Thành phố anh hùng trong lao động và chiến đấu
Ngày 19/ 10/ 1962, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 114 nâng cấp thị xã Thái Nguyên thành thành phố Thái Nguyên trực thuộc tỉnh Thái Nguyên, lúc đó mới chỉ có 04 khu phố: Hoàng Văn Thụ, Trưng Vương, Phan Đình Phùng, Quán Triều với hai thị trấn: Núi Voi, Trại Cau cùng 06 xã: Đồng Quang, Gia Sàng, Cam Giá, Quang Vinh, Đồng Bẩm, Túc Duyên. Với tổng diện tích vài chục cây số vuông, dân số 06 vạn người. Kinh tế hết sức khó khăn, giá trị sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp chỉ đạt khoảng 2 triệu đồng.
Sau ngày thành lập TP Thái Nguyên, Đảng bộ và chính quyền cùng nhân dân thành phố trẻ đã bắt tay ngay vào lao động, sản xuất xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và sẵn sàng là hậu phương vững chắc chi viện nhân lực, vật lực cho tiền tuyến miền Nam.
Khu Gang thép Thái Nguyên được khởi công xây dựng ngày 2/9/1960, là “cánh chim đầu đàn” của ngành Luyện kim nước nhà đồng thời là chứng nhân lịch sử hoạt động liên tục hơn 60 năm qua. (Ảnh tư liệu) |
Đảng bộ và chính quyền thành phố đã lãnh đạo quần chúng, nhân dân đi qua các cuộc chiến đấu chống giặc Mỹ xâm lược khi chúng đưa chiến tranh phá hoại ra miền Bắc.TP Thái Nguyên là trọng điểm đánh phá ác liệt của giặc Mỹ. Hàng ngàn tấn bom đạn đã trút xuống các làng mạc, các xã, phường trong thành phố. Với truyền thống cách mạng và tinh thần chiến đấu kiên cường, quân và dân thành phố thép đã giáng trả những đòn chí mạng, bắn rơi hàng chục máy bay Mỹ, trong đó có chiếc thứ 1.000, góp phần cùng quân dân cả nước làm nên một “Điện Biên Phủ trên không”.
Những chiếc B52 thả bom xuống miền Bắc Việt Nam năm 1972. (Ảnh tư liệu) |
Với khẩu hiệu “ Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, nhân dân các dân tộc thành phố Thái Nguyên đã không tiếc sức người, của cải vật chất chi viện cho miền Nam đánh Mỹ. Nơi đây đã ghi dấu sự hi sinh anh dũng của 60 thanh niên xung phong Đại đội 915, Đại đội 91 Bắc Thái trong đêm Noel năm 1972, khi đang làm nhiệm vụ giải tỏa hàng hóa tại ga Lưu Xá để chi viện cho chiến trường miền Nam.
Hàng vạn người con Thái Nguyên lên đường nhập ngũ và chiến đấu khắp các chiến trường. Trong đó có 2.045 người đã hi sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc. 1.884 người đã để lại một phần xương máu ở các chiến trường, góp phần xứng đáng vào thắng lợi vẻ vang của sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất Đất nước.
Khu vực đường tròn trung tâm TP Thái Nguyên những năm 1985-1990.(Ảnh tư liệu) |
Sau hơn 35 năm thực hiện đường lối đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, cán bộ, đảng viên và Nhân dân thành phố Thái Nguyên luôn đoàn kết, năng động, sáng tạo, khắc phục mọi khó khăn, khai thác tốt tiềm năng, lợi thế sẵn có của địa phương để phát triển kinh tế - xã hội, đạt được những thành tựu có ý nghĩa quan trọng.
Cảnh quan đường Hoàng Văn Thụ, TP Thái Nguyên hiện nay. |
TP Thái Nguyên những bước phát triển nhanh bền vững hướng tới tương lai.
60 năm là một chặng đường dài phát triển, trải qua nhiều thăng trầm và biến cố lịch sử. Từ một thị xã nhỏ bé, nay thành phố Thái Nguyên đã trở thành đô thị loại 1, phát triển năng động, hiện đại, đạt được nhiều thành tựu đổi mới quan trọng. Với dân số hiện nay gần 37 vạn người, diện tích 222,9 km2, bao gồm 32 đơn vị hành chính.
Có thể khẳng định rằng, trong suốt chiều dài lịch sử phát triển của tỉnh Thái Nguyên, thành phố Thái Nguyên luôn giữ vai trò trọng yếu về chính trị, quân sự và kinh tế. Tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn đạt cao. Trong thời gian gần đây, bình quân đạt trên 15%/ năm. Trong đó tốc độ tăng trưởng của ngành dịch vụ, thương mại đạt 18,15%, thu ngân sách nhà nước năm 2021 đạt 2.700 tỷ đồng. Kết cấu hạ tầng đô thị được đầu tư ngày càng đồng bộ, hiện đại, nhiều công trình hạ tầng kinh tế kỹ thuật được Trung ương, tỉnh đầu tư và đưa vào sử dụng, tạo điều kiện thuận lợi liên kết vùng và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố như: đường Việt Bắc, cầu Bến Tượng, nút giao khác cốt đường Thống Nhất và đường Việt Bắc…
Cầu Bến Tượng và các khu dân cư đô thị ven sông Cầu, TP Thái Nguyên. |
Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng, thương mại – dịch vụ chiếm vai trò chủ đạo, các thành phần kinh tế được tạo điều kiện phát triển. Tốc độ tăng trưởng của các ngành sản xuất, thu ngân sách nhà nước hằng năm tăng cao. Kết cấu hạ tầng đô thị ngày càng đồng bộ. Thu hút đầu tư có bước tiến bộ vượt bậc. Đời sống vật chất tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao, bộ mặt đô thị đổi thay tích cực, hội tụ đủ các tiêu chí của đô thị hiện đại.
Công tác quốc phòng được tăng cường, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm. Các chính sách an sinh xã hội được quan tâm. Ngoài ra, thành phố Thái Nguyên còn được biết đến là một thành phố công nghiệp, là trung tâm giáo dục, đào tạo lớn thứ 3 của cả nước, nơi tập trung nhiều cơ sở y tế khám chữa bệnh chất lượng cao. Không những thế, Thái Nguyên còn là một trong những trung tâm quân sự quốc phòng lớn và quan trọng của vùng Việt Bắc, của Quân khu I.
Công nhân Công ty Glonic sản xuất phụ kiện cho Tập đoàn Samsung tại Cụm công nghiệp Tân Lập, TP Thái Nguyên. |
Cùng với lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, Đảng bộ thành phố Thái Nguyên luôn quan tâm tới công tác xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh toàn diện. Trong đó đặc biệt quan tâm công tác phát triển tổ chức Đảng và đảng viên. Từ những hạt nhân cộng sản đầu tiên của thành phố được gieo mầm và phát triển (với 05 đảng viên vào năm 1946) đến nay Đảng bộ thành phố đã có hơn 27.700 đảng viên sinh hoạt ở 100 chi bộ, đảng bộ trực thuộc.
Với những thành tựu to lớn đó, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Thái Nguyên đã vinh dự được Đảng, nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý như: Danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”; Huân chương Độc lập hạng Nhất, hạng Ba; Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba; nhiều năm được tặng Cờ thi đua của Thủ tướng Chính phủ. Đặc biệt, trong dịp kỷ niệm 60 năm thành lập, thành phố Thái Nguyên vinh dự được Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất (lần thứ 3). Đó là phần thưởng cao quý ghi nhận những thành tích xuất sắc của Đảng, chính quyền, nhân dân thành phố Thái Nguyên trong thời gian qua.
Năm 2002, TP Thái Nguyên được Thủ tướng Chính phủ công nhận là đô thị loại II. Năm 2010, thành phố được công nhận là đô thị loại I trực thuộc tỉnh. Năm 2017, UBTV Quốc hội ban hành Nghị quyết về việc điều chỉnh mở rộng địa giới hành chính và thành lập 02 phường thuộc TP Thái Nguyên. Mới đây, TP Thái Nguyên vinh dự tự hào được đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất.
Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất cho Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân TP Thái Nguyên. |
Từ đó đến nay, Đảng bộ, chính quyền cùng Nhân dân thành phố tập trung trí tuệ, công sức huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng thành phố ngày càng phát triển đồng bộ, khang trang, hiện đại. Nhiều dự án, công trình trọng điểm được đầu tư xây dựng đi vào hoạt động đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, thay đổi diện mạo đô thị thành phố ngày càng hiện đại, văn minh và năng động.
Thay cho lời kết, xin trích dẫn nguyên văn lời Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải đã gửi gắm niềm tin và khẳng định sự phát triển của TP Thái Nguyên hướng đến tương lai tươi đẹp hơn: “Phát huy truyền thống đơn vị Anh hùng, kế thừa những thành tựu đã đạt được trong 60 năm qua, với tinh thần đoàn kết, dân chủ, năng động, tôi tin tưởng rằng thành phố Thái Nguyên, thành phố thép gang, thành phố anh hùng vươn lên trong gian khó.
Với sự vun đắp của biết bao thế hệ, bằng tinh thần phát huy nội lực và tận dụng thời cơ thiên thời, địa lợi, thành phố Thái Nguyên không chỉ đẹp, hiện đại hôm nay mà còn tiếp tục phát triển nhanh và bền vững toàn diện xứng tầm với vai trò, vị trí của một đô thị trung tâm vùng Việt Bắc là thành phố vệ tinh của thủ đô Hà Nội.
Phát huy vai trò là người anh cả, là đầu tầu trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và vùng trung du miền núi Bắc bộ, TP Thái Nguyên tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ liên kết, dẫn dắt, lan toả cho các địa phương khác trong tỉnh để cùng phát triển, góp phần xây dựng tỉnh Thái Nguyên luôn bình yên, hạnh phúc, sung túc và phát triển, sớm trở thành một trong những tỉnh giàu có và phồn thịnh nhất miền Bắc nước ta như mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người về thăm tỉnh Thái Nguyên vào ngày 01/ 01/ 1964”.
Công trình cầu vượt đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên thuộc Dự án đường Bắc Sơn kéo dài. Nhiều dự án hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, được triển khai thực hiện góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn TP Thái Nguyên. |