Sở trình, dân kêu
Theo tờ trình, mức phí dịch vụ thoát nước bình quân năm 2020 thu trên 1m3 là 1.430 đồng (chưa có thuế giá trị gia tăng). Năm 2021 là 2.033 đồng/1m3. Năm 2022 là 2.694 đồng/1m3. Năm 2023 là 3.426 đồng/1m3 và có mức 4.237 đồng/1m3 vào năm 2024.
Như vậy, nếu đề xuất này được chấp thuận, giá tiền nước sạch và dịch vụ thoát nước bình quân mà người dân phải trả cho 1m3 sử dụng và tiêu thoát năm 2020 là 11.029 đồng.
Phí này áp dụng cho toàn bộ người dân (theo hộ gia đình) và cả các cơ quan, tổ chức có xả nước thải vào hệ thống thoát nước của TP. Bù lại, hộ đã đóng tiền dịch vụ thoát nước sẽ không phải trả phí bảo vệ môi trường.
Sẽ thu tiền trên hóa đơn khối lượng nước các hộ gia đình sử dụng. Việc này sẽ do Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH MTV (Sawaco) thực hiện thu như đang làm.
Riêng đối với các hộ không sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước Sawaco thì sẽ tiếp tục đóng phí bảo vệ môi trường. Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng phương án thu tiền dịch vụ đối với nhóm này. Nguồn thu từ dịch vụ thoát nước thải được để lại 1% để dành chi trả cho dịch vụ đi thu; đóng các loại thuế và nghĩa vụ tài chính (nếu có). Phần còn lại nộp vào ngân sách để đầu tư, duy trì, phát triển hệ thống thoát nước...
Các nhà giáo dục cho rằng chưa thỏa đáng
Ông Lê Minh Cường - chủ trường Mầm non Lê Minh, Quận 9 cho rằng, việc không thể tìm được nguồn lực xã hội hóa cho việc thực hiện duy tu, phát triển hệ thống thoát nước, đặc biệt là trong công tác chống ngập… rồi xoay sang thu tiền dân (chưa lấy ý kiến) là khó chấp nhận.
“Đâu phải cứ cái gì khó, cái gì không thể giải quyết là bắt dân gánh. Cá nhân tôi cho rằng, việc ép dân phải đóng phí dịch vụ thoát nước trong khi tỷ lệ thất thoát nước hàng năm của TPHCM vẫn ở mức trên 20% là điều khó chấp nhận. Thực tế, tính theo đơn giá nước hiện hành, mỗi năm người dân TPHCM cũng gánh cả nghìn tỷ đồng “oan uổng” trong khi lỗi không thuộc về họ. Giờ lại thêm phí dịch vụ thoát nước bên cạnh mức phí mua nước sinh hoạt đang phải “cõng” khoản thất thoát lớn là điều cần phải được UBND TP xem lại” - ông Cường nói.
Theo kiến trúc sư Hà Thiệu Phô - Giám đốc Công ty Kiến trúc Việt, khi ngân sách TP không kham nổi thì tất yếu phải tính chuyện xã hội hóa. Tuy nhiên, vấn đề là nguyên nhân gây ngập thì do nhiều nguyên nhân. Đó có thể là do lỗi quy hoạch, nén cao ốc vào nội đô, bê tông hóa từ trên trời cho tới dưới đất quá mức khiến việc thoát nước bị ảnh hưởng. Việc buông lỏng khai thác nước ngầm tràn lan khắp nơi gây sụt lún mặt đất khiến ngập lụt gia tăng.
“Ngay cả chuyện ngập đâu chống đấy, không đồng bộ, rồi các dự án dở dang gây chặn dòng chảy và tất nhiên không thể thiếu nguyên nhân từ việc xả rác bừa bãi, thiếu ý thức từ nhiều người dân... Tất cả đều góp phần gây nên tình trạng ngập lụt ở TP. Do đó, nếu “đổ” hết lên đầu người dân để thu phí thì có vẻ chưa thật thỏa đáng” - KTS Hà Thiệu Phô nói.
Công bằng nào cho dân?
Thực tế, các khoản thu, phí gia tăng về giá nước vẫn luôn là đề tài bàn tán của nhiều người. Cuối năm 2019, Sawaco đã tăng giá bán nước sạch ở TP tăng trung bình từ 5 - 7%. Thời điểm đó, Sawaco cho biết, việc điều chỉnh giá nước để đảm bảo tình hình tài chính của tổng công ty. Họ cho rằng, giá nước giai đoạn 2013 - 2019 chưa tăng gây khó khăn cho việc duy trì tỷ lệ 100% hộ dân được sử dụng nước sạch và thực hiện nhiệm vụ chính trị, an sinh xã hội.
Hiện nhiệm vụ quản lý hệ thống thoát nước do Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TP (thuộc Sở Xây dựng TPHCM) đảm nhiệm. Cùng với Trung tâm chống ngập TP, thì đây là 2 đơn vị chính xử lý vấn đề thoát nước, chống ngập hiện nay. Vì vậy, khi giải bài toán chống ngập cho TP vẫn loay hoay dù đã chi hàng nghìn tỷ, việc Sở Xây dựng đề xuất thu phí dịch vụ thoát nước là khó chấp nhận.
Tại buổi họp báo vào tháng 5, ông Huỳnh Thanh Khiết - Phó Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM từng nói: “Năm 2020, Sở Xây dựng TPHCM triển khai đấu thầu công tác duy tu, nạo vét cống thoát nước. Để thực hiện việc này phải tính định mức đơn giá của việc chống ngập. TP khẳng định cần sự đồng hành của người dân, nhưng TP sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm việc này. Cho nên, người dân không phải chi trả chi phí cho việc chống ngập này”.
Nhìn nhận về vấn đề trên, Tiến sĩ Phạm Viết Thuận - Viện trưởng Viện Kinh tế tài nguyên và môi trường cho rằng, khi ngân sách chống ngập của TP quá hạn hẹp thì việc tìm kiếm nguồn đầu tư, xã hội hóa là cần thiết. Tuy vậy, TP cần có cách thức và giải pháp thu hút nguồn lực từ nhiều nơi. Bởi việc ban hành giá dịch vụ thoát nước và thu từ hộ gia đình như trên khó khả thi. Vì nguồn thu được từ người dân sẽ không đủ bù vào khoản đầu tư, duy tu, xử lý nước thải, chống ngập.
“Muốn ban hành mức thu phí dịch vụ thoát nước thì Sở Xây dựng TPHCM cần có cơ sở dữ liệu để đánh giá. Phải có lộ trình nghiên cứu lâu dài xem việc áp dụng mức phí mới có hợp lý, thuận lòng dân hay không. Mặt khác, hiện TPHCM đang khuyến khích người dân sử dụng nước sạch, giảm khai thác nước ngầm để tránh các hệ lụy về môi trường. Việc áp dụng thu phí dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải sẽ rất dễ làm người dân e dè trong việc sử dụng nước sạch” - Tiến sĩ Thuận chia sẻ.