TP Hồ Chí Minh đặt mục tiêu đạt 40% GRDP từ kinh tế số vào năm 2030

GD&TĐ - Ngày 15/4, UBND TP Hồ Chí Minh đã tổ chức "Diễn đàn kinh tế TP Hồ Chí Minh 2022". Diễn đàn thu hút sự tham gia của gần 1.000 đại biểu, doanh nghiệp, tổ chức tài chính trong và ngoài nước.

Các đại biểu tham quan triển lãm công nghệ số bên lề diễn đàn kinh tế TP Hồ Chí Minh 2022
Các đại biểu tham quan triển lãm công nghệ số bên lề diễn đàn kinh tế TP Hồ Chí Minh 2022

Tham dự diễn đàn có ông Nguyễn Xuân Thắng- Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; ông Lê Minh Khái- Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ.

Về phía lãnh đạo TP Hồ Chí Minh có sự tham dự của ông Nguyễn Văn Nên- Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh; ông Phan Văn Mãi- Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cùng lãnh đạo các ban ngành. 

Cơ hội cho TP Hồ Chí Minh định hình và phát truển kinh tế số rất lớn 

Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Văn Nên- Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Diễn đàn kinh tế hôm nay ngoài sự tham dự của các tổ chức định chế tài chính lớn trên thế giới  có mặt tại đây như Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC), Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước, còn có đại biểu, doanh nghiệp, chuyên gia đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Cộng hòa Liên bang Nga, Singapore, Israel, Thái Lan… Điều đó cho thấy sức hút lớn của diễn đàn Kinh tế sau khi Việt Nam thích ứng và bình thường mới với dịch Covid-19. 

"Đây sẽ là cơ hội để TP Hồ Chí Minh lắng nghe và xây dựng giải pháp chuyển đổi và phát triển hiệu quả kinh tế số vốn đang rất cấp thiết với TP. Thực tế, Quý I/2022, kinh tế TP đang lấy lại đà tăng trưởng với mức +1,88%, so với mức -11,6% của quý IV-2021 và tiếp tục đóng góp đến 1/3 ngân sách cả nước.

Đại dịch Covid-19 để lại những hậu quả nặng nề và cũng chưa lường hết được, nhưng mặt khác đã và đang tác động thúc đẩy chuyển đổi số trên cả 3 nội dung: Chính quyền số, doanh nghiệp số và xã hội số. Đây cũng chính là cơ hội để TP Hồ Chí Minh triển khai mạnh mẽ hơn chương trình chuyển đổi số, xây dựng nền kinh tế số, tái cơ cấu nền kinh tế trên nền tảng phát triển trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0.

Chúng ta đang sống ở thế giới có hai nền kinh tế: kinh tế kỹ thuật số và truyền thống. Trong đó kinh tế số đang ngày càng phát triển mạnh mẽ, áp đảo. TP Hồ Chí Minh đặt mục tiêu nền kinh tế số đến năm 2025 sẽ chiếm 25% và đến năm 2030 chiếm 40% GRDP TP Hồ Chí Minh.

Với tinh thần năng động sáng tạo, các doanh nghiệp trên địa bàn TP đã và đang tận dụng các cơ hội kinh doanh mới từ chuyển đổi số, tham gia và đóng góp tích cực vào kinh tế số. Đây cũng là định hướng phát triển mới của TP nhằm phát triển nhanh, bền vững, bao trùm, thích ứng trong điều kiện bối cảnh còn nhiều biến động"- Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh. 

Lãnh đạo UBND TP Hồ Chí Minh tại Diễn đàn kinh tế TP.HCM 2022
Lãnh đạo UBND TP Hồ Chí Minh tại Diễn đàn kinh tế TP.HCM 2022

4 trụ cột chính cho mục tiêu chuyển đổi số và kinh tế số

Chia sẻ tại diễn đàn, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết có 4 mục tiêu trọng điểm mà TP mong muốn hướng tới, lấy ý kiến đóng góp từ các đại biểu.

Thứ nhất, đến năm 2025, TP Hồ Chí Minh là đô thị thông minh, thành phố dịch vụ, công nghiệp theo hướng hiện đại, giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế, động lực tăng trưởng của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước, đi đầu trong đổi mới sáng tạo, có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại.

Thứ 2, tập trung ưu tiên chuyển đổi số một số lĩnh vực người dân và doanh nghiệp có nhu cầu giao dịch lớn để tập trung đầu tư, tạo thay đổi căn bản, như lĩnh vực đất đai, xây dựng, hộ tịch, đăng ký doanh nghiệp, đăng ký đầu tư…Có như thế mới thực hiện có hiệu quả kế hoạch nâng cao các chỉ số cải cách hành chính, chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh với các giải pháp thiết thực, đi thẳng vào các khó khăn, vướng mắc, tồn tại.

Thứ 3 là tập trung triển khai các chương trình đề án cụ thể liên quan trực tiếp đến mục tiêu xây dựng nền kinh tế số, bao gồm: Hợp tác về chuyển đổi số trong khuôn khổ hợp tác chung giữa UBND TP Hồ Chí Minh và Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam; tập trung công tác quản trị dữ liệu phục vụ quản lý, điều hành phát triển kinh tế - xã hội thành phố; tập trung giải quyết vấn đề liên thông, kết nối dữ liệu ở phạm vi toàn thành phố và phát triển kho dữ liệu dùng chung, dữ liệu mở để người dân, doanh nghiệp, và chính quyền

Đặc biệt là đẩy nhanh chương trình “Nghiên cứu và phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo tại TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2020-2030” để thúc đẩy đưa trí tuệ nhân tạo trở thành công nghệ cốt lõi trong xây dựng đô thị sáng tạo, thành phố thông minh, thúc đẩy phát triển kinh tế số nhanh, bền vững; phát triển đồng bộ hạ tầng số phục vụ kinh tế số và xã hội số theo Đề án phát triển hạ tầng viễn thông và Kế hoạch phát triển hạ tầng số TPHCM giai đoạn 2020-2030…

Thứ 4, xây dựng chiến lược, chương trình để nâng cao chất lượng nhân lực đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số và nhân lực dôi dư do không đáp ứng yếu cầu chuyển đổi số trong từng doanh nghiệp - động lực và trở lực đang đan xen nhau. Bởi trong thực tế, dù TP đã tích cực chuyển đổi số, nâng cao hiệu quả, năng suất và sức cạnh tranh của doanh nghiệp, hộ kinh doanh trong mọi ngành kinh tế, nhưng những hạn chế, bất cập vẫn còn tồn tại.

Đặc biệt, với hơn 95% là các doanh nghiệp vừa và nhỏ cùng với hơn 300.000 hộ sản xuất kinh doanh cá thể đang đóng vai trò chủ đạo, xương sống của nền kinh tế TP thì việc chuyển đổi số và thúc đẩy kinh tế số là việc không thể chậm trễ.

Quang cảnh chung tại Diễn đàn Kinh tế TP Hồ Chí Minh 2022
Quang cảnh chung tại Diễn đàn Kinh tế TP Hồ Chí Minh 2022

Diễn đàn Kinh tế năm nay xoay quanh 4 chủ đề: Bức tranh chung về chuyển đổi số trong doanh nghiệp ở TP.HCM, tầm nhìn và khát vọng đến năm 2030; Thiết kế chính sách phù hợp cho phát triển kinh tế số tại TP Hồ Chí Minh: định hướng 2025 và tầm nhìn 2030; Chuyển đổi số để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp: thách thức và giải pháp; Chuyển đổi số trong doanh nghiệp: kinh nghiệm và bài học thành công của doanh nghiệp trong nước và quốc tế.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ