Tổng kết cuộc thi viết với chủ đề: "Xây dựng trường học thân thiện và những tình huống ứng xử" trên báo GD&TĐ

Tổng kết cuộc thi viết với chủ đề: "Xây dựng trường học thân thiện và những tình huống ứng xử" trên báo GD&TĐ

(GD&TĐ) - “Xây dựng trường học thân thiện và những tình huống ứng xử” là cuộc thi  thiết thực, nhằm đưa ra cách giải quyết tình huống từ thực tiễn giáo dục mà hàng ngày thầy trò trong các trường học thường gặp. Tuy nhiên, việc ứng xử trước các tình huống  GD ấy như thế nào là vấn đề mà các tác giả đặt ra. Mỗi tình huống đều có cách ứng xử nhân văn, hợp tình hợp lý, có tính GD, linh hoạt, mềm dẻo mà không khiên cưỡng-hợp với lòng người-đó là những tình huống GD hay. Được phát động từ ngày 28/3/2012, cuộc thi đã nhanh chóng được hưởng ứng và có sức lan tỏa mạnh mẽ với số lượng bài viết và tác giả tham dự đông đảo. BGK cuộc thi cũng đã tìm ra những tác giả có cách giải quyết những tình huống GD xúc động, hay, linh hoạt, mềm dẻo, thông minh để trao giải trong đợt này. 

 

Hầu hết, trong số các nội dung, tình huống đề cập, đều là những tình huống mà những người làm công tác sư phạm đều đã gặp phải, hoặc đồng nghiệp đã gặp:  Như thầy giáo hút thuốc lá, khi cấm học sinh hút thuốc. Khi học sinh không phục thầy, phản ứng thầy hút thuốc, ngang nhiên so sánh việc thầy hút thuốc với việc cấm học sinh.  Tác giả Lê Văn Vỵ trong bài “Mẩu thuốc lá” đã có cách xử lý linh hoạt: Kiểm điểm lỗi của trò và kiểm điểm lỗi của mình trước lớp. Nhân cơ hội đó, phát động  bỏ thuốc lá trong toàn trường. Điều đó có ý nghĩa GD rất lớn, nếu thầy không gương mẫu, làm sao GD được trò?

Tình huống trong tác phẩm “Răng trâu” của nhà văn Hoàng Minh Tường. Tác giả đã đưa ra một tình huống rất thú vị thầy giáo trẻ dạy môn Sinh vật được phân công dạy thay môn Kỹ thuật nông nghiệp Một anh học trò với ánh mắt rất thông minh hỏi thầy một câu hỏi: Thưa thầy trâu có mấy hàm răng? Thầy giáo trẻ tự tin (nghĩ bụng) chê học trò là lẩm cẩm, rách chuyện trâu có hai hàm răng chứ mấy hàm. Nhưng thầy lại nhìn thấy ánh mắt thông minh đầy tự tin của anh học trò kia, thầy bỗng thấy mình mất tự tin. Và thầy đã nghĩ ra một tình huống ứng xử rất hay, thầy chỉ ra anh học trò cao lớn nhất lớp, chỉ định trò đó trả lời câu hỏi của bạn, anh học trò cao lớn Phạm Văn Tê trả lời thưa thầy trâu chỉ có một hàm răng thôi ạ. Em chăn trâu từ bé em biết. Cả lớp vỗ tay rầm rầm. Thầy giáo trẻ toát mồ hôi. Anh học trò thông minh đã hỏi thầy câu hỏi đó sau này chính là GS. TS. Nguyên Bộ trưởng Nguyễn Trung Tá.

Tác giả Hoàng Nghĩa Nam trong tình huống “1 giờ bên chú cua khổng lồ” đã thuyết phục độc giả ở chỗ, nếu hoán vị hình thức phạt của một cô giáo đối với trẻ mầm non sang cô giáo, thì điều gì sẽ xảy ra? Cô đơn, sợ hãi, bất lực, tuyệt vọng...? Việc cô Hiệu trưởng dành hình phạt cho cô giáo chủ nhiệm lớp Mầm non, như cô chủ nhiệm đã dành cho học sinh của mình, đã cho thấy, giáo dục, nhất là  giáo dục trẻ thơ, không thể phạt tùy tiện, thiếu nhân văn, vì như vậy, sẽ ảnh hưởng lên tâm lý, sức khỏe của trẻ. Cách viết độc đáo, gây ấn tượng mạnh, như câu chuyện kể, nhưng phần kết là điểm nhấn đã gây cảm xúc mạnh mẽ đến tâm lý người đọc. Đây là một tình huống thành công và  cách giải quyết thật hay.

 

“Món quà sinh nhật” của tác giả Nguyễn Thị Minh Tuyết là hồi ức và sự ân hận của giáo viên chủ nhiệm lớp 2. Xoay quanh việc cô bé học sinh nghèo ao ước có một con búp bê nhân ngày sinh nhật mà cô giáo lỡ bận rộn nên món quà đã không đến được với em. Nhưng, cô giáo vẫn nhớ món quà của em, và dành cho em dịp sinh nhật năm sau. Món quà sinh nhật muộn, nhưng đã thể hiện tấm lòng quan tâm và yêu thương của cô giáo với học sinh-nhất là học sinh nghèo. Khi cô bé cầm trên tay con búp bê mà không biết ai gửi tặng, với nụ cười rạng rỡ, thì cũng là lúc cô giáo rơi lệ, vì hạnh phúc, yêu thương. Tình huống này đã thành công ở chỗ, nó giải mã được bí quyết của sự thành công trong giáo dục: Nếu có lòng nhân hậu, tình yêu thương với con trẻ, thì người thầy mới có thể gắn bó với nghề. và mới có hạnh phúc thực sự mà nghề dạy học mang lại. 

Các tình huống khác như: “Lần đầu tôi làm chủ nhiệm” của tác giả Cao Xuân Lương; “Thầy dạy toán” của tác giả Phạm Văn Hoanh; “Kỷ niệm về cây hoa sữa” của tác giả Hoàng Trung Hiếu; “Có sai quy chế không?” của tác giả Lê Thị Tuyết Hồng; “Nỗi day dứt kéo dài suốt 35 năm” của tác giả Hàn Viết Hoan; “ Lão hắc xì dầu” của tác giả Nguyễn Minh Tư; “Học sinh hòa nhập” của tác giả Ngô Thị Phúng; “ Bạn ấy thật giỏi” của tác giả Nguyễn Thị Bích Nhàn...là những tình huống được giải quyết thấu đáo, có tình có lý, được độc giả và Ban giám khảo cuộc thi ủng hộ. Người viết, bằng tấm lòng, qua lăng kính giáo dục trước những tình huống tưởng như khó xử, đã uyển chuyển, linh hoạt  giải quyết phù hợp với thực tế-để hiệu quả cuối cùng là người trong cuộc nhận ra ý nghĩa của hành vi ứng xử - trong mối quan hệ thầy - trò và ngược lại. Để từ đó, làm lành mạnh, trong sáng  hơn môi trường GD, để con người gần với nhau hơn, hiểu nhau hơn, trân trọng nhau hơn.  

Sau 7 tháng phát động, Ban Tổ chức đã nhận được hơn 700 bài dự thi, thí sinh nhỏ tuổi nhất là 9 tuổi, tác giả cao tuổi nhất trên 70, trên khắp các vùng miền Tổ Quốc. Đặc biệt có trường tiểu học Tân Lý (Lý Nhân, Hà Nam) đã gửi 184 bài dự thi của học sinh và 22 bài dự thi của giáo viên. Các trường THCS Nhân Phúc, Trưng Vương của Đà Nẵng cũng có số lượng bài dự thi rất lớn. Chùm bài dự thi của tác giả Phạm Tiến Dũng trường THCS Nam Cao (Lý Nhân, Hà Nam) được viết dưới dạng nhật ký của học sinh lớp 8 là một chuỗi các câu chuyện xúc động kể về tâm tư suy nghĩ và tình huống ứng xử của thầy và trò.  

Cuộc thi viết về tình huống GD cho thấy hiện nay, những vấn đề về ứng xử trong nhà trường và xã hội đang và đã là sự quan tâm của rất nhiều người. Cuộc thi trong thời gian ngắn không kỳ vọng vào một sự chuyển biến hữu hiệu ngay trong cách giải quyết những tình huống tương tự, nhưng cũng là những tình huống mở, là  những cách gợi ý khi chúng ta phải giải quyết, trong cuộc sống hàng ngày. 

Cuộc thi phát động tuy ngắn, chỉ hơn 7 tháng, nhưng đến nay tòa soạn vẫn tiếp tục nhận được bài vở gửi về, điều đó chứng tỏ sức lan tỏa của cuộc thi là rất cao. Chúng tôi xin chân thành cảm ơn đến các tác giả đã gửi bài vở về dự thi, đặc biệt cảm ơn các tác giả đoạt giải – những người đã làm nên thành công về cuộc thi.

 
Danh sách các tác giả đoạt giải  trong cuộc thi viết với chủ đề “Trường học thân thiện và những tình huống ứng xử”:

 Giải Nhất: Không có.

- Giải Nhì: 02 tác phẩm của 02 tác giả:

1. Tác phẩm “Mẩu thuốc lá” của tác giả Lê Văn Vỵ

2. Tác phẩm “Răng trâu” của tác giả Hoàng Minh Tường

III. Giải Ba: 03 tác phẩm của 03 tác giả:

1. Tác phẩm “Có sai quy chế không” của tác giả Lê Thị Tuyết Hồng 

2. Tác phẩm “Một giờ bên chú cua khổng lồ” của tác giả Hoàng Nghĩa Nam

3. Tác phẩm “Bạn ấy thật giỏi” của tác giả Nguyễn Thị Bích Nhàn

IV. Giải Khuyến khích: 07 tác phẩm của 07 tác giả:

1. Tác phẩm “Lần đầu chủ nhiệm của tôi” của tác giả Cao Xuân Lương

2. Tác phẩm “Thầy dạy toán” của tác giả Phạm Văn Hoanh

3. Tác phẩm “Kỷ niệm về cây hoa sữa” của tác giả Hoàng Trung Hiếu

4. Tác phẩm “Nỗi day dứt kéo dài suốt 35 năm” của tác giả Hàn Viết Hoan

5. Tác phẩm “Học sinh hòa nhập” của tác giả Ngô Thị Phúng

6. Tác phẩm “Món quà sinh nhật” của tác giả Nguyễn Thị Minh Tuyết

7. Tác phẩm “Lão “Hắc sì dầu”” của tác giả Nguyễn Minh Tư.

 GD&TĐ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ