Chưa có quy hoạch vẫn… triển khai
Vài năm trở lại đây, hàng chục công trình hầm đường bộ, hầm chui, cao ốc có không gian ngầm được đưa vào hoạt động nhằm đón đầu, kết nối với tuyến metro số 1. Tuy nhiên, đến thời điểm này TPHCM vẫn chưa có quy hoạch không gian ngầm nào được phê duyệt.
Theo Sở Quy hoạch - Kiến trúc, năm 2019, TPHCM có ý kiến triển khai, tổ chức thực hiện công tác lập quy hoạch không gian ngầm đô thị và quy chế quản lý không gian xây dựng ngầm chung. Đến năm 2020, Sở có đề nghị Bộ Xây dựng hướng dẫn công tác lập quy hoạch không gian ngầm đô thị TPHCM.
Bộ Xây dựng cho rằng, quy hoạch không gian xây dựng ngầm đô thị là một nội dung của đồ án quy hoạch đô thị (quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết). Vì thế, việc lập quy hoạch chung hoặc quy hoạch chi tiết không gian ngầm do TP xem xét, quyết định.
Trên cơ sở văn bản trả lời, Sở Quy hoạch – Kiến trúc đã có tờ trình TP về vấn đề trên. Tuy nhiên, đang có chút vướng mắc. Theo đó, đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TPHCM đến năm 2025 được Thủ tướng phê duyệt năm 2006 chưa nghiên cứu quy hoạch không gian ngầm.
“Xét về đồ án điều chỉnh quy hoạch chung của TPHCM mà Thủ tướng phê duyệt năm 2006 thì quy hoạch không gian ngầm là nội dung mới. Trong 2 đồ án quy hoạch phân khu trước kia chỉ dừng lại ở khâu nghiên cứu sơ bộ. Nó chưa đáp ứng được các yêu cầu về chức năng, mối liên kết, giá trị khai thác sử dụng… để kêu gọi đầu tư.
Nội dung quy hoạch không gian ngầm được nghiên cứu trong 2 đồ án quy hoạch phân khu tỉ lệ 1/2000 của khu trung tâm hiện hữu mở rộng TP 930 ha và Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Trong đó, chỉ xác định sơ bộ vị trí, phạm vi và điểm kết nối. Vì vậy, nếu lập riêng 1 đồ án quy hoạch phân khu không gian xây dựng ngầm đô thị tại 2 khu vực trên thì hiện chưa có cơ sở pháp lý theo ý kiến của Bộ Xây dựng.
Trên cơ sở đó, Sở đã đề xuất tổ chức thi tuyển quốc tế về định hướng và ý tưởng không gian xây dựng ngầm cho khu trung tâm hiện hữu mở rộng TP và khu đô thị mới Thủ Thiêm. Kết quả thi tuyển sẽ sử dụng làm cơ sở điều chỉnh quy hoạch không gian xây dựng ngầm trong 2 đồ án quy hoạch.
Qua đó, định hướng kêu gọi đầu tư các dự án phát triển không gian ngầm trước mắt, phù hợp với kế hoạch vận hành các tuyến metro cũng như các tuyến vận tải hành khách công cộng trọng điểm” - đại diện Sở Quy hoạch – Kiến trúc cho biết.
Kinh nghiệm quốc tế và lộ trình quy hoạch
Nghiên cứu của Viện Quy hoạch xây dựng TPHCM chỉ ra rằng, đô thị hiện đại thường có tỉ lệ công trình ngầm chiếm lớn hơn 20 - 25% tổng số lượng các dạng công trình. Việc quy hoạch để sử dụng không gian ngầm hiệu quả luôn cần sự tích hợp các dạng công trình ngầm lại với nhau, nhằm gia tăng hiệu quả và công năng.
Hiện, TPHCM đã có quy hoạch phát triển 8 tuyến metro và đường sắt nhẹ. Trong đó tuyến số 1 đang trong giai đoạn xây dựng và dự kiến hoàn thành vào năm 2021. Dựa trên nền tảng mạng lưới metro và xu hướng phát triển của thế giới, UBND TPHCM đã giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc lập quy hoạch phát triển không gian ngầm tỉ lệ 1/500 cho 930ha khu vực trung tâm và 657ha cho khu đô thị Thủ Thiêm.
Theo TS Võ Kim Cương - nguyên Kiến trúc sư trưởng TP, đây là hướng đi đúng đắn của TP. Việc lập quy hoạch không gian ngầm đô thị nên bám theo các tuyến metro, sau đó mới chia lớp không gian để quản lý.
“Vấn đề cốt lõi của việc xây dựng không gian ngầm không phải là xây cái gì mà là chỗ nào được xây, nơi nào không được xây. Do đó, khâu khảo sát, đánh giá về địa chất, thủy văn phải được thực hiện đầu tiên trong công tác lập quy hoạch. Bên cạnh đó, yếu tố khống chế không gian ngầm chính là các quy hoạch tuyến, cụ thể đối với thành phố là các tuyến metro nhằm phát triển không gian ngầm không bị đứt đoạn và thiếu tính tổng thể” - TS Võ Kim Cương nói.
Ông Hoàng Tùng - Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc cho rằng, ngoài yếu tố đồng bộ, tổng thể thì việc quy hoạch còn phải bảo đảm việc cân bằng lợi ích giữa cộng đồng, Nhà nước và nhà đầu tư. Trong đó, việc quy hoạch cần phải xác định rõ mục tiêu và phạm vi nghiên cứu quy hoạch cụ thể và phù hợp với từng giai đoạn phát triển của TPHCM. Đồng thời, phải xây dựng các quy định quản lý chung đối với việc đầu tư xây dựng không gian ngầm.
“TPHCM xác định nhu cầu khai thác không gian ngầm vào mục đích phát triển kinh tế - xã hội là vô cùng cần thiết. Tuy nhiên, việc xây dựng công trình ngầm đòi hỏi chi phí đầu tư lớn và có ảnh hưởng nhất định đến địa chất, môi trường, nguồn nước… Do đó, chúng tôi đã và đang nghiên cứu rất kỹ nội dung quy hoạch để có những dự báo và định hướng phát triển tốt” - ông Tùng chia sẻ.
Theo các chuyên gia quy hoạch & phát triển đô thị, việc sử dụng đơn vị tư vấn thiết kế giỏi từ nước ngoài là cần thiết. Tư vấn nước ngoài có thể thực hiện ý tưởng quy hoạch, thiết kế không gian, lập quy định quản lý…
Nhưng việc khảo sát hiện trạng, thu thập dữ liệu ban đầu nên do tư vấn trong nước thực hiện. Vì các đơn vị này am hiểu về tình hình thực tế cũng như bước đầu đã thu thập được một số thông tin, dữ liệu về địa chất, công trình ngầm tại TPHCM.
Bà Mai Thị Liên Hương - Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng nhìn nhận, kinh nghiệm của quốc tế có vai trò rất quan trọng trong việc tham khảo, hỗ trợ lập quy hoạch, xây dựng...
Vì vậy, trước thực trạng phát triển của các đô thị lớn trong nước và bài học thực tiễn của Hà Nội và TPHCM, ngay từ bây giờ, tất cả các đô thị từ loại III trở lên trên cả nước cần phải quan tâm, đẩy mạnh công tác quản lý không gian ngầm đô thị và có kế hoạch đầu tư xây dựng hệ thống công trình ngầm để phát triển đô thị theo hướng bền vững.