Ngành An toàn thông tin
Gần đây, nhiều chuyên gia giáo dục đại học quốc tế đã sử dụng thuật ngữ VUCA để nói về sự biến đổi khó lường của thị trường nhân lực an toàn thông tin, trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (Industrial Revolution 4.0) đang tác động rất mạnh đến tương lai nghề nghiệp. Nhiều phần mềm độc hại mã hóa tống tiền, lừa đảo trực tuyến, lây nhiễm phần mềm độc hại trên mạng xã hội, tấn công có chủ đích, lỗ hổng khi kết nối Internet với vạn vật, hay tấn công mạng vào các hạ tầng viễn thông và công nghệ thông tin, là những vấn đề nóng về an toàn thông tin.
Theo điều tra thống kê của tổ chức EMSI cho hay, kỹ sư ATTT đang là 1 trong 12 nghề nghiệp có cống hiến xã hội và thu nhập tốt hiện nay, theo ước tính của Học viện Kỹ thuật mật mã, thu nhập khởi điểm của kỹ sư ATTT tại Việt Nam là khoảng 9 - 11 triệu đồng/tháng, thu nhập trung bình khoảng 22 - 27 triệu đồng/tháng.
Ngành Công nghệ thông tin
Ngành Công nghệ thông tin ở Việt Nam không còn quá lạ lẫm, theo thống kê của Viện Chiến lược thông tin và truyền thông, chỉ có khoảng 15% lượng sinh viên ra trường đáp ứng được nhu cầu doanh nghiệp, ngành này chưa bao giờ ngừng “cơn khát” về nhân lực. Trong đó, ngành CNTT chuyên ngành Kỹ thuật phần mềm nhúng và di động mới được các cơ sở đào tạo gần đây.
Mức lương trung bình của một kỹ sư CNTT mới ra trường hiện nay vào khoảng 10 triệu đồng, với nhu cầu nhân lực như vậy, mức lương này chắc chắn sẽ phải tăng mạnh ngay trong tương lai gần, đây là lý do nhiều bạn trẻ đam mê công nghệ lựa chọn theo đuổi ngành nghề này.
Ngành Điện tử - Viễn thông
Theo phân tích của Oxford Economics, có đến 20 triệu công việc sản xuất trên khắp thế giới có thể bị thay thế bởi robot vào năm 2030; bắt kịp xu thế này, rất nhiều công ty, tập đoàn lớn trên thế giới và trong nước tập trung phát triển vào lĩnh vực hệ thống nhúng và điều khiển tự động. Do vậy, nhu cầu đào tạo nhân lực về lĩnh vực hệ thống nhúng và điều khiển tự động, về yêu cầu kỹ năng trong cả phát triển phần mềm và thiết kế phần cứng với kiến thức hệ thống nhúng là rất lớn.
Học viện Kỹ thuật mật mã tuyển 720 chỉ tiêu đào tạo đại học hệ dân sự năm 2020
Cụ thể, tổng chỉ tiêu tuyển sinh vào 3 ngành đào tạo đại học chính quy - Dân sự năm 2020 của Học viện Kỹ thuật mật mã là 720 sinh viên, gồm 420 chỉ tiêu ngành An toàn thông tin (Mã ngành: 7480202) 03 chuyên ngành An toàn hệ thống thông tin, Kỹ nghệ an toàn mạng, Công nghệ phần mềm an toàn; 200 chỉ tiêu ngành CNTT (Mã ngành: 7480201) chuyên ngành Kỹ thuật phần mềm nhúng và di động; và 100 chỉ tiêu Ngành Kỹ thuật điện tử-viễn thông (Mã ngành: 7520207) chuyên ngành Hệ thống nhúng và điều khiển tự động. Trong đó, 2 ngành CNTT và Kỹ thuật điện tử - viễn thông chỉ tuyển sinh tại cơ sở đào tạo Hà Nội.