TPHCM: Để giảm kẹt xe cần các loại hình giao thông công cộng khối lượng lớn

GD&TĐ -Ngày 20/12, Hội thảo “Quy hoạch, phát triển đô thị định hướng giao thông công cộng (mô hình TOD) TP.HCM – Cách tiếp cận bền vững trong quá trình phát triển đô thị nhanh chóng” được tổ chức tại Khách sạn Rex.

Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM phát biểu tại Hội thảo.
Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM phát biểu tại Hội thảo.

Tham dự hội thảo có ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM cùng đại diện Sở Quy hoạch Kiến trúc, Ban Quản lý đường sắt đô thị Thành phố cùng nhiều chuyên gia trong lĩnh vực giao thông, đô thị và kiến trúc đến từ Đại học Việt Đức, Công ty Arup và Công ty Tokyu.

Phát biểu mở đầu hội thảo, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM Trần Quang Lâm cho biết, tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn TP vẫn còn nghiêm trọng.

Hiện nay, vận tốc trung bình lưu thông là khoảng từ 20 đến 25 km/h ở khu vực trung tâm TP. Để giải quyết bài toán giao thông này, về lâu dài phải có các loại hình giao thông công cộng, đặc biệt là các loại hình giao thông có sức chứa lớn như metro tàu điện ngầm.

Ngoài ra tại các tuyến đường cửa ngõ, vành đai cũng tập trung phát triển mở rộng, đẩy mạnh liên kết vùng kinh tế trọng điểm Nam bộ.

Quang cảnh buổi hội thảo
Quang cảnh buổi hội thảo

Theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP. HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020, TP sẽ phát triển mạng lưới vận tải công cộng khối lượng lớn gồm 8 tuyến đường sắt đô thị và 3 tuyến xe điện mặt đất, đường sắt một ray với tổng chiều dài khoảng 240km và các tuyến xe buýt nhanh (BRT).

Hiện nay, hai tuyến đường sắt đô thị (tuyến số 1 Bến Thành – Suối Tiên và tuyến số 2 Bến Thành – Tham Lương) và tuyến BRT số 1 đang được triển khai xây dựng và dự kiến đưa vào vận hành khai thác trong vài năm tới.

Đối với các tuyến đang triển khai xây dựng và chuẩn bị đi vào vận hành khai thác thì làm thế nào để thu hút được nhiều hành khách sử dụng, nâng cao hiệu quả khai thác. Quy hoạch, phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (mô hình TOD) là một giải pháp chiến lược có thể giúp TP.HCM giải quyết các thách thức phát triển mạng lưới giao thông công cộng (GTCC) bền vững, góp phần xây dựng TP.HCM trở thành thành phố thông minh và đáng sống.

Mô hình phát triển đô thị theo định hướng GTCC là việc xây dựng, phát triển ở gần trục GTCC, nhằm tăng sự tiếp cận của người dân với hệ thống phương tiện GTCC. TOD có thể là phát triển mới theo các trục GTCC hoặc tái phát triển ở khu vực gần các nhà ga GTCC. Mô hình TOD mang lại nhiều lợi ích cho phát triển đô thị trên nhiều mặt kinh tế, xã hội và môi trường, đặc biệt là trong việc giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông, quá tải hạ tầng tại đô thị.

Các chuyên gia cho rằng, phần lớn các đô thị trên thế giới sau khi tập trung phát triển hạ tầng đều không thể đáp ứng được nhu cầu vận tải. Bởi vì càng xây nhiều đường, thì dẫn đến càng mua nhiều ô tô, càng đi nhiều và việc tắc nghẽn giao thông như trước khi xây đường, cầu lại diễn ra.

Nhiều nước đã phải quay ra giải quyết bài toán kẹt xe theo cách thức khác và cách thức tiếp cận hỗ trợ phát triển vận tải công cộng có nhiều ưu điểm được lựa chọn.

Trong đó, các khu chức năng trong đô thị được xây dựng, được quy hoạch để đảm bảo người dùng vận tải công cộng được hỗ trợ một cách tối đa. Ví dụ không gian đi bộ, không gian sử dụng vận tải phi cơ giới, các không gian để tiếp cận với các nhà chờ xe buýt, điểm dừng của tàu điện ngầm…

Đặc biệt là kết nối trung chuyển làm sao đạt thuận lợi tối đa cho hành khách. Điều đó nói lên rằng quy hoạch về phương thức vận tải phải tính luôn ở trong quy hoạch đô thị. Cụ thể, với mỗi địa bàn nhất định, cần xác định luôn cơ cấu phương thức vận tải công cộng là bao nhiêu, cho xe cá nhân là bao nhiêu, từ đó tính toán cho quy hoạch hạ tầng, cung cấp bao nhiêu xe buýt, taxi…

Tại hội thảo, các chuyên gia đã tập trung trao đổi, thảo luận bài học kinh nghiệm quốc tế trong xây dựng và thực hiện các giải pháp quy hoạch thiết kế, cơ chế huy động vốn đầu tư, khung thể chế - pháp lý liên quan đến mô hình TOD.

Từ đó đưa ra các giải pháp đề xuất mang tính khả thi trong phát triển tích hợp giao thông đô thị, xác định các vướng mắc về thể chế, chính sách và định hướng các giải pháp, lộ trình tháo gỡ, tạo điều kiện thu hút nguồn vốn đầu tư từ các tổ chức tư nhân thông qua các dự án phát triển TOD và đường sắt đô thị.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Thưởng Tết - động lực để cống hiến

GD&TĐ - Ý nghĩa của thưởng Tết dù ít hay nhiều nhằm ghi nhận công lao, đóng góp của người lao động, đồng thời chính là thành quả mà người lao động tạo ra...

Minh họa/INT

Cảnh báo người mới

GD&TĐ - Trung Quốc vừa quyết định cấm xuất khẩu kim loại và vật liệu có chứa những nguyên tố hoá học nhất định, trong đó có Gallium và Germanium sang Mỹ.