Các đại biểu tham dự Hội nghị |
(GD&TĐ) - Sáng nay (29/11), tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân diễn ra Hội nghị “Tổng kết công tác tuyển sinh, đào tạo cử tuyển và theo địa chỉ cho các tỉnh miền núi phía Bắc và Bắc Trung bộ tại Trường Đại học Kinh tế quốc dân”.
Tham dự có đại diện Uỷ ban Dân tộc, Ban Chỉ đạo Tây Bắc, lãnh đạo các Sở GD&ĐT và các vụ chức năng của Bộ GD&ĐT.
Báo cáo tại Hội nghị cho thấy: Vùng dân tộc và miền núi là vùng có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, môi trường sinh thái của cả nước; có tiềm năng, lợi thế về nông, lâm nghiệp, thuỷ điện, khoáng sản, du lịch và kinh tế cửa khẩu.
Chính vì vậy, Đảng và Nhà nước đã và đang thực hiện nhất quán chính sách đối với các dân tộc thiểu số miền núi, biên giới và hải đảo là đoàn kết, bình đẳng, hỗ trợ giúp nhau cùng phát triển, đặc biệt quan tâm phát triển kinh tế - xã hội ở các vùng dân tộc và miền núi, trong đó lấy nhiệm vụ phát triển giáo dục và đào tạo làm đòn bẩy nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực và đội ngũ cán bộ cho các vùng dân tộc.
Trường Đại học Kinh tế quốc dân coi đào tạo đội ngũ cán bộ kinh tế, quản lý và quản trị kinh doanh người dân tộc thiểu số, hoặc người Kinh đang sinh sống, công tác lâu dài tại các tỉnh miền núi, vùng cao, vùng sâu, vùng dân tộc thiểu số là nhiệm vụ quan trọng bởi cán bộ là yếu tố cơ bản góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an ninh - quốc phòng ở khu vực này. Chính vì vậy, khi Bộ GD&ĐT giao cho nhiệm vụ tuyển sinh đào tạo hệ KV và đào tạo theo địa chỉ, Nhà trường đã nghiêm túc tổ chức thực hiện, coi đó là nhiệm vụ chính trị, trách nhiệm xã hội của Trường.
Thực hiện nhiệm vụ chính trị này, từ năm học 1984 -1985 đến nay, ngoài việc mở các lớp đào tạo hệ vừa làm vừa học liên thông từ cao đẳng lên đại học học tại các tỉnh miền núi, văn bằng 2, Trường đã liên tục tuyển sinh, tổ chức đào tạo chính quy tại Trường với 26 khóa hệ KV cho 30 tỉnh có sinh viên dân tộc thiểu số theo chế độ cử tuyển, với khoảng 1.000 sinh viên của 16 ngành đào tạo về kinh tế, quản lý và quản trị kinh doanh, trong số này Trường đã cấp bằng cử nhân cho 607 sinh viên.
Đồng thời, thực hiện chủ trương của Bộ GD&ĐT “đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao đáp ứng nhu cầu xã hội”, từ năm học 2004 - 2005 đến năm học 2012 - 2013, Trường đã triển khai đào tạo cho doanh nghiệp và các địa phương có nhu cầu về cán bộ theo hình thức đào tạo theo địa chỉ sử dụng cho 6 tỉnh biên giới phía Bắc được 8 khóa học với 597 sinh viên, trong số này đã có 255 sinh viên tốt nghiệp.
Như vậy, sau 30 năm đào tạo KV và đào tạo theo địa chỉ sử dụng (1984 - 2013) cho các tỉnh miền núi phía Bắc và Bắc Trung bộ, Trường đã cấp 862 bằng cử nhân kinh tế, quản lý và quản trị kinh doanh, trong đó có 607 cử nhân hệ KV và 255 cử nhân hình thức đào tạo theo địa chỉ sử dụng. Số cán bộ này góp phần tích cực vào sự nghiệp phát triển chung, xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an ninh quốc phòng ở các vùng đồng bào dân tộc và miền núi các tỉnh biên giới phía Bắc của Tổ quốc.
Nhiều tham luận tại Hội nghị đã đưa ra những vấn đề xã hội mang tính thực tiễn, cũng như kinh nghiệm đào tạo để có kết quả cao như: Những quan điểm cơ bản về đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo hệ cử tuyển và đào tạo theo địa chỉ tại Trường Đại học Kinh tế quốc dân; Một vài suy nghĩ về việc giảng dạy môn Vật lí và Hoá học năm dự bị đối với sinh viên đào tạo theo chế độ cử tuyển và địa chỉ tại Trường Đại học Kinh tế quốc dân; Giảng dạy Môn Toán ở năm dự bị cho sinh viên đào tạo chế độ cử tuyển và địa chỉ tại Trường Đại học Kinh tế quốc dân; Giảng dạy môn Tiếng Anh ở năm dự bị cho sinh viên đào tạo chế độ cử tuyển và địa chỉ.
Hiên Kiều