TP Hồ Chí Minh nói gì về tiêm trộn vắc xin Covid-19?

GD&TĐ - Theo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, trong tình hình thiếu vắc xin, một số nước đã tiêm trộn vắc xin. Việc sử dụng các vắc xin cùng loại hoặc trộn giữa các loại có hiệu quả tốt, chưa ghi nhận tai biến nào xảy ra.

Ảnh: HCDC TP Hồ Chí Minh.
Ảnh: HCDC TP Hồ Chí Minh.

Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh, chiến dịch tiêm vắc xin Covid-19 theo nguyên tắc của tiêm vắc xin phòng Covid-19 dựa trên sự tự nguyện đồng ý của người dân.

Để tiến tới gỡ bỏ dần giãn cách, phục hồi kinh tế thì việc phủ vắc xin mũi 1 cho người dân Thành phố là rất quan trọng. Chuẩn bị kế hoạch chiến dịch cao điểm tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 cho người từ 18 tuổi trở lên tại thành phố Hồ Chí Minh trước ngày 15/9/2021.

Tổng số mũi vắc xin đã triển khai tiêm cho người dân trên 18 tuổi tính đến ngày 8/9 là 6.725.192 người (tăng 171.644 mũi vắc xin so với ngày 06/09/2021); trong đó tổng số mũi 1 là 6.132.354 (đạt tỷ lệ 88,9%), mũi 2 là 592.838 (đạt tỷ lệ 8,6%); số người trên 65 tuổi, người có bệnh nền được tiêm là 720.190 người.

Tối 8/9, Bộ Y tế cho biết, nếu tiêm mũi 1 vắc xin do AstraZeneca sản xuất thì có thể tiêm mũi 2 bằng vắc xin do Pfizer hoặc Moderna sản xuất; Nếu tiêm mũi 1 vắc xin do Moderna sản xuất thì có thể tiêm mũi 2 bằng vắc xin do Pfizer sản xuất và ngược lại.

Tại TP Hồ Chí Minh, hiện đã có khoảng 90% người từ 18 tuổi trở lên đã tiêm 1 mũi vắc xin (dân số từ 18 tuổi trở lên tại TP Hồ Chí Minh hơn 6,9 triệu người).

Liên quan đến vắc xin Moderna, một số địa phương như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh hiện có tình trạng hết vắc xin Moderna để tiêm mũi 2 cho người dân.

Những ngày gần đây, một số điểm tại TP Hồ Chí Minh đã tiêm mũi 2 bằng vắc xin Pfizer cho người tiêm Moderna ở mũi đầu. Lý do là họ đã đến lịch tiêm mũi 2 nhưng vắc xin Moderna không còn.

Tuy nhiên, tại TP Hồ Chí Minh, một số cơ sở tiêm chủng hết vắc xin Moderna cho mũi 2 nên đã thay thế mũi 2 bằng vắc xin khác.

Theo ông Nguyễn Hoài Nam - Phó giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết vắc xin này đang hạn chế và khi tiêm vắc xin thay thế, ngành y tế sẽ chọn loại vắc xin phù hợp nhất, an toàn nhất và hiệu quả nhất cho người dân.

Hiện nay, trong tất cả các hướng dẫn, Việt Nam sử dụng những loại vắc xin tương đồng để sử dụng tiêm cho người dân. Trong tình hình thiếu vắc xin, một số nước đã tiêm trộn vắc xin. Việc sử dụng các vắc xin cùng loại hoặc trộn giữa các loại có hiệu quả tốt, chưa ghi nhận tai biến nào xảy ra.

Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay tiêm vắc xin là công tác được ưu tiên hàng đầu của thành phố để toàn bộ người dân đều có kháng thể với virut SARS-CoV-2, từ đó thành phố có thể mở cửa dần các hoạt động và sớm trở lại trạng thái bình thường mới.

Hiện thành phố đang chuẩn bị các chiến lược để trở lại “bình thường mới” với mũi tiến công quan trọng là Vắc xin + Thuốc + Ý thức.

Bên cạnh những nỗ lực của ngành y tế trong công tác xét nghiệm, điều trị và tiêm chủng vắc xin, người dân hãy cùng nhau nâng cao ý thức trong việc thực hiện nghiêm thông điệp 5K, giãn cách giữa người với người, các quy định cách ly tại nhà và dùng thuốc đúng cách.

Đồng thời theo dõi thông tin tiêm chủng trên địa bàn quận, huyện, phường, xã và tham gia tiêm chủng ngay khi đến lượt.

Cuộc chiến đấu vẫn còn tiếp tục nhưng sẽ tiếp tục trong điều kiện có niềm tin, có điều kiện dẫn tới chiến thắng!

Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh (HCDC) khuyến cáo:
1. Vắc xin tốt nhất là vắc xin được tiêm sớm nhất.

2. Để gỡ bỏ dần giãn cách xã hội, phục hồi kinh tế thì vắc xin là giải pháp quan trọng.

3. Thực hiện phòng bệnh theo thông điệp 5K + vắc xin.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ