Thành phố hai bờ sông Hồng – Hà Nội: Án binh chờ… quy hoạch

Thành phố hai bờ sông Hồng – Hà Nội: Án binh chờ… quy hoạch

Dự án đã "ngủ" trên giấy

Thành phố hai bờ sông Hồng – Hà Nội: Án binh chờ… quy hoạch ảnh 1
TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốcSở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội.

Ông Vương Đình Huệ nói: "Tôi đi Đan Phượng, Hoài Đức, đất ngoài bãi mênh mông mà không dùng được. Có đất bãi giữa ở Hoàn Kiếm, muốn mượn dùng tạm một số việc cũng không được. Tất cả đều chờ quy hoạch…".

Theo Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung, trước đây, thành phố đã thống nhất với Bộ NN&PTNT hướng quy hoạch đê sông Hồng kết hợp với đường giao thông là thuận tiện nhất. Nếu kết hợp được hai chức năng này, đoạn sông Hồng qua nội thành sẽ giống như sông Hàn (Hàn Quốc).

Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai (Bộ NN&PTNN) Trần Quang Hoài cho biết, các tuyến đê của thành phố Hà Nội có vai trò đặc biệt quan trọng, nhưng còn rất nhiều công trình xung yếu. Riêng đê sông Hồng qua nội thành Hà Nội phải bảo đảm trường hợp lũ lớn hoặc xảy ra sự cố nghiêm trọng 500 năm mới có một lần. Cao độ đê 13,4 mét và lưu lượng thoát nước qua mặt cắt sông Hồng tại Hà Nội là 20.000 mét khối/giây.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNN Nguyễn Xuân Cường cho biết, sẽ cử lực lượng các nhà khoa học giỏi phối hợp với Hà Nội rà soát lại quy hoạch phân lũ, làm cơ sở cho thành phố xây dựng quy hoạch hai bên bờ sông Hồng.

"Đến quy hoạch chung của Thủ đô được duyệt năm 2011 thì khẳng định không gian kiến trúc cảnh quan hai bên sông Hồng là trục trung tâm của TP Hà Nội. Việc này lại được tái khẳng định trong Luật thủ đô năm 2013 để nhấn mạnh vai trò của nó…", TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm nói.

Chia sẻ với Báo GD&TĐ chiều 13/7, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội, hiện là Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam khẳng định, việc phát triển hai bên sông Hồng rất quan trọng. Thành phố luôn quan tâm, thể hiện rõ định hướng từ quy hoạch năm 1992 và đến 1998 thì xác định phát triển không gian kiến trúc 2 bên bờ sông Hồng.

Được biết, đã có nhiều nghiên cứu quy hoạch dọc hai bên sông Hồng. Thậm chí một số nghiên cứu quy hoạch đã được thông qua. Thế nhưng cho đến nay tất cả vẫn dừng lại trên… giấy.

Theo TS.KTS Nghiêm đã có nhiều dự án đưa ra để triển khai hai bên sông Hồng nhưng chưa thực hiện được. Rất nhiều dự án của các tổ chức, xã hội khác đã đề xuất với quy mô khác nhau. Đơn cử, năm 1996, dự án Trấn sông Hồng được nhà đầu tư Singapore đề xuất xây dựng ngoài đê khu vực An Dương. Phía Singapore đã thiết kế một khu dân cư hiện đại với các cao ốc là một quần thể gồm nhà ở, văn phòng thương mại, khách sạn, khu vui chơi và sinh hoạt cộng đồng nhằm giúp Hà Nội có một tiểu khu như ở đảo quốc sư tử. Năm 2005, Công ty Indochina Land (Hoa Kỳ) đề xuất dự án khu đô thị khoa học tại đây.

Cùng với đó là các đề xuất dự án của Italia, Trung Quốc cũng như các doanh nghiệp của Việt Nam về khai thác bãi giữa sông Hồng… nhưng không thực hiện được.

Bao nhiêu tỷ USD để quy hoạch không còn trên giấy?

Theo TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, việc quy hoạch xây dựng hai bên sông Hồng nhưng phải bảo đảm an toàn hành lang thoát lũ. Việc đầu tiên phải nghiên cứu chính là ổn định dòng chảy sông Hồng.

"Muốn bảo đảm an toàn phải nghiên cứu không chỉ đoạn sông Hồng chảy qua TP Hà Nội khoảng 112km. Mà phải nghiên cứu trong cả địa bàn Việt Nam hơn 600 km sông Hồng đi qua. Năm 2016, Thủ tướng có Quyết định 157, trong đó nói về hành lang an toàn sông Hồng. Muốn cụ thể phải tính toán thế sông ổn định dòng chảy vì sông Hồng luôn biến đổi, phải đảm bảo lưu lượng nước khi có lũ. Đơn cử mùa lũ năm 1971 mặt nước lên tới 13m, trong khi đó chân cầu long biên chỉ có 13,75m", ông Nghiêm nói.

TS.KTS Nghiêm cũng lưu ý, việc xử lý đê sông Hồng sẽ được thực hiện như thế nào. Ông bày tỏ: "Hệ thống đê đất liệu có chuyển thành bê tông không và có chuyển dịch đê ra khỏi hành lang thoát lũ không?".

Để đẩy nhanh phê duyệt việc quy hoạch hai bên sông Hồng, TS.KTS Nghiêm cũng cho biết đến Luật Quy hoạch vùng. "Hiện, Thủ tướng đang nghiên cứu điều chỉnh vùng. Vậy vùng qua TP Hà Nội như thế nào? Theo văn bản đề xuất có 15 tỉnh trong vùng Thủ đô.

Vậy mối quan hệ an toàn các tỉnh trong vùng Thủ đô như thế nào? Đẩy mạnh phân khu hai bên sông Hồng thì ngoài cố gắng của Hà Nội, cần sự chỉ đạo của Chính phủ liên quan đến quy hoạch vùng. Vì không có quy hoạch vùng thì không có quy hoạch của Hà Nội về sông Hồng…", TS.KTS Nghiêm phân tích.

Đồng thời, quy hoạch bờ sông Hồng phải tính toán nguồn nhân lực. "Dự án quy hoạch, cải tạo và phát triển hai bên bờ sông Hồng, đoạn qua Hà Nội năm 2006 của Hàn Quốc đã tính hết hơn hơn 7 tỷ USD. Đến giờ, nếu triển khai con số kinh phí sẽ lớn hơn rất nhiều. Vậy nguồn lực từ đâu thì phải cân đối.

Quy hoạch không phải là bức tranh, quy hoạch phải xác định nguồn lực - đây là những khó khăn… Quy hoạch hai bên sông Hồng là vấn đề phức tạp. Cần có cơ chế huy động trí tuệ cao để xây dựng trục cảnh quan trung tâm của Hà Nội từ giao thông, đô thị xanh đến an toàn thoát lũ…", TS.KTS Nghiêm nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ