TPHCM đề xuất cấm dạy thêm sau 20 giờ: Phụ huynh và học sinh đồng tình ủng hộ

GD&TĐ - Sở GD&ĐT TPHCM đang tiến hành lấy ý kiến để xây dựng dự thảo quy định về dạy thêm, học thêm. 

Giờ học của học sinh Trường Tiểu học Lê Văn Tám (quận Tân Phú). Ảnh: BD
Giờ học của học sinh Trường Tiểu học Lê Văn Tám (quận Tân Phú). Ảnh: BD

Một trong những nội dung đáng chú ý của dự thảo là đề xuất các cơ sở dạy thêm, học thêm không được tổ chức giảng dạy sau 20 giờ. Đề xuất này nhanh chóng nhận được sự đồng tình từ đông đảo giáo viên, phụ huynh và cả học sinh.

Phụ huynh ủng hộ

Tại buổi tập huấn trực tuyến với các quận, huyện và TP Thủ Đức chiều ngày 11/4 về việc triển khai cổng thông tin quản lý dạy thêm, học thêm trên địa bàn, ông Hồ Tấn Minh - Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT TPHCM cho biết, đơn vị đang tham mưu và lấy ý kiến từ các sở, ngành liên quan để hoàn thiện dự thảo quy định về dạy thêm, học thêm trước khi trình UBND TPHCM xem xét. Theo dự thảo này, một trong những nội dung quan trọng là giới hạn thời gian tổ chức dạy thêm, học thêm, cụ thể không cho phép tổ chức dạy sau 20 giờ.

Ông Minh phân tích, TPHCM là đô thị lớn, thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm, do đó cần tính toán hợp lý để học sinh đủ thời gian ăn uống và di chuyển đến các cơ sở học thêm sau khi kết thúc buổi học chính khóa vào buổi chiều.

Trong bối cảnh nhiều học sinh học 2 buổi/ngày, thời lượng học tập tại trường đã dày đặc, việc giới hạn thời gian học thêm trước 20 giờ không chỉ giúp các em có thời gian nghỉ ngơi, thư giãn, mà còn tạo điều kiện để gắn kết với gia đình. “Hiện sở tiếp tục lấy ý kiến rộng rãi trước khi chính thức trình UBND TPHCM”, ông Minh nhấn mạnh.

Chia sẻ quan điểm về đề xuất này, chị Nguyễn Thị Kim Liên (TP Thủ Đức), phụ huynh có hai con đang học lớp 5 và lớp 9, cho biết: “Cháu út học tiếng Anh 2 buổi/tuần, từ 19 giờ 30 phút đến 21 giờ. Cháu lớn học thêm 3 buổi/tuần, gồm Toán và tiếng Anh, với thời gian từ 19 giờ 15 phút đến 20 giờ 45 phút cho môn Tiếng Anh vào tối thứ Ba và thứ Năm; môn Toán vào tối thứ Tư từ 19 giờ 30 phút đến 21 giờ.

Thực tế, tôi muốn con kết thúc sớm để được nghỉ ngơi nhưng do lịch học của trung tâm nên buộc phải theo. Khi biết có đề xuất cấm dạy thêm sau 20 giờ, tôi rất đồng tình. Nếu thực hiện được, con sẽ có nhiều thời gian nghỉ ngơi hơn và chúng tôi cũng yên tâm”.

Cùng quan điểm, chị Nguyễn Thị Tuyết Nhung (Quận 8, TPHCM) chia sẻ: “Tôi cho hai con học thêm Toán và tiếng Anh. Nhưng do lịch học của các con lệch nhau nên việc đưa đón vất vả. Con lớn kết thúc lúc 20 giờ 15 phút, con nhỏ đến tận 20 giờ 45 phút.

Nhiều hôm, hai mẹ con phải tìm quán cà phê gần trung tâm để đợi nhau. Tôi muốn các con được kết thúc sớm hơn, nhưng nếu vậy lại phải chọn trung tâm xa nhà. Quy định giới hạn giờ học thêm sẽ giúp các con có thời gian ôn tập, nghỉ ngơi và chuẩn bị tinh thần cho ngày học mới”.

phu-huynh-va-hoc-sinh-dong-tinh-ung-ho-2.jpg
Học sinh Trường THCS Nguyễn Du (Quận 1) tại chương trình “Phòng tránh bạo lực học đường - Xây dựng môi trường học tập an toàn” do nhà trường tổ chức. Ảnh: MA

Bảo đảm sức khỏe, giảm áp lực

Ở góc độ giáo viên, thầy Võ Kim Bảo - Tổ trưởng Tổ Ngữ văn, Trường THCS Nguyễn Du (Quận 1, TPHCM) cho rằng, hiện nay nhiều phụ huynh quá coi trọng việc học thêm, thậm chí hơn cả học chính khóa. Đây là quan niệm chưa đúng đắn, bởi kiến thức chính khóa là nền tảng, còn học thêm chỉ nên là hình thức ôn tập bổ trợ.

Trong khi đó, học sinh phải có mặt tại trường từ 7 giờ và với trường học 2 buổi/ngày, các em gần như không có thời gian trống. Kết thúc buổi học ở trường, nhiều em tiếp tục đi học thêm, thậm chí không kịp ăn tối. Có em còn “chạy sô” hai môn trong một buổi, kéo dài đến 21 giờ.

“Như vậy, một ngày của các em gần như không có khoảng nghỉ. Đặc biệt học sinh cuối cấp, tình trạng áp lực học tập kéo dài khiến các em dễ căng thẳng, mệt mỏi, thậm chí dẫn đến stress và chán nản.

Quy định không dạy thêm sau 20 giờ là bước đi hợp lý, giúp học sinh giảm tải, có thời gian nghỉ ngơi, sinh hoạt cùng gia đình và tái tạo năng lượng. Nếu kết thúc lúc 21 giờ, rồi thêm 30 phút di chuyển về nhà, các em rất cập rập. Vì vậy, việc kết thúc trước 20 giờ là hoàn toàn phù hợp”, thầy Bảo nhấn mạnh.

Còn ông Nguyễn Văn Ngai - nguyên Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM cho rằng, quản lý dạy thêm, học thêm cần phù hợp với thực tế từng địa phương. Tại TPHCM, nhiều trường đã tổ chức học 2 buổi/ngày, thời lượng học chính khóa chiếm phần lớn thời gian của người học. Nếu tiếp tục cho phép học thêm kéo dài đến sau 20 giờ sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe học sinh về lâu dài và hiệu quả học tập cũng không cao.

Từ góc nhìn học sinh, em Huỳnh Trọng Phúc - lớp 6/5 Trường THCS Nguyễn Du (Quận 1, TPHCM) bày tỏ sự đồng tình với đề xuất. Nam sinh cho biết, em đang học thêm 2 môn Toán và Khoa học Tự nhiên, mỗi môn 1 buổi/tuần.

Sau khi kết thúc lớp học thêm vào khoảng 19 giờ 30 phút, em về nhà, ăn tối và có thời gian thư giãn như xem tivi hoặc ôn bài. “Em thấy quy định không dạy thêm sau 20 giờ hợp lý, vì sẽ giúp các bạn có nhiều thời gian nghỉ ngơi, thư giãn. Như vậy, sáng hôm sau các bạn sẽ có tinh thần thoải mái để bắt đầu một ngày học mới”, Trọng Phúc chia sẻ.

Hiện, Sở GD&ĐT TPHCM tiếp tục thu thập ý kiến các bên liên quan để hoàn thiện dự thảo quy định về dạy thêm, học thêm, đặc biệt là nội dung quy định thời gian không tổ chức dạy thêm sau 20 giờ. Sau khi tổng hợp đầy đủ ý kiến, sở sẽ trình UBND TPHCM xem xét, quyết định. Nếu được thông qua, đây sẽ là bước tiến đáng kể trong việc cải thiện môi trường học tập, giảm áp lực và bảo vệ sức khỏe tinh thần cho học sinh thành phố.

“Toàn TPHCM có khoảng 3.000 giáo viên đăng ký dạy thêm, học thêm và có 1.300 cơ sở dạy thêm, học thêm. Sở đang xây dựng phần mềm quản lý về dạy thêm, học thêm tại địa chỉ https://dtht.hcm.edu.vn nhằm quản lý và giám sát tình hình dạy thêm, học thêm trên địa bàn.

Phần mềm sẽ công khai cụ thể các trung tâm dạy thêm, học thêm, giáo viên dạy thêm, lớp học, học phí… để phụ huynh, học sinh nắm kỹ thông tin. Dự kiến từ nay đến hết tháng 4/2025, các cơ sở dạy thêm phải đăng ký thông tin lên hệ thống để đủ điều kiện dạy thêm, học thêm theo quy định của Thông tư 29/2024 của Bộ GD&ĐT”, ông Hồ Tấn Minh chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ