TP HCM làm gì để bảo đảm chỗ học cho con em công nhân?

GD&TĐ - Là một trong hai đô thị lớn nhất nước, TPHCM thu hút một lượng lớn cư dân từ các tỉnh thành khác về làm việc, sinh sống dẫn đến tăng dân số cơ học cao. Đặc biệt, những quận, huyện, TP có khu chế xuất, khu công nghiệp thường có tỷ lệ học sinh/lớp vượt quy định.

Học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn (Quận 3, TPHCM). Ảnh: C.Chương
Học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn (Quận 3, TPHCM). Ảnh: C.Chương

Ông Lê Hoài Nam - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM chia sẻ một số giải pháp để bảo đảm chỗ học cho trẻ, đặc biệt là con em công nhân.

Tăng từ 30 nghìn – 50 nghìn học sinh/năm

- Năm học 2022 - 2023 cận kề. Thành phố đã làm gì để bảo đảm chỗ học cho con em công nhân trong độ tuổi đến trường, thưa ông?

- Với vị trí thành phố đầu tàu cả nước, bình quân mỗi năm TPHCM thu hút đông lượng dân số nhập cư đặc biệt là công nhân trong độ tuổi lao động, kéo theo đó là gánh nặng giải quyết nhu cầu chỗ học cho trẻ.

Mặc dù còn nhiều khó khăn do áp lực tăng dân số cơ học cao (số lượng học sinh hàng năm tăng trung bình từ 30.000 đến 50.000), tuy nhiên TP đã đặc biệt quan tâm trong việc ưu tiên bố trí ngân sách đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ các dự án xây dựng trường học; thực hiện chủ trương xã hội hóa nhằm tăng cường số lượng trường, lớp để đảm bảo chỗ học cho trẻ em trong độ tuổi đến trường trên địa bàn TP (không phân biệt đối tượng cư trú, hoàn cảnh). Hàng năm đều đảm bảo 100% trẻ em được đến trường, không có tình trạng trẻ phải học 3 ca.

Hệ thống mạng lưới trường lớp năm học 2021 - 2022 toàn TP có 2.355 trường học (mầm non: 1.351; tiểu học: 514; THCS: 286; THPT: 204, trong đó trường thuộc hệ thống công lập có: 468 trường mầm non, 488 tiểu học, 278 THCS, 113 THPT), 47.107 phòng học, 77.409 giáo viên, 48.821 lớp, 1.617.436 học sinh. Tỷ lệ HS không có hộ khẩu TP chiếm 21,26%.

- TP đặt mục tiêu đạt 300 phòng học/10.000 dân số trong độ tuổi đi học (từ 3 đến 18 tuổi). Mục tiêu này đã đạt được chưa?

- Tính đến 28/4/2022, chỉ tiêu 300 phòng học/10.000 dân trong độ tuổi đi học trên địa bàn thành phố đạt được 294 phòng học. Cụ thể: Thành phố Thủ Đức đạt 314 phòng học, Quận 1 đạt 472 phòng học, Quận 3 đạt 399 phòng học, Quận 5 đạt 488, Quận 6 đạt 318, Quận 10 đạt 310, Quận 11 đạt 304, quận Phú Nhuận đạt 325, huyện Nhà Bè đạt 302, huyện Cần Giờ đạt 362. Những quận, huyện (4, 7, 8, 12, Gò Vấp, Tân Bình, Tân Phú, Bình Thạnh, Bình Tân, Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh) còn lại chưa đạt chỉ tiêu 300 phòng học/10.000 dân.

- TP cũng đã ban hành nhiều chính sách, chủ trương trong việc quy hoạch mạng lưới trường lớp. Vậy, vì sao chỉ tiêu 300 phòng học/10.000 dân số trong độ tuổi đi học vẫn chưa đạt?

- Việc này, chúng tôi đã bàn luận và nhận thấy nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên do: Nhu cầu về đầu tư xây dựng trường lớp của toàn TP rất cao tuy nhiên khả năng cân đối ngân sách đầu tư chưa đáp ứng. Đồng thời, quá trình thực hiện kế hoạch đầu tư công thường kéo dài thời gian do đó chậm hơn so với tình trạng gia tăng nhu cầu chỗ học của người dân.

Bên cạnh đó, các dự án trong quá trình thực hiện vướng công tác bồi thường giải phóng mặt bằng dẫn đến chậm tiến độ. Ngoài ra, quá trình đẩy nhanh công tác xã hội hóa giáo dục cũng gặp nhiều khó khăn do vướng thủ tục pháp lý về quy hoạch.

Thêm vào đó, trong hai năm 2021, 2022 do dịch bệnh nên nhiều cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập giải thể. Vì vậy, chỉ tiêu 300 phòng học của năm 2022 thấp hơn so với năm 2020.

Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM Lê Hoài Nam. Ảnh: C.Chương

Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM Lê Hoài Nam. Ảnh: C.Chương

Nhiều nơi sĩ số học sinh/lớp vượt quy định

- Ông đánh giá như thế nào về việc thực hiện công tác quy hoạch mạng lưới trường học của TP trong thời gian qua?

- Thực hiện Quyết định 02/2003/QĐ-UB ngày 3/1/2003 về phê duyệt quy hoạch phát triển mạng lưới trường học trên địa bàn TP đến năm 2020, các quận huyện đã tích cực xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện, rà soát tổng thể mạng lưới trường học trên địa bàn nhằm tăng thêm quỹ đất cho ngành Giáo dục bằng nhiều biện pháp như: Di chuyển, thu hồi các kho bãi, khu đất bị bỏ hoang, sử dụng kém hiệu quả ưu tiên để xây dựng trường học; bố trí quỹ đất tại các khu đô thị mới, khu tái định cư, khu vực đông dân cư để xây dựng trường học; ưu đãi về chính sách đất đai để đầu tư xây dựng cơ sở giáo dục theo quy định của Nhà nước.

Trong quá trình điều chỉnh quy hoạch chung, quy hoạch tổng mặt bằng của thành phố và quy hoạch chi tiết từng khu vực ở địa bàn quận - huyện, sở Quy hoạch Kiến trúc cùng sở Tài nguyên và Môi trường đã thực hiện quy hoạch mạng lưới trường học đến năm 2020 đã được Thành phố phê duyệt làm cơ sở để các quận, huyện triển khai xây dựng.

Bên cạnh đó, sở GD&ĐT đã chủ trì phối hợp với Sở Quy hoạch Kiến trúc, Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, UBND các quận - huyện thực hiện tốt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết các địa điểm trường học trên từng địa bàn và đề xuất giải pháp phối hợp, quản lý có hiệu quả.

Đến nay, TP đã đảm bảo cơ bản chỗ học cho trẻ trong độ tuổi đến trường. Bên cạnh hệ thống trường công lập, các cơ sở giáo dục ngoài công lập đã góp phần tích cực trong việc đảm bảo nhu cầu học tập của con em nhân dân trên địa bàn TP.

- Trong quá trình thực hiện, ngành gặp những khó khăn, hạn chế nào?

- Bên cạnh những thuận lợi, việc thực hiện công tác quy hoạch mạng lưới trường học của TP trong thời gian qua thể hiện một số hạn chế.

Do dân số của từng quận, huyện tăng cơ học nhanh hàng năm; sự phát triển các khu đô thị mới, khu công nghiệp và khu chế xuất làm tăng đột biến dân số cơ học khác với dự báo chỉ tiêu quy hoạch dẫn đến khó khăn trong xác định nhu cầu quỹ đất cần đầu tư, tạo áp lực về cơ sở hạ tầng và chỗ học tại một số quận, huyện có quá trình đô thị hóa cao, mật độ dân số tăng. Điển hình là các Quận 7, 12, Gò Vấp, Tân Phú, Bình Tân, huyện Bình Chánh, huyện Hóc Môn, TP Thủ Đức. Trong đó một số quận, huyện, TP có sĩ số học sinh/lớp các cấp học, bậc học cao, đặc biệt là bậc tiểu học sĩ số vượt quy định quá cao. Cụ thể: Quận 12, Gò Vấp, Tân Phú, Hóc Môn, Bình Chánh, Thủ Đức, sĩ số học sinh trên 45 học sinh/lớp.

Giai đoạn 2003 - 2020, việc xây dựng mới, xây thay thế, nâng cấp cải tạo, mở rộng các trường học đa số thực hiện trên đất hiện hữu do chi phí đền bù giải phóng mặt bằng cao nên mở rộng khuôn viên trường rất hạn chế. Một số công trình nằm trong kế hoạch đầu tư, đã khảo sát, xác định ranh giới đất theo quy hoạch trường học nhưng phải tạm dừng thi công do thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 24/3/2011 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vi mô, bảo đảm an sinh xã hội. Diện tích đất/học sinh chưa phù hợp với quy định của Bộ GD&ĐT.

Hiện trạng diện tích đất công theo các đồ án quy hoạch được sắp xếp, bố trí để xây dựng công trình giáo dục chủ yếu quy hoạch trên đất của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân nên chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng cao, ảnh hưởng đến tính khả thi của quy hoạch. Nhiều dự án khi triển khai vướng mắc do phải đền bù, giải phóng mặt bằng nên không thực hiện được.

Một số chủ đầu tư được TP giao thuê đất chưa hoàn thành trách nhiệm đầu tư xây dựng công trình trường học tại khu đất được giao có chức năng là đất giáo dục.

Nguồn lực từ ngân sách dành cho giáo dục mặc dù đã được quan tâm, ưu tiên bố trí nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. Các nguồn lực đầu tư từ xã hội hóa chưa được khai thông do thiếu chính sách hấp dẫn, còn nhiều khó khăn vướng mắc về quy hoạch, do đó hạn chế trong việc đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư xây dựng trường học, đặc biệt là cấp học mầm non.

Học sinh lớp Lá Trường Mầm non Tuổi Hoa (Quận 8, TPHCM) tại lễ tổng kết năm học 2021 - 2022. Ảnh: C.Chương
Học sinh lớp Lá Trường Mầm non Tuổi Hoa (Quận 8, TPHCM) tại lễ tổng kết năm học 2021 - 2022. Ảnh: C.Chương

Bài toán khó giải trong thời gian ngắn

- Năm học 2022 - 2023, ngành GD-ĐT TPHCM có những giải pháp, phương hướng thế nào để đáp ứng đủ điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho việc dạy học toàn TP nói chung và khu vực có đông con em công nhân nói riêng?

- Với thực tế tại TPHCM hiện nay, áp lực về chỗ học và nhu cầu đầu tư trang thiết bị cho toàn ngành rất lớn. Vì vậy các giải pháp để tăng cường điều kiện cơ sở vật chất nhằm đáp ứng đủ nhu cầu về chỗ học, trang thiết bị phục vụ giảng dạy theo quy định của Bộ GD&ĐT là bài toán khó không thể làm trong thời gian ngắn. Vấn đề này cần phải thực hiện theo lộ trình và khoảng thời gian dài, vì vậy cần có chính sách hiệu quả, phù hợp với tình hình phát triển ngày một thay đổi. Trong đó, ngành đã đưa ra nhiều nhóm giải pháp về tăng cường cơ sở vật chất; đầu tư, huy động vốn; quản lý...

Đối với nhóm giải pháp về tăng cường cơ sở vật chất, Sở GD&ĐT phối hợp với UBND quận, huyện và các sở ban ngành liên quan, lập kế hoạch và thực hiện lộ trình hợp nhất trường mầm non, trường phổ thông, cơ sở giáo dục nhỏ lẻ hạn chế về điều kiện cơ sở vật chất thành cơ sở đạt quy chuẩn trường học.

Đẩy nhanh các dự án xây mới hoặc thay thế, nâng cấp, mở rộng, tăng thêm phòng học tại các quận, huyện có biến động tăng dân số cơ học cao hoặc đang trong quá trình đô thị hóa cao. Cụ thể: Quận 7, 12, quận Gò Vấp, quận Tân Phú, quận Bình Tân, huyện Bình Chánh, huyện Hóc Môn, TP Thủ Đức và đề xuất đầu tư phát triển theo phương án liên phường, bố trí theo địa bàn khu vực. Bảo đảm chỉ tiêu định mức theo quy định của Bộ GD&ĐT. Đối với những trường công lập có diện tích quá nhỏ (dưới 0,5 ha) trong khu vực nội thành sẽ tìm giải pháp chuyển đổi đất và mở rộng diện tích khuôn viên.

Ban hành các cơ chế tạo điều kiện cho các trường chủ động khai thác nguồn lực đầu tư nhằm đổi mới cơ sở vật chất kỹ thuật, trang thiết bị. Tập trung đầu tư hiện đại hóa trang thiết bị phòng học, phòng bộ môn; thư viện, phòng đa năng nhằm nâng cao chất lượng giáo dục và tăng cường hoạt động dịch vụ cho học sinh;

Khuyến khích đầu tư cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất, sân chơi, bãi tập và xây dựng mới trường học của các tổ chức, doanh nghiệp, nhà đầu tư trong nước và nước ngoài theo hình thức hợp tác công tư, xã hội hóa.

Đối với nhóm giải pháp về đầu tư, huy động vốn, bố trí nguồn vốn bồi thường giải phóng mặt bằng cho toàn bộ quỹ đất. Đây là giải pháp cơ bản để giữ được quỹ đất cho quá trình phát triển lâu dài.

Đẩy nhanh tiến trình phương thức hợp tác công tư, xã hội hóa giáo dục, phát huy các nguồn lực trong nhân dân, chính sách hấp dẫn, đặc thù nhằm khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi, hấp dẫn để phát triển loại hình các trường ngoài công lập, trường có yếu tố nước ngoài...

Thu hút, sử dụng nguồn vốn ODA và FDI, nguồn vay có lãi suất thấp, phát hành trái phiếu để phát triển trường học. Đẩy mạnh xã hội hoá giáo dục và cung cấp dịch vụ chất lượng cao theo nhu cầu xã hội nhằm tăng thu nhập cho các trường.

Đối với nhóm giải pháp về quản lý, xây dựng, ban hành chính sách hỗ trợ cụ thể nhằm đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, phát triển trường phổ thông các cấp học, bậc học có vốn đầu tư trong nước và nước ngoài.

- Về lâu dài, theo ông TP có giải pháp nào để giải quyết tình trạng còn nhiều cơ sở GD có sĩ số học sinh/lớp học đông như hiện nay?

- Theo quy định, sĩ số học sinh đối với trường tiểu học không quá 35 học sinh/lớp; trường THCS và THPT không quá 45 học sinh/lớp. Nhưng thực tế, sĩ số học sinh của nhiều trường công lập trên địa bàn TP hầu như vượt quá quy định.

Để giải quyết vấn đề trên, trong thời gian tới TP cần tập trung một số giải pháp như ưu tiên ngân sách để tăng cường đầu tư, đẩy nhanh tiến độ dự án xây dựng trường lớp. Rà soát, điều chỉnh quy hoạch, bổ sung quỹ đất giáo dục đảm bảo tính khả thi cao. Có các chính sách, chế độ ưu đãi, quy định thuận lợi phù hợp với thực tế để thực hiện hiệu quả chủ trương huy động, kêu gọi đầu tư xã hội hoá trong lĩnh vực giáo dục…

- Xin cảm ơn ông!

Một trong những điều kiện thành lập các cơ sở giáo dục tại Khoản 1, Điều 3, 15, 25 tại Nghị định số 46/2017/NĐ-CP ngày 21/4/2017 của Chính phủ: “...Có đề án thành lập nhà trường, nhà trẻ phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục của địa phương đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt...”. Trong khi, đa số trường ngoài công lập hiện nay được chủ đầu tư thuê lại nhà - đất (mục đích sử dụng đất chủ yếu là khu đất làm nhà ở và mục đích sử dụng đất khác) của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân để xây dựng mới, cải tạo nâng cấp thành trường học, nên chủ đầu tư không có đủ quyền sử dụng đất để thực hiện nộp hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất. Do đó, UBND quận huyện không có cơ sở chấp thuận chủ trương thành lập nhà trường đối với trường hợp này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ