cận thì em vẫn tỉnh táo, đưa nước vẫn uống, sau đó em nói hơi mệt, và nằm xuống để chờ lực lượng cấp cứu. Khi Cấp cứu 115 đến thì em đã mê man rồi. Các bác sĩ hô hấp nhân tạo, cấp cứu tại chỗ, sau đó đưa tới Bệnh viện An Sinh...Ngoài trừ các em học sinh bị thương, các em còn lại của trường vẫn học tập bình thường. Nhà trường cũng giao cho các giáo viên trấn an tinh thần, động viên các em, ổn định tâm lý để các em tiếp tục học tập. Còn lại những em bị thương được giáo viên quan tâm chăm lo, theo dõi, hỗ trợ việc học tập sau này.
Theo lãnh đạo nhà trường, cây phượng trồng vào năm 1996, hằng năm được kiểm tra, rà soát để mé cành, chăm sóc. Trường cũng còn một cây phượng nữa lâu năm hơn cây bị bật gốc sáng nay nên trường dự kiến sẽ đốn cây này để đảm bảo an toàn cho các em học sinh.
Tại cuộc họp, bác sĩ Nguyễn Duy Long (Giám đốc Trung tâm cấp cứu 115 TP HCM) cho biết khi bác sĩ có mặt ở hiện trường, nam sinh đã ngưng thở, có vết thương vùng đầu, xương sườn và chân. Nạn nhân được đưa đến Bệnh viện An Sinh cấp cứu bởi đây là nơi gần nhất.
Ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, bày tỏ về sự việc đáng tiếc trên xảy ra. Nói về công tác đảm bảo an toàn trong trường học cho học sinh, ông Lê Hoài Nam cho rằng có nhiều vấn đề an toàn trong trường học như an toàn thực phẩm, phòng cháy chữa cháy, mái ngói, máng nước, cây xanh…
"Với chức năng cơ quan quản lý nhà nước, chúng tôi luôn luôn quan tâm nội dung này. Mỗi năm sở đều có hai văn bản yêu cầu các nhà trường về việc đảm bảo an toàn cho học sinh vào đầu tháng 8, khi chuẩn bị vào học và vào đầu tháng 3, khi chuẩn bị vào mùa mưa", ông Nam nói.
Theo ông Lê Hoài Nam, sự việc trên là bài học cho ngành giáo dục trong việc tiếp tục tăng cường công tác an toàn trường học cho học sinh.
Về nguyên nhân dẫn đến sự việc, hiện Công an Quận 3 vẫn đang tiếp tục điều tra và sẽ có thông tin tới báo chí khi có kết luận cuối cùng. Được biết trường có 4 camera ở 4 góc và một số vị trí khác. Cơ quan chức năng đã thu giữ toàn bộ hình ảnh camera ghi lại để phục vụ điều tra.
Trước câu hỏi do báo chí đặt ra, cây phượng bật gốc, ngã đè học sinh, trách nhiệm thuộc về ai, hiệu trưởng Nguyễn Văn Phúc thẳng thắn: “Cây đổ là sự cố đáng tiếc, nhà trường không mong muốn nhưng sự việc đã xảy ra rồi. Nếu nói về trách nhiệm thì tôi xin nhận, vì mình là hiệu trưởng”.