TPHCM: 3 người hầu tòa vì gây ô nhiễm

GD&TĐ - Bị cáo buộc gây ô nhiễm môi trường, 3 bị cáo phải hầu tòa. Đây được xem là vụ gây ô nhiễm môi trường đầu tiên bị xử lý hình sự tại TPHCM.

Bị cáo Vũ Anh Vũ ra tòa chiều 5/4.
Bị cáo Vũ Anh Vũ ra tòa chiều 5/4.

Dùng chất thải rắn để san lấp

Sau hai lần hoãn xử, Tòa án nhân dân huyện Bình Chánh, TPHCM đã ấn định đưa vụ án gây ô nhiễm môi trường ra xét xử vào ngày 14/4 tới.

Theo cáo trạng, Vũ Anh Vũ nhận chuyển nhượng lại công việc san lấp hai thửa đất ở ấp 2, xã Phong Phú, huyện Bình Chánh. Từ ngày 9/5/2018, Vũ thuê người chạy xe tải đến khu vực đường Cao Lỗ, Q.8, TPHCM chở xà bần, đất, cát từ các công trình xây dựng đem về đổ tại hai khu đất để san lấp.

Tới tháng 7/2018, một người tên Tuấn (chưa rõ lai lịch) tự xưng là quản lý bãi tập kết phương tiện Công ty TNHH Kỹ thuật môi trường Bắc Nam (Công ty Bắc Nam) thuê chở xà bần vào đổ tại khu đất của công ty với giá 1,1 triệu đồng/xe tải 10 tấn, chở rác thải đang chứa trong bãi đem đi nơi khác đổ với giá 500.000 đồng/xe tải 10 tấn.

Vũ đồng ý và thuê tài xế Công, tài xế Mười và Tâm điều khiển xe đến Bãi tập kết phương tiện Công ty Bắc Nam chở rác thải về đổ tại khu đất chị Sa và anh Thái để làm đường và chống lún xe. Nhận thấy rác thải này có thể dùng để san lấp nên Vũ tiếp tục yêu cầu các tài xế chở về khu đất. Vũ còn thuê người múc đất lấp lên rác thải để tránh bị phát hiện. Thực hiện việc san lấp đất này, Vũ nhận được 750 triệu đồng từ hợp đồng.

Đến ngày 23/11/2018, Phòng Cảnh sát môi trường Công an TPHCM phát hiện vật liệu dùng để san lấp hai khu đất nêu trên là chất thải rắn gồm bao bì nhựa phế liệu thải, sợi nilon thải, vải vụn thải, bao bì sợi nilon, bao bì nhựa, vải giả da, bao bì giấy thải, cao su, mút xốp.  

Công an TPHCM khởi tố vụ án, khởi tố bị can gây ô nhiễm môi trường theo Điểm d Khoản 3 Điều 235 BLHS 2015 đối với Vũ, đồng thời chuyển hồ sơ về Bình Chánh xử lý theo thẩm quyền. Đồng thời, CQĐT Công an huyện Bình Chánh khởi tố thêm tài xế Bùi Chí Công và Tống Viết Mười cùng tội danh này.

Trong vụ án, Vũ được xác định là chủ mưu, hai tài xế là người trực tiếp thực hiện tội phạm. Cáo trạng xác định các bị can đã chôn, lấp, đổ, thải ra môi trường trái pháp luật chất thải rắn thông thường 500.000 kg trở lên. Với hành vi này, các bị can có thể bị phạt tiền từ 1 tỷ đến 3 tỷ đồng hoặc phạt tù 3 - 7 năm.

Một phần cáo trạng của vụ án.
Một phần cáo trạng của vụ án.

Xử lý ô nhiễm môi trường còn nhiều vướng mắc

Vụ án đã được TAND huyện Bình Chánh đưa ra xét xử sơ thẩm hai lần nhưng bất thành do thiếu các bị cáo. Các bị cáo bị khởi tố nhưng cho tại ngoại. Mới đây, TAND huyện Bình Chánh đã ấn định đưa vụ án ra xét xử vào ngày 14/4 tới. Theo phía tòa, việc yêu cầu khắc phục hậu quả, buộc khôi phục hiện trạng ban đầu đối với người gây ô nhiễm môi trường còn nhiều vướng mắc.

Theo đó, chiều 5/4, TAND huyện Bình Chánh, TPHCM đã đưa vụ án gây ô nhiễm môi trường ra xét xử. Tuy nhiên, khi phiên tòa vừa mới khai mạc, HĐXX đã quyết định hoãn xử do 2/3 bị cáo vắng mặt dù đã được tòa triệu tập hợp lệ.

Theo thẩm phán chủ tọa phiên tòa, có nhiều vấn đề còn vướng mắc xung quanh việc giải quyết án về gây ô nhiễm môi trường. Việc khắc phục hậu quả khối lượng mà các bị cáo đã san lấp gần 4.400 tấn chất thải xuống môi trường rất nan giải. Hiện tại chưa có cơ quan nào đứng ra đại diện để yêu cầu khắc phục hậu quả nên trong việc tham gia tố tụng cũng chưa có cơ quan đại diện tham gia tố tụng trong vụ án.

Trong khi Bộ luật Hình sự có quy định về trách nhiệm khắc phục hậu quả, khôi phục hiện trạng ban đầu đối với pháp nhân. Tuy nhiên, vụ án này chỉ truy tố ba cá nhân và luật chưa có biện pháp nào buộc cá nhân vi phạm khắc phục hậu quả.

Do đó, đại diện HĐXX cho rằng BLHS nên có quy định cơ quan quản lý về môi trường địa phương là đơn vị xác định mức độ ô nhiễm môi trường để cơ quan này xác định thiệt hại nhằm có cơ sở để tòa buộc các bị cáo bồi thường.

Trước đó, từ tháng 12/2017 tới tháng 8/2018, nhóm PV của báo Tuổi Trẻ (TPHCM) đã thâm nhập, điều tra và công bố hàng nghìn tấn rác thải từ Nhà máy giấy Lee & Man (Hậu Giang) thay vì vận chuyển từ chủ nguồn thải tới nơi xử lý theo quy định thì đã bị đem đi san lấp mặt bằng.

Nhà máy giấy Lee & Man có ký kết hợp đồng vận chuyển với Công ty TNHH Kỹ thuật môi trường Bắc Nam (xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TPHCM). Theo đó, toàn bộ số chất thải phải được đưa từ Nhà máy giấy Lee & Man (Hậu Giang) đến nơi xử lý theo quy định là Công ty Kbec Vina tại huyện Tân Thành, Bà Rịa - Vũng Tàu.

Tuy nhiên, hàng nghìn tấn chất thải trong quá trình vận chuyển bằng xe container đã được vận chuyển đến bãi tập kết tại xã Long Thới, huyện Nhà Bè. Sau đó, các xe chở chất thải từ bãi tập kết đi san lấp mặt bằng tại một khoảnh ao hồ cũ rộng khoảng 8.000m2 tại xã Phong Phú, huyện Bình Chánh.

Theo Công ty Lee & Man, đơn vị này đã ký kết hợp đồng vận chuyển với Công ty Kbec Vina với giá 900 đồng/kg chất thải là nhựa tạp, bã giấy, xỉ tạp (cát, đá, kim bấm...) và 1.150 đồng/kg bùn thải. Trong đó, chi phí xử lý chất thải Công ty Bắc Nam phải chịu, trách nhiệm các bên cũng độc lập.

Do vậy, khi không chuyển rác thải đến nơi quy định thì Công ty Bắc Nam sẽ không phải trả số tiền này và giảm được chi phí vận chuyển.

Sau khi báo chí công bố những tư liệu điều tra, hình ảnh, video clip rõ nét về những hành vi gian lận gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên, Bộ Công an, Công an TPHCM, Công an huyện Bình Chánh, Công an huyện Nhà Bè, Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND TPHCM, Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM và các đơn vị liên quan của tỉnh Hậu Giang đã nhanh chóng vào cuộc xác minh.

Cơ quan chức năng sau đó đã mời các bên liên quan làm việc, tiến hành đo đạc và khai quật thửa đất tại tổ 8, ấp 2, xã Phong Phú, huyện Bình Chánh có tổng diện tích hơn 7.500m2, có khối lượng chất thải khoảng 15.000m3.

Ngoài ra, tại thửa đất số 27, ấp 3, xã Long Thới, huyện Nhà Bè quá trình khai quật của cơ quan chức năng cũng cho thấy có rất nhiều chất thải công nghiệp như bao bì, nilon… Ước tính số lượng chất thải được chôn lấp lên tới hàng ngàn m3.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Binh sĩ NATO trong một cuộc tập trận tại Estonia.

Trung tâm mới của NATO

GD&TĐ - Bulgaria chuẩn bị xây dựng một khu phức hợp cơ sở vật chất để làm nơi đóng quân cho một lữ đoàn NATO đa quốc gia gồm 3.000 quân nhân.