Theo đó, nhà lãnh đạo Mỹ đã bác bỏ lập luận của những quốc gia thành viên G7 phản đối Nga trở lại tổ chức này. Ông Trump nhấn mạnh, sự hiện diện của Nga là cần thiết để thảo luận về các vấn đề liên quan đến Iran, Syria và Triều Tiên.
Tuy nhiên, ý kiến của Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ nhận được sự ủng hộ của Thủ tướng Chính phủ Ý Giuseppe Conte. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe vẫn giữ quan điểm trung lập, trong khi các nhà lãnh đạo Đức, Anh, Canada, Pháp, và người đứng đầu Hội đồng châu Âu Donald Tusk tuyên bố không chấp nhận sự trở lại G7 của Nga.
Tình hình xoay quanh việc đưa Nga trở lại G7 đã "bắt đầu nóng lên". Hầu hết các nhà lãnh đạo đều nhấn mạnh rằng G7 là một nhóm gồm 7 thành viên, là tổ chức của các quốc gia dân chủ tự do, do đó không thể để Nga quay lại vì họ không phù hợp với tiêu chí này.
Trước đó vào ngày 25/8, có thông tin rằng nhà lãnh đạo của các quốc gia G7 đã từ chối đưa Nga trở lại tổ chức này. Đổi lại, họ chủ trương tăng cường mối quan hệ hợp tác với Moscow.
Người đầu tiên đưa ra đề nghị hợp tác là Tổng thống Pháp Emmanuel Macron . Sau đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đề xuất mời người đồng cấp Nga Vladimir Putin tham dự hội nghị thượng đỉnh G7.
Nga là một phần của G8 cho đến năm 2014 trước khi bán đảo Crimea được sáp nhập vào quốc gia này. Sau đó, các quốc gia thành viên khác của tổ chức này đã từ chối tham dự hội nghị thượng đỉnh ở Sochi và đã tổ chức một cuộc họp mà không có sự tham gia của Moscow tại Brussels, Bỉ.
Hội nghị thượng đỉnh G7 diễn ra tại thị trấn Biarritz (Pháp) từ ngày 25/8 với sự tham gia của các phái đoàn Pháp, Anh, Mỹ, Đức, Nhật Bản, Ý, Canada và đại diện của Liên minh châu Âu.