Sáng 12/4, Quốc hội đã tổ chức họp báo thông tin với truyền thông trong nước và quốc tế về kết quả kỳ họp thứ 11 – kỳ họp cuối cùng của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII ngay sau phiên bế mạc kết thúc ít phút.
Ông Lê Minh Thông – Phó tổng thư ký Quốc hội, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội báo cáo tóm tắt kết quả kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII có nêu: “Với 7 đạo luật vừa được kỳ họp thứ 11 Quốc hội thông qua, tính toàn nhiệm kỳ, Quốc hội khóa XIII đã thông qua 107 đạo luật”.
Tổng thư ký Nguyễn Hạnh Phúc chủ trì cuộc họp báo sáng nay. Ảnh quochoi.vn |
Ông Lê Minh Thông cũng tóm tắt các kết quả về kinh tế - xã hội, về công tác nhiệm kỳ và đặc biệt là công tác nhân sự Nhà nước: “Nhằm tạo sự đồng bộ trong công tác nhân sự, đáp ứng kịp thời công tác lãnh đạo của Đảng, chỉ đạo điều hành của Nhà nước, Quốc hội đã tiến hành xem xét miễn nhiệm, bầu, phê chuẩn một số nhân sự cấp cao của Nhà nước.
Quốc hội đã bầu Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, 2 Phó chủ tịch Quốc hội, 7 Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Phó chủ tịch nước, Chánh án tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chủ tịch hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm 5 Ủy ban của Quốc hội, Tổng kiểm toán Nhà nước; phê chuẩn việc bổ nhiệm 3 Phó thủ tướng Chính phủ, 18 Bộ trưởng và thành viên khác của Chính phủ; phê chuẩn về danh sách 2 Phó chủ tịch và 13 Ủy viên Hội đồng bầu cử quốc gia và danh sách 1 Phó chủ tịch và 3 Ủy viên hội đồng quốc phòng an ninh.
Đặc biệt, lần đầu tiên Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao sau khi được bầu đã thực hiện tuyên thệ theo quy định của Hiến pháp năm 2013, thể hiện mạnh mẽ và khắc ghi trong tâm lời hứa tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp, hoàn thành trọng trách mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó”.
Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trả lời phỏng vấn của báo chí ngay sau cuộc họp báo. Ảnh Dương Thu. |
Một trong những vấn đề được báo giới quan tâm tại kỳ họp là xung quanh việc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp vào ngày 22/5/2016 tới đây.
Trước khi cuộc bầu cử diễn ra, nhiều luồng thông tin nhiễu, xuyên tạc, nói xấu người được đề cử cũng như người tự ứng cử khiến dư luận bức xúc. Đặc biệt, có thông tin cho rằng, xuất hiện thế lực phản động đứng sau những người tự ứng cử.
Thông tin này đã từng khiến dư luận xôn xao với nhiều ý kiến phản bác cũng như đề nghị làm rõ, không nói chung chung để ảnh hưởng đến ngày hội bầu cử sắp tới.
Trả lời vấn đề này, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc khẳng định: “Tại họp báo trước đó, tôi cũng đã trả lời câu hỏi này rồi. Vừa rồi, chúng tôi nhận được thư kiến nghị của ông Nguyễn Quang A và chúng tôi đã có văn bản trả lời cho ông Nguyễn Quang A về vấn đề này. Đây không phải là ý kiến của Hội đồng bầu cử, không phải ý kiến của Tiểu ban An ninh quốc phòng mà chỉ là ý kiến cá nhân. Tiểu ban An ninh quốc phòng không khẳng định điều này. Chúng tôi khẳng định luôn là không có việc đó”.
Liên quan đến việc trên trang cá nhân một số người tự ứng cử đăng tải thông tin cho rằng việc lấy ý kiến cử tri tại nơi sinh sống không được minh bạch rõ ràng. Tổng thư ký Nguyễn Hạnh Phúc nói: “Việc đưa thông tin lên mạng xã hội là quyền của cá nhân, không có gì phải kiểm soát. Còn hiện nay, đang trong quá trình hiệp thương, không phân biệt người tự ứng cử hay được tổ chức giới thiệu, chưa có danh sách.
Việc lấy ý kiến tại nơi cư trú là đương nhiên vì không ai hiểu người đó bằng người dân ở chính nơi họ cư trú.
Khi vào thời gian vận động bầu cử sẽ thực hiện theo luật. Bất kể là ai, dù là tự ứng cử hay được giới thiệu, đề cử, cũng phải theo đúng quy định của luật pháp về vận động bầu cử để đảm bảo sự công bằng”.