TP HCM: 6 tư duy đột phá của giáo dục sau 40 năm giải phóng

GD&TĐ - Với tầm vóc đứng  đầu của cả nước về quy mô, ngành GD-ĐT TP HCM trong 40 năm qua đã có những bước tiến lớn, đạt được nhiều thành tựu ấn tượng trong đổi mới- phát triển và hội nhập, để lại nhiều bài học rất có ý nghĩa cho thành phố cũng như cho cả nước. 

TP HCM: 6 tư duy đột phá của giáo dục sau 40 năm giải phóng

PGS.TS. Nguyễn Tấn Phát - Nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT kiêm Giám đốc ĐHQG TP HCM - đã chỉ ra 6 đặc trưng nổi trội trong tư duy đổi mới - phát triển - hội nhập của giáo dục - đào tạo TP HCM, tạo nên dáng dấp tổng thể riêng biệt, không thể lẫn lộn với nơi khác hoặc lĩnh vực khác.

Nhìn thẳng vào sự thật, không né tránh những tồn tại, khó khăn yếu kém

Mỗi khi tổng kết một giai đoạn, một kế hoạch phát triển, bên cạnh những thành tích đạt được, thành phố luôn chú tâm nhìn ra những tồn tại, khó khăn yếu kém, từ đó có chủ trương biện pháp khoa học, khả thi để khắc phục và phát triển.

Năm 1998, Thường vụ Thành ủy TP HCM có cuộc họp sơ kết 18 tháng thực hiện Nghị quyết Hội nghị TW II Khóa VIII về giáo dục - đào tạo. Bên cạnh những thành tích đạt được, thành phố còn nêu bật những khuyết điểm, yếu kém như:

Tình hình dạy và học ở vùng nông thôn, ngoại thành, vùng sâu còn nhiều bất cập, khó khăn, thiếu thốn. Khó đạt được mục tiêu phổ cập THCS ở không ít vùng đang trong quá trình đô thị hóa; việc dạy nghề chưa đáp ứng mục tiêu, kế hoạch; còn mất cân đối giữa học sinh các cấp, các loại trường, lớp; chương trình giáo dục công dân và giáo dục thường xuyên còn nhiều chỗ chưa phù hợp với người học; chế độ đối với nghề giáo chưa tương xứng; chưa có chủ trương chính sách phù hợp để huy động sự đóng góp của xã hội cho giáo dục- đào tạo...

Những nhận định nhìn thẳng vào sự thật như vậy thường xuyên diễn ra mỗi khi thành phố sơ kết, tổng kết một chương trình, một kế hoạch phát triển GD-ĐT. Và với một cái nhìn không tô hồng, không bôi đen, tư duy phát triển giáo dục sẽ luôn tìm ra ánh sáng cho những bước đi, kế hoạch tiếp theo.

Bước đi kế tiếp mà thành phố đặt quyết tâm cao sau cuộc họp vừa nêu là chọn năm 1999 là "Năm giáo dục" của thành phố. Đó là một trong những biểu hiện truyền thống thuộc tư duy của giáo dục thành phố trong 40 năm qua.

Luôn đặt ra những mục tiêu cao để nỗ lực vươn lên

Ngay sau đại thắng, tiếp quản thành phố gần như nguyên vẹn, lãnh đạo thành phố muốn giáo dục có bước nhảy vọt, bắt kịp thật nhanh yêu cầu thống nhất với giáo dục miền Bắc xã hội chủ nghĩa, từ đó đã xuất hiện một loạt chủ trương, biện pháp như:

Tạo bước tiến đồng loạt theo tinh thần “đồng khởi ”, thực hiện đồng thời vừa cải tạo, vừa xây dựng mới nền giáo dục, xóa bỏ hệ thống trường tư, công lập hóa đồng loạt mọi cơ sở giáo dục, thống nhất quản lý giáo dục trong toàn thành phố, miễn học phí một trăm phần trăm cho người học, phân bổ lại hệ thống trường lớp...

Mục tiêu cao, kế hoạch lớn đã trực tiếp thúc đẩy GD-ĐT thành phố phát triển nhanh về số lượng lẫn chất lượng.

Đơn cử về giáo dục mầm non-mẫu giáo: Trong năm học đầu sau giải phóng, toàn thành phố có khoảng 60.000 học sinh thì đến nay (năm học 2014-2015), con số này  trên 321.700. Giáo dục phổ thông có 472.000 học sinh năm đầu sau giải phóng, nay con số học sinh này đã lên 1.122.450...

Tiếp tục truyền thống tư duy đặt mục tiêu cao, kế hoạch lớn, trong thập niên 1986-1998, hào hứng tiếp nhận tư duy đổi mới của đất nước, GD-ĐT thành phố đặt mạnh mục tiêu giáo dục toàn diện, đổi mới toàn diện từ công tác quản lý đến việc liên thông các ngành học, bậc học, đa dạng hóa các loại hình trường lớp, các cấp học, ngành học, bên cạnh trường công lập còn có trường dân lập, cho xuất hiện trở lại trường tư thục ở phạm vi mở rộng từng bước. Xuất hiện trường chuyên, trường điểm; gắn GD-ĐT với phát triển KT-XH, tăng cường xã hội hóa giáo dục...

Mục tiêu cao, kế hoạch lớn trong phát triển giáo dục là một trong những nét đẹp truyền thống trong tư duy phát triển GD-ĐT của TP HCM. Tư duy phát triển giáo dục và đào tạo với kế hoạch lớn, mục tiêu cao như vừa nên có nền tảng rất sâu, xuất phát từ ý thức trách nhiệm “cùng cả nước, vì cả nước” trong mọi lĩnh vực hạt động của thành phố.

Đành rằng trong chiều hướng tư duy ấy, không phải lúc nào cũng cho kết quả như mong đợi, thậm chí đôi khi chúng còn có thể nhìn thấy qua đó dấu ấn ít nhiều của tư duy nóng vội, đốt cháy giai đoạn. Dù vậy, tư duy hướng thượng và phát triển nhanh bao giờ cũng cho ra những sản phẩm đáng giá gần như mong đợi, thỏa mãn công sức và tư duy tích cực của lãnh đạo và nhân dân thành phố.

Suy nghĩ và hành động quyết liệt để nhanh chóng đạt mục tiêu

Sau giải phóng, thành phố đã xóa bỏ hệ thống trường tư nhằm tồn tại duy nhất hệ thống chỉ có trường công lập do nhà nước thống nhất quản lý. Thành phố đã đưa ra mức phụ cấp ưu đãi vượt quy định mức lương chung của cả nước để dành riêng cho thầy cô, giáo và cán bộ quản lý giáo dục ở thời điểm khó khăn nhất, nhằm giảm thiểu tối đa hiện tượng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục bỏ trường, bỏ nghề (khoảng những năm 1990-1992).

Việc đặt ra mức “lương khủng” để thu hút nhân tài trong khoa học- công nghệ liên quan tới giáo dục-đào tạo ở thời điểm hiện tại cho thấy lãnh đạo thành phố thực hiện một dạng tư duy mạnh mẽ, chấp nhận phá vỡ khung quy định phổ biến ở thời điểm cần thiết để đạt được các mục tiêu lớn , quyết liệt trong cân đối ngân sách thành phố để có những đột phá giải quyết bài toán tiến nhanh, phá vỡ hững bất hợp lý nẩy sinh từ thực tế.

Còn nhớ, những năm sau giải phóng, thành phố đã có chủ trương dành ưu tiên quỹ đất, biệt thự, cơ sở đẹp nhất cho giáo dục mầm non, mẫu giáo. Cho dù đã qua 40 năm thành phố thay da đổi thịt, nhưng các cơ sở dành cho giáo dục mầm non- mẫu giáo vẫn tồn tại như là những vị trí, những cấu trúc xây cất rất đẹp.

Ưu tiên có những chủ trương táo bạo để phát triển giáo dục từ bậc thấp nhất đến cao nhất là nét tư duy khá đặc trưng nổi trội của thành phố trong nhiều năm qua. Tính mạnh mẽ, quyết liệt trong suy nghĩ là cội nguồn đẫn đến những việc làm táo bạo, giải quyết ổn thỏa nhiều tình huống gay cấn trong quá trình phát triển.

Nhờ có suy nghĩ và hành động quyết liệt như vậy, mà, thí dụ chỉ một năm thực hiện "Năm giáo dục", thành phố đã huy động các nguồn lực xã hội, tạo ra số phòng học tăng gấp đôi so với năm 1998 trước đó, chấm dứt cơ bản hiện tượng học sinh phải học ba ca.

Nét đặc thù của tư duy phát triển GD-ĐT của thành phố như vừa nêu có nền tảng sâu xa tư sự nhận thức phát huy truyền thống năng động, sáng tạo của Đảng bộ và nhân dân thành phố trong mọi hoạt động khác nhau.

Tư duy diện và điểm, đại trà và mũi nhọn

Có thể dễ dàng nhận thấy thành phố luôn có kế hoạch ưu tiên vực  dậy những cơ sở, những điểm giáo dục gặp nhiều khó khăn, nhất là vùng ngoại thành, vùng nông thôn, vùng xa. Đây là phương châm nhất quán và cũng là nét đẹp điển hình của lối tư duy không cào bằng trong lãnh đạo thuộc giáo dục- đào đạo và nhiều lĩnh vực khác của thành phố.

Bên cạnh đó, thành phố rất chú tâm thúc đẩy mạnh mẽ vai trò tiên phong, dẫn đầu của cơ sở giáo dục đầu tàu. Đầu tư ưu tiên cho các trường điểm, trường chuẩn, trường năng khiếu, trường đi đầu thực hiện thí điểm đổi mới bằng sự quan tâm chỉ đạo đến nhân lực quản lý, đội ngũ giáo viên, phòng thí nghiệm, cơ sở vật chất trường lớp để từ đó xuất hiện ngày càng nhiều các trường như Lê Hồng Phong, Trần Đại Nghĩa, Nguyễn Du, Phổ thông năng khiếu, Sư phạm thực nghiệm, Đại học quốc tế…

Thành phố đã tạo thêm động lực khuyến khích đam mê sáng tạo, lòng yêu nghề của những điển hình tập thể, cá nhân đơn vị tiên tiến, xuất sắc.

Cho đến nay, đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục của thành phố đã đạt tỷ lệ chuẩn hóa từ 95 đến gần 100% từ cấp học Mầm non, THCS, THPT, GDTX, TCCN và CĐ. Từ những hiện tượng lắp đi lắp lại vừa nêu, chúng ta dễ dàng nhận ra trong các cấp lãnh đạo thành phố  luôn chứa đựng một dạng tư duy cài lồng giữa tiệm tiến và nhảy vọt, giữa đại trà và đỉnh cao.

Tiệm tiến và ổn định để duy trì trạng thái cân bằng, nhưng tạo những mũi nhọn trọng tâm sẽ hình thành, phát triển  những đầu tàu, tạo điển hình lan tỏa  nhảy vọt cục bộ, dẫn tới nhảy vọt toàn bộ. Đây là hình thái tư  duy thể hiện rõ sự khát khao phát triển nhanh hợp quy luật.

Tầm nhìn đại cục, mở rộng cửa thúc đẩy sự hợp lực, phối hợp, liên thông, liên kết

Nói về sự phối hợp tương tác trong các hoạt động của giáo dục thuộc phạm vi quản lý thành phố, chúng ta có thể dẫn chứng ra đây nhiều việc làm của các cấp lãnh đạo, các cấp chính quyền và các tổ chức quần chúng  đã có sáng kiến phối hợp thành lập các hội khuyến học, các quỹ hỗ trợ giáo dục từ cấp thành phố đến quận huyện, phường xã nhằm huy động rộng rãi toàn dân tham gia công tác GD-ĐT. 

GD-ĐT không và chưa bao giờ là lãnh vực đơn độc chỉ riêng của ngành giáo dục. Thành phố đã huy động sự tham gia của nhiều tổ chức như Mặt trận Tổ quốc, Sở Văn hóa- Thông tin, Sở Y tế, Sở Thể dục- Thể thao, Thành Đoàn... Các tổ chức này đã liên kết, phối hợp với Sở GD&ĐT đề ra chỉ thị của Thành ủy và kế hoạch hành động của UBND thành phố.

Chỉ sau một năm sau "năm giáo dục 1999", thành phố đã có 10 quận hoàn thành phổ cập THCS, lần đầu tiên thành phố hoàn thành 10/10 chỉ tiêu thi đua của Bộ, trong đó giáo dục THPT nhận lá cờ đầu thi đua của cả nước. Hàng ngàn phòng học, lớp học mới được xây dựng bằng nhiều nguồn vốn huy động.

TP HCM hiện có khoảng 150 trường ĐH-CĐ. Ngoài một số trường đại học và cao đẳng thuộc phạm vi quản lý của thành phố,  tuyệt đại bộ phận còn lại là các trường đại học, cao đẳng thuộc TW và các Bộ quản lý.

Dù vậy, tất cả các trường đại học, cao đẳng đóng trên địa bàn thành phố đều được thành phố tạo những điều kiện thuận lợi, lần lượt được bố trí đất để mở rộng, xây cất trường lớp.

Rất nhiều trường đại học, cao đẳng không những được ưu tiên vay vốn kích cầu của thành phố để xây dựng trường lớp, mà trong nhiều trường hợp cụ thể, thành phố còn sẵn sàng hỗ trợ kinh phí để chia sẻ khó khăn trong đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cũng như trong nghiên cứu khoa học, đào đào tạo cán bộ.

Được sự quan tâm và lãnh đạo khá toàn diện từ kế hoạch, chiến lược, quy hoạch mạng lưới trường, hiệp y đội ngũ cán bộ quản lý chủ chốt của tổ chức đảng, chính quyền , đoàn thể, đến nhiều điều kiện thiết yếu khác để phát triển... có thể khẳng định, lãnh đạo cấp cao của thành phố luôn coi niềm vui, nỗi buồn, khó khăn, thuận lợi của các trường đóng trên địa bàn thành phố cũng là niềm vui, nỗi buồn, khó khăn thuân lợi của chính mình.

Tư duy chủ động, sẵn sàng hội nhập

Bắt đầu từ giữa thập niên 1980, giáo dục thành phố có sự chuyển dịch từ hợp tác-hội nhập trong nội khối xã hội chủ nghĩa sang hội nhập giáo dục toàn cầu.

Chuyển dịch từ chỗ coi giáo dục-đào tạo chỉ có nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực theo chỉ tiêu, kế hoạch, phục vụ cho kế hoạch hóa tập trung của nhà nước, sang đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu rộng rãi cho mọi thành phần kinh tế. Chấp nhận không những khuôn khổ hợp tác của các dự án ODA phi lợi nhuận, mà còn cả khuôn khổ hợp tác vì lợi nhuận của tổ chức WTO thuộc phạm vi điều hành của GATS.

Chuyển dịch từ chỗ coi lĩnh vực giáo dục là thuần túy phúc lợi, sang nhận thức giáo dục-đào tạo là lĩnh vực ưu tiên trong đầu tư phát triển, có so sánh và ngày càng có nhiều so sánh với các quốc gia trong khu vực và thế giới.

Chương trình hành động của Đảng bộ thành phố sau các Đại hội Đảng toàn quốc thường rất kịp thời, phản ánh rõ rệt tư duy sẵn sàng đón đầu, thực hiện các quyết sách của TW trong phát triển, đổi mới và hội nhập GD-ĐT.

Tư duy chủ động, sẵn sàng hội nhập thể hiện rất rõ trong chương trình các cấp học. Vấn đề ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh và Tin học trở thành chìa khóa trong vốn tri thức cần thiết. Giáo dục thành phố đã sớm quan tâm đến vấn đề này.

Ngay cấp tiểu học, hiện nay đã có 91% số trường có dạy ngoại ngữ, phần lớn là tiếng Anh tăng cường, còn lại là tiếng Anh tự chọn, tiếng Anh theo đề án, tiếng Pháp và các ngoại ngữ khác… Có 48% học sinh tiểu học học chương trình tin học trong 79,5% số trường có dạy tin học trong trường.

Có thể lấy thí dụ minh họa cho kết luận vừa nêu ở một đại học đa ngành, đa lĩnh vực lớn nhất của các tỉnh thành phía Nam đang được thành phố rất quan tâm chỉ đạo: Đó là ĐHQG TP HCM - một trong 3 đại học tiên phong gia nhập mạng lưới của 26 đại học lớn nhất của Đông Nam Á.

Ở Đại học này, khoảng mươi năm về trước, trong chiến lược phát triển, chúng ta vẫn còn thấy nặng dấu ấn của quan niệm phổ biến, coi đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao là nhiệm vụ trọng tâm, coi nghiên cứu khoa học- chuyển giao công nghệ là nhiệm vụ đồng hành, thì nay, trong chiến lược phát triển 2016-2020, tầm nhìn 2030, ta đã thấy có sự đổi khác, có thể gọi là sự “lột xác” trong tư duy.

Tính khai phóng, dẫn dắt sự phát triển và hội nhập của đại học này thể hiện rõ rệt ở chỗ: yêu cầu đại học phát triển theo hướng nghiên cứu, phấn đấu đứng vào tốp đầu của những đại học tiên tiến châu Á, xây dựng đại học theo hướng nghiên cứu nhằm có những sản phẩm KH-CN đạt đỉnh cao ở tầm quốc gia- quốc tế, phục vụ cộng đồng.

Dù chặng đường đã qua có nhiều thành tựu lớn, nhưng để Việt Nam có một nền giáo dục tiên tiến sánh ngang với các nền giáo dục lớn trên thế giới thì chặng đường phía trước còn dài, còn nhiều gian khó.

Nhưng chúng ta đang có được niềm tin và quyết tâm hướng đến đỉnh cao của sự phát triển, lại có truyền thống tư duy luôn cảm nhận được sức mạnh trẻ trung, trào dâng nghị lực và ý chí, nhất định chúng ta sẽ thành công trong những chặng đường đổi mới- phát triển – hội nhập sắp tới, thực hiện thành công phương châm đã trở thành quyết tâm chính trị của Đảng bộ và nhân dân thành phố là “đi trước, về đích trước” trong sự nghiệp CNH, HĐH đất nước.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ