Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 14/6 đã có cuộc gặp các nhà ngoại giao hàng đầu của Nga và đề cập đến mối nguy hiểm của châu Âu thường xuyên được đề cập đến trong các tuyên bố của giới cầm quyền ở lục địa này, RT đưa tin.
Theo đó, ông Putin cho rằng, “mối đe dọa” lớn nhất đối với khối ngày nay không phải do Nga đặt ra mà do sự phụ thuộc ngày càng trầm trọng của nước này vào Mỹ trong “các lĩnh vực quân sự, chính trị, công nghệ, tư tưởng và thông tin”.
Tổng thống Nga cho biết, Tây Âu cần duy trì mối quan hệ tốt đẹp với Moscow nếu muốn duy trì vị thế là một trong những trung tâm phát triển thế giới.
Ông Putin nhấn mạnh rằng, Nga sẵn sàng hợp tác với EU và khẳng định Moscow không có ý đồ xấu, đồng thời chỉ ra rằng tất cả những tuyên bố gần đây của các quan chức phương Tây về một cuộc tấn công được cho là của Nga, thực chất là "vô nghĩa".
"Châu Âu ngày càng bị đẩy ra ngoài lề của sự phát triển kinh tế toàn cầu và đang rơi vào tình trạng hỗn loạn về di cư cũng như các vấn đề cấp bách khác” - ông Putin nói và cho biết thêm rằng các công dân châu Âu cũng đang bị tước đoạt tính chủ động quốc tế và bản sắc văn hóa.
Nhà lãnh đạo Nga cũng lưu ý rằng ngày nay, nhiều nhà lãnh đạo chính trị của EU và đại diện của bộ máy quan liêu châu Âu dường như sợ mất thiện cảm với Washington hơn là đánh mất niềm tin của chính người dân nước mình. Thực tế này cũng trở nên rõ ràng sau kết quả cuộc bầu cử quốc hội EU mới nhất.
Trong khi đó, Mỹ chỉ đơn giản là “lợi dụng” các nhà lãnh đạo châu Âu bằng cách ép họ mua khí đốt tự nhiên hóa lỏng của Mỹ, đắt gần “gấp 3-4 lần khí đốt ở Mỹ”, và ép họ tăng cường viện trợ quân sự cho Ukraine, thậm chí đe dọa bằng các biện pháp trừng phạt đối với những người không tuân thủ.
Tổng thống Nga cũng chỉ ra rằng châu Âu đang bị lừa lãng phí tiền bạc và nguồn lực vào việc mở rộng sản xuất đạn pháo, đồng thời cho thấy những loại đạn như vậy sẽ hoàn toàn vô dụng sau khi xung đột giữa Moscow và Kiev kết thúc và sẽ không làm được gì để đảm bảo an ninh quân sự của châu Âu.
Mặt khác, Mỹ tiếp tục đầu tư vào công nghệ quân sự của tương lai, điều này sẽ quyết định tiềm năng quân sự-chính trị của các quốc gia, ông Putin nhận xét.
Tổng thống Putin nhấn mạnh rằng, tương lai của châu Âu nằm ở mối quan hệ hữu nghị với Nga đã được các chính trị gia “thực sự có quy mô toàn châu Âu và toàn cầu” hiểu rõ trong quá khứ, chẳng hạn như Charles de Gaulle của Pháp và Helmut Kohl của Đức, người mà Putin mô tả là “những người yêu nước của đất nước họ” và “những người suy nghĩ theo phạm trù lịch sử”.
Họ trái ngược với những “người bổ sung” ngày nay, vốn chỉ có thể làm theo ý muốn của người khác.
Dẫu vậy, ông Putin bày tỏ hy vọng rằng di sản của các nhà lãnh đạo khôn ngoan trong quá khứ cuối cùng sẽ một lần nữa được thế hệ chính trị gia châu Âu mới đón nhận.
Tuyên bố của Tổng thống Putin về sự phụ thuộc đáng kể của châu Âu vào Mỹ đã từng được nhắc đến bởi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Ông Macron đã nhiều lần đề cập đến sự độc lập khỏi Mỹ về quân sự, quốc phòng, kinh tế...
Trong bài phát biểu hồi tháng 4, ông Macron đã cảnh báo về các áp lực quân sự, kinh tế... có thể làm suy yếu và phân mảnh khối liên minh khiến khối này có thể "diệt vong". Con đường cần đi sắp tới theo ông Macron là cần phải "tự chủ chiến lược", có nghĩa là bớt phụ thuộc vào các đường lối hay thiết bị quân sự của Mỹ.
Ông Macron nói: Châu Âu “phải chứng tỏ rằng nó không bao giờ làm chư hầu của Mỹ và châu lục này cũng biết cách nói chuyện với tất cả những khu vực khác trên thế giới”.
Quan điểm này của ông Macron cũng được Thủ tướng Đức Olaf Scholz ủng hộ. Tuy nhiên, hai nhà lãnh đạo này chỉ định hướng việc cần phải giảm bớt sự phụ thuộc vào Mỹ.