Một số trường THPT công lập nằm ở khu vực ngoại thành nhưng điểm chuẩn xấp xỉ, thậm chí cao hơn cả trường tốp trên ở khu vục nội ô.
Nhiều em mất cơ hội vào lớp 10 chuyên
Sở GD&ĐT TPHCM công bố mức điểm chuẩn vào lớp 10 chuyên bổ sung thấp hơn từ 0,5 đến 1 điểm so với mức cũ (chiều 20/8). Đây là điểm chuẩn diện bổ sung 10% chỉ tiêu vào các lớp 10 chuyên, lớp không chuyên trường THPT chuyên theo quyết định của UBND TPHCM.
Theo đó, điểm xét tuyển lớp 10 chuyên = Tổng điểm trung bình môn năm lớp 9 của môn Văn, Toán, Ngoại ngữ + Điểm trung bình môn cả năm lớp 9 của môn đăng ký thi chuyên nhân 2 + Điểm khuyến khích (nếu có). Điểm chuẩn lớp 10 không chuyên = Tổng điểm trung bình môn cả năm lớp 9 của môn Văn, Toán, Ngoại ngữ + Điểm khuyến khích (nếu có).
Đồng thời, thông báo của Sở GD&ĐT TPHCM cũng nêu rõ: “Những thí sinh đã trúng tuyển và nộp hồ sơ vào Trường Phổ thông Năng khiếu (Đại học Quốc gia TPHCM), Trường Trung học Thực hành (Đại học Sư phạm TPHCM) không thuộc diện xét bổ sung đợt này”.
Thông báo này của sở, khiến nhiều em trước đó có nguyện vọng nhưng không đủ điểm vào các trường chuyên đã tính đường nộp hồ sơ thi, xét tuyển và đã trúng tuyển Trường Phổ thông Năng khiếu (Đại học Quốc gia TPHCM), Trường Trung học Thực hành (Đại học Sư phạm TPHCM) không thể quay lại nộp hồ sơ vào trường chuyên được nữa.
Con trai anh Thành Nhân (một phụ huynh ở Q.12, TPHCM) có nguyện vọng 1 vào chuyên Toán Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (đã đăng ký từ lúc đầu để thi tuyển); Điểm của cháu là: Toán 9,8; Văn 9,1; Anh văn 9,8. Sau khi nhân hệ số là: 48,3 điểm. Cháu được xếp nhất khối 3 năm liền: 7, 8, 9.
Tuy nhiên, do không đủ điểm vào trường (đợt 1) nên con anh Nhân đăng ký sang Trường Phổ thông Năng khiếu (Đại học Quốc gia TPHCM). Khi sở hạ điểm chuẩn thì con anh lại không thuộc diện xét tuyển.
“Lý do sở đưa ra tôi thấy không hợp lý. Đúng ra, phải dành cho học sinh cơ hội như nhau” - anh Thành Nhân chia sẻ.
Một GV Trường THPT Gia Định cho rằng, có vài trục trặc trong cách xử lý tình huống của Sở GD&ĐT TPHCM là khi công bố điểm chuẩn vào lớp 10 chuyên ngày 10/8. Ngay lập tức có đơn khiếu nại của đại đa số phụ huynh Trường Trần Đại Nghĩa. Sau đó, sở hạ điểm chuẩn chuyên xuống và tiếp tục rối rắm ở khâu đi và đến của học sinh.
“Một bất cập nữa là điểm cộng khuyến khích HS giỏi TP quá lớn. Cộng thêm sự không tương đồng trong đánh giá kết quả học tập của học sinh giữa các khu vực, quận, huyện, trường... nên có nhiều em bị thiệt” - GV này chia sẻ.
Trong khi đó, đại diện Sở GD&ĐT TPHCM cho rằng, việc thay đổi phương án tuyển sinh lớp 10 thường và lớp 10 chuyên là giải pháp tình thế do Covid-19. Phương thức này có thể chưa phát hiện hết học sinh có năng khiếu so với việc tổ chức thi tuyển. Đó cũng là lý do sở đề xuất tuyển 10% chỉ tiêu bổ sung. Hết năm học này, các trường sẽ sàng lọc học sinh không đủ khả năng học chuyên để đảm bảo chất lượng.
Bất ngờ vì rớt cả 3 nguyện vọng
Sau khi Sở GD&ĐT TPHCM công bố điểm chuẩn vào lớp 10 các trường công lập (23/8), nhiều phụ huynh bất ngờ và buồn bởi con mình trượt nhiều nguyện vọng.
Ông N.V.Đ (phụ huynh học sinh ở quận Tân Phú) cho biết: Cháu có học lực giỏi suốt 4 năm THCS. Cháu đặt nguyện vọng 1 vào Trường THPT Trần Phú, quận Tân Phú. Tuy nhiên, do dịch Covid-19 nên TP không thi mà xét tuyển. Khi xem điểm chuẩn vào lớp 10, cả nhà rất buồn vì cháu không đủ điểm vào trường nguyện vọng 1, nguyện vọng 2 mà chỉ đậu nguyện vọng 3 là Trường THPT Lê Trọng Tấn.
Buồn hơn là trường hợp con bà H.L (phụ huynh em T.K.T, Trường THCS Nguyễn Trãi, quận Gò Vấp, TPHCM). Bà H.L chia sẻ: “Con tôi được 20,2 điểm nhưng do đặt nguyện vọng hơi cao nên rớt cả ba nguyện vọng vào Trường THPT Gò Vấp, THPT Nguyễn Trung Trực, THPT Thạnh Lộc (Quận 12). Gia đình phải chấp nhận tìm trường tư cho cháu học”.
Thực tế, năm nay do chuyển từ hình thức thi sang xét tuyển nên nhiều trường THPT ở ngoại thành, vùng ven có điểm chuẩn cao hơn cả trường THPT ở nội thành (cùng tốp). Trong đó điển hình là Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (TP Thủ Đức) có điểm trúng tuyển ở mức 25,9 điểm và Trường THPT Nguyễn Hữu Cầu (huyện Hóc Môn) có điểm trúng tuyển 25,1 điểm. Điểm chuẩn này cao hơn cả Trường THPT Bùi Thị Xuân (Quận 1) và THPT Lê Quý Đôn (Quận 3).
Cô Phạm Thị Tố Như - GV Trường THCS Nguyễn Trãi (quận Gò Vấp) - cho rằng, điểm chuẩn lớp 10 cao hơn so với dự đoán vì xét tuyển. Nếu thi có thể điểm chuẩn sẽ thấp hơn. “Lớp tôi chủ nhiệm có 9 học sinh rớt trường công. Chúng tôi đang động viên và tư vấn, giới thiệu các trường nghề, GDTX, trường tư thục để gia đình có lựa chọn phù hợp cho các em” - cô Tố Như chia sẻ.
ThS tâm lý Trần Thị Tâm Nhàn (Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch) cho rằng, vào trường công lập là mong muốn của hầu hết các em học sinh với nhiều lý do: Sự tự hào bản thân, định hướng lên đại học, học phí vừa phải… Tuy nhiên, khi không đạt được nguyện vọng, các em có tâm lý hoang mang, mặc cảm, không biết mình sẽ phải làm gì và học ở đâu.
Bên cạnh đó, phụ huynh cũng không kém phần lo lắng, tìm mọi cách để con được vào trường công lập như bao bạn khác. Tuy nhiên, ông bà ta thường nói: “Học tài thi phận”, nhiều bạn học tốt nhưng vẫn không đạt như ý có nhiều lý do chủ quan, khách quan, trong đó có lý do về cân nhắc khi chọn nguyện vọng.
“Đó là những việc đã qua, hiện tại, chúng ta cần bình tĩnh chấp nhận và nhìn vào thực tế để tìm giải pháp hợp lý. Hơn lúc nào hết, phụ huynh, gia đình chính là chỗ dựa và là người đồng hành, định hướng cho con em trong thời điểm này. Đặc biệt, cần giữ sự bình tĩnh và động viên, giúp con em mạnh mẽ vượt qua trở ngại đầu tiên trong đời… ” - ThS tâm lý Trần Thị Tâm Nhàn chia sẻ.