Tại buổi họp mặt, các nhà giáo, đại biểu đã cùng lắng nghe những chia sẻ đầy xúc động, tâm huyết trong phần giao lưu với 4 gương mặt nhà giáo tiêu biểu: Cô giáo Hoàng Thụy Bích Thủy - Trường Tiểu học Lương Thế Vinh, quận 7; cô giáo Nguyễn Tuyết Mai -Trường THCS Hà Huy Tập, quận Bình Thạnh; thầy giáo Nguyễn Thái Hoàng - Trường THPT Nguyễn Công Trứ, quận Gò Vấp; cô giáo Dương Thị Hải Quý - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Huệ, quận 9.
Cô Dương Thị Hải Quý đầy xúc động chia sẻ về người thầy giáo dạy Văn của mình thời học sinh |
Nói về lý do chọn nghề giáo, cô Dương Thị Hải Quý nhớ về hình ảnh người thầy dạy Văn của mình những năm tháng học cấp 3 của mình: "Khi được hỏi tại sao chọn ngành sư phạm, tôi lại nhớ đến người thầy của mình.
Tôi lớn lên ở Hà Tĩnh, những năm học cấp 3, đi lại khá vất vả, nhất là mùa đông vì nhà cách trường 8km đường rừng. Thầy giáo dạy Văn hồi đó của tôi là thầy Trần Văn Thịnh, thầy có giọng nói rất truyền cảm, chữ thầy rất đẹp. Mỗi tiết dạy của thầy chúng tôi bị cuốn hút vào những câu thơ hay, trong sáng về tình bạn, tình yêu, tình yêu Tổ quốc.
Đặc biệt lý tưởng sống của tôi được hình thành là chính từ những tác phẩm hay mà thầy chỉ dạy như Hòn Đất, Thép đã tôi thế đấy, Ruồi Trâu… cùng những câu thơ hừng hực lòng yêu nước của nhà thơ Tố Hữu.
Thấy tôi đi lại khó khăn, thầy còn cho tôi ở lại nhà thầy để thuận tiện cho việc học. Chính thầy đã nuôi cho tôi ước mơ, sau này khi tốt nghiệp THPT, tôi sẽ thi ĐH sư phạm, tôi cũng sẽ trở thành một cô giáo dạy Văn, truyền lại cho các em thế hệ sau cũng như thầy đã truyền đạt cho cả thế hệ học trò chúng tôi hồi đó những câu thơ hay, tác phẩm hay, đạo lý làm người.
Hôm nay, thầy tôi không còn nữa, nhưng ngọn lửa thắp sáng với tình yêu sư phạm, tình yêu Văn thầy truyền cho tôi thì vẫn luôn cháy mãi. Tôi vô cùng biết ơn thầy của mình".
Thầy Nguyễn Thái Hoàng kể về kỷ niệm với cậu học trò đặc biệt hơn 10 năm về trước |
Còn với thầy Nguyễn Thái Hoàng, trải qua hơn 20 năm gắn bó với ngành GD của thành phố, đặc biệt là ngôi trường Nguyễn Công Trứ, thầy tâm sự “điều tôi nhận được nhiều nhất có lẽ là niềm hạnh phúc từ các đồng nghiệp, các học trò dành cho mình”.
Và rồi thầy chia sẻ chuyện về cậu học trò cá biệt nay đã thành công, là lãnh đạo của một ngân hàng nước ngoài khiến thầy không bao giờ quên:
"Khoảng hơn 10 năm trước, em học trò đó xin vào lớp tôi. Đây là học sinh mà mấy tháng cuối năm lớp 11 rất chểnh mảng, không chú trọng học tập, bị giáo viên chủ nhiệm liên tục góp ý. Khi nhận trò vào lớp, tôi tìm hiểu nguyên do, tôi mới biết em đó có hoàn cảnh khá đặc biệt, gia đình em có 8 anh chị em, bố em có 2 vợ, gia đình khó khăn về kinh tế.
Có lần em xin tiền đi đóng tiền học thì ông bố cau có, quăng cặp của em ấy luôn. Lứa tuổi của các em như vậy nên các em rất dễ chán nản, buồn phiền không muốn học vì không có sự quan tâm của cha mẹ.
Năm em ấy vào lớp 12 tôi phụ trách, thấy em thông minh, nhanh nhẹn, nên tôi chỉ định cho em làm lớp phó để em cố gắng hơn, có trách nhiệm hơn và cũng thường xuyên động viên em. Rất bất ngờ, cuối năm 12 em là một trong những HS xuất sắc của lớp tôi.
Rồi khi chuẩn bị cho kỳ thi ĐH, em ấy có hỏi tôi ‘thầy chọn cho em nghề, em không biết dựa vào đâu để chọn nghề’, thấy em cũng có tố chất, tôi khuyên và động viên em nên thi vào Trường ĐH Ngân hàng TPHCM. Em khăng khăng chỉ thi duy nhất một trường mà tôi định hướng. Năm đó Trường Ngân hàng lấy 18,5 điểm, còn em đậu với số điểm cao 25.5. Sau khi tốt nghiệp, giờ làm ngân hàng nước ngoài và thành đạt".
Qua câu chuyện của mình, thầy Thái Hoàng nhấn mạnh, với những học trò chưa ngoan, bằng cái tâm với nghề, bằng sự dìu dắt của mình, sự quan tâm, kiên trì hãy rèn dũa học trò của mình, làm sao cho các em có ý thức hơn, ngoan hơn, đó chính là thành công của người thầy.