TP Hồ Chí Minh: Cơ quan nhà nước sẽ mở cửa, tiếp dân theo 4 giai đoạn

GD&TĐ - Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP Hồ Chí Minh Lâm Hùng Tấn thông tin về công văn 3086/UBND-VX thay đổi phương thức làm việc của các cơ quan, đơn vị nhà nước phù hợp với các biện pháp phòng, chống Covid-19 tại Thành phố.

Phó Giám đốc Sở Nội vụ Lâm Hùng Tấn. Ảnh: Huyền Mai.
Phó Giám đốc Sở Nội vụ Lâm Hùng Tấn. Ảnh: Huyền Mai.

UBND TP Hồ Chí Minh có Công văn số 3086/UBND-VX về thay đổi phương thức làm việc của các cơ quan, đơn vị nhà nước phù hợp với các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn Thành phố. Liên quan đến công văn này, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Lâm Hùng Tấn cho biết, các cơ quan nhà nước sẽ mở cửa, tiếp dân theo lộ trình 4 giai đoạn.

Cụ thể, từ ngày 16/9 - 30/9, các cơ quan bố trí không quá 1/3 công chức, viên chức, người lao động (tiêm đủ 2 liều vắc xin) làm việc trực tiếp tại đơn vị. Trường hợp các cơ quan, đơn vị cần bố trí nhiều hơn phải có kế hoạch cụ thể và sự đồng ý của UBND Thành phố.

Trong thời gian này, việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục ở mức độ 4. Nội dung thực hiện thủ tục hành chính gồm các vấn đề cấp bách, liên quan đến công tác phòng, chống dịch, hồ sơ mang tính chất khẩn, mật.

Từ ngày 1/10 - 31/10, các cơ quan bố trí không quá 1/2 cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại đơn vị. Thủ tục hành chính được thực hiện mức độ 3, 4. Việc trả kết quả được triển khai thông qua dịch vụ bưu chính viễn thông để hạn chế tiếp xúc.

Từ ngày 1/11 - 15/1/2022, bố trí cán bộ, công chức, viên chức tối đa 2/3. Thành phố tiếp tục thực hiện dịch vụ công ở mức độ 3, 4 và trả kết quả qua bưu điện.

Sau 15/1/2022, TP Hồ Chí Minh dự kiến bố trí toàn bộ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động sao cho phù hợp với điều kiện, đặc điểm của cơ quan, đơn vị.

Tại mỗi giai đoạn, việc quản lý chất lượng, hiệu quả công việc do Thủ trưởng từng đơn vị, bộ phận kiểm tra giám sát thường xuyên.

Ngoài ra, ngày 21/9/2021, UBND TP Hồ Chí Minh có Công văn số 3120/UBND-ĐT về tạo điều kiện thuận lợi công tác xét nghiệm của lực lượng giao hàng (shipper) tiến tới quản lý bằng công nghệ.

Thông tin thêm về công văn 3120, Phó Giám đốc Sở Công thương TP Hồ Chí Minh Nguyễn Nguyên Phương cho biết, kể từ ngày 22/9 đến hết ngày 23/9/2021, các doanh nghiệp và shipper tiến hành tập huấn công tác xét nghiệm và cập nhật thông tin xét nghiệm trên các ứng dụng của doanh nghiệp hoặc sử dụng ứng dụng do Sở Thông tin và Truyền thông hướng dẫn.  

Bộ xét nghiệm nhanh kháng nguyên sẽ do Sở Y tế cung cấp trên cơ sở số lượng đăng ký của shipper với Sở Công Thương theo nguyên tắc mẫu gộp ba người, 03 ngày/1lần. Trong thời gian này, các shipper có thể sử dụng kết quả xét nghiệm còn giá trị.

Từ ngày 24/9 đến hết ngày 30/9/2021, các doanh nghiệp quản lý shipper chịu trách nhiệm tổ chức xét nghiệm và cập nhật kết quả vào Kho Dữ liệu dùng chung của Thành phố theo hướng dẫn của Sở Thông tin và Truyền thông để phục vụ công tác phòng chống dịch.

Theo Phó Giám đốc Sở Công thương, trước đây, việc shipper sử dụng kết quả xét nghiệm bằng giấy để lưu thông qua các chốt kiểm dịch gặp nhiều bất cập và không an toàn.

Trong thời gian tới, doanh nghiệp sẽ tự thực hiện xét nghiệm cho shipper và chịu trách nhiệm, kết quả sẽ được công bố qua các ứng dụng công nghệ. Qua đó, giúp công tác kiểm soát được thuận tiện, an toàn; việc thực hiện cũng nhanh chóng và tiện lợi hơn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam đã có bước phát triển đáng kể những năm gần đây. Ảnh minh họa: INT

Tích hợp hệ thống năng lượng hỗn hợp

GD&TĐ - Kết hợp năng lượng mặt trời và gió giúp hệ thống điện ổn định hơn, hiệu suất cao hơn. Hệ thống phù hợp để ứng dụng vào điện mặt trời mái nhà.