Trong bộ phim kéo dài 2 tiếng đồng hồ trước khi diễn ra cuộc bầu cử tổng thống, ông Putin cho biết từ năm 1985 đến 1990, ông đã làm việc dưới vỏ bọc là giám đốc của Nhà hữu nghị Xô viết – GDR ở Dresden (Đức), ông tham gia tuyển dụng và làm việc với một mạng lưới các điệp viên tình báo, trong đó có cả những người “bất hợp pháp”.
Trước khi được cử tới Đức, ông Putin đã học tại Viện Andropov ở Moscow (giờ là Học viện Tình báo nước ngoài) dưới biệt danh “Platov”. Ông cho biết những giáo viên của khoa học đã đặt cho ông biệt danh này.
“Điều này là bởi vì những sinh viên không được phép biết tên thật của nhau. Một yêu cầu tự nhiên” – ông Putin nói trong tập 2 bộ phim tài liệu có tiêu đề “Putin” đã có mặt trên mạng xã hội Nga.
Tổng thống Nga nói thêm rằng mặc dù trong suốt những năm học ở học viện, ông được đào tạo là một điệp viên “hợp pháp”, nhưng ông đã phải dành một số thời gian để hoàn thiện các kỹ năng với vai trò là một sĩ quan tình báo “bất hợp pháp”, học một thày – một trò với người hướng dẫn.
Một điệp viên tình báo “bất hợp pháp” làm việc cho nước ngoài dưới vỏ bọc của một công dân địa phương hoặc nước thứ 3 mà không duy trì bất kỳ mối liên hệ công khai nào với đại diện của nước nhà.
Đối với các điệp viên “hợp pháp”, họ làm việc ở nước ngoài với vai trò là các nhà ngoại giao chính thức của nước mình.
Ông Putin cho biết ông chưa bao giờ tưởng tượng rằng sau sự sụp đổ của bức tường Berlin, các lực lượng của NATO sẽ tiến đến biên giới phía tây nước Nga.
“Tôi không hề nghĩ tới việc đó. Tôi là một sĩ quan và chưa bao giờ tôi nghĩ tình hình lại xảy ra đúng như vậy” – Tổng thống Nga nói khi được hỏi trong bộ phim rằng có ai lúc đó nghĩ rằng sau khi quân đội Xô Viết rút khỏi Đông Đức, NATO lại di chuyển tới gần biên giới Nga đến vậy.