Tổng công trình sư ngành Giáo dục trước "vận hội mới"

Tổng công trình sư ngành Giáo dục trước "vận hội mới"

(GD&TĐ) - Nhiều người ví Đề án Đổi mới căn bản và toàn diện GD – ĐT là “vận hội mới” của ngành Giáo dục. Bởi tầm vóc, quy mô, những nội dung của Đề án không chỉ tác động tới người học, người dạy mà còn có ảnh hưởng đến tất cả các gia đình và cao hơn là chiến lược phát triển nguồn nhân lực của cả đất nước.

Ít người biết, để có được Đề án hôm nay trình Hội nghị T.Ư Đảng lần thứ 8, ngành Giáo dục đã âm thầm chuẩn bị trong 3 năm, tập hợp trí tuệ tập thể của xã hội với không chỉ đề xuất lý thuyết, mà còn có những mô hình minh chứng cho hướng đi đúng. Được trò chuyện với Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận, chợt cảm thấy vui với niềm vui của một Tổng công trình sư sau khi dốc lòng cùng đội ngũ của mình thiết kế một công trình ưng ý để đời.                 

Không đổi mới, giáo dục sẽ trở thành “điểm nghẽn”

Thưa Bộ trưởng, giáo dục được coi là lĩnh vực nhạy cảm, bởi liên quan đến cả đất nước. Vậy khi làm một Đề án lớn về giáo dục, câu hỏi đầu tiên được đặt ra là: Tại sao phải làm, tại sao phải đổi mới?

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận
 

- Giáo dục trong thời gian qua có những thành tựu. Đề án đã nêu lên 7 thành tựu, và nói tổng quát lại: Lực lượng lao động, chuyên gia, cán bộ quản lý đang đảm đương trách nhiệm trụ cột của nền kinh tế, quốc phòng -  an ninh… chính là do các trường trong nước đào tạo và đóng góp phần chủ lực. Đây chính là những tác giả đưa Việt Nam thoát nghèo, vượt qua khủng hoảng, ổn định.

Tuy nhiên, so với yêu cầu của CNH - HĐH, cần có một đội ngũ lao động có phẩm chất, kỹ năng đáp ứng sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước thì bất cập. So với kỳ vọng của nhân dân, của xã hội, của Đảng và ngay chính của Ngành là chưa đáp ứng. Đặc biệt trong cạnh tranh quốc tế. Thế mạnh về nguồn lao động của chúng ta một thời gian là giá rẻ. Nhưng bây giờ không thể đặt ra như vậy nữa, mà phải là nguồn lao động có chất xám, giá cao, có khả năng cạnh tranh… 

Khi Đại hội XI quyết định chuyển đổi phát triển kinh tế  từ mô hình phát triển quy mô về số lượng sang mô hình dựa vào chất lượng, hiệu quả, nghĩa là từ mô hình chiều rộng sang chiều sâu thì đòi hỏi nguồn nhân lực phải thay đổi. Nếu không đổi mới, giáo dục không những không hoàn thành được sứ mạng của mình mà còn thành “điểm nghẽn”, thành sự cản trở của xã hội.

Bộ trưởng có thể chia sẻ quan điểm đổi mới của Đề án này? Có thể hiểu Đề án này là dựng nên một chân dung hoàn toàn mới cho nền giáo dục Việt Nam không, thưa Bộ trưởng?

- Những quan điểm của Đảng như: Giáo dục là quốc sách hàng đầu; Giáo dục là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân, của toàn xã hội; Học đi đôi với hành; Nhà trường gắn với thực tiễn sản xuất; Đào tạo con người vừa hồng vừa chuyên, phát triển toàn diện cả Đức - Trí - Thể - Mỹ… hiện còn rất phù hợp với giai đoạn hiện nay, chúng ta phải kiên trì thực hiện.

Trong Đề án, chúng tôi đề xuất bổ sung một số quan điểm như: Đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển nên phải được đi trước, được tập trung chỉ đạo, tập trung sự lãnh đạo...

Đối với giáo dục nhằm đào tạo lực lượng lao động chất lượng cao đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH đất nước
Đối với giáo dục nhằm đào tạo lực lượng lao động chất lượng cao đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH đất nước
 

Bộ trưởng nói giáo dục Việt Nam đang phấn đấu trở thành bình thường, phải chăng trước đây nền giáo dục của chúng ta đã có những phát triển nào đó không bình thường?

- Không phải là không bình thường mà nó không còn bình thường. Lúc ta làm thì là bình thường, vì cả thế giới khi đó làm như vậy. Nhưng đến thời điểm này, khi khoa học công nghệ, sự nhận thức của xã hội về giáo dục, những phương tiện, con đường, cách thức của giáo dục đã có những thành tựu mới, có những con đường mới mà chúng ta vẫn đi con đường cũ, thì nó trở thành không bình thường.

Hiện nay ở  Việt Nam, có môn khoa học nào thì trong nhà trường có môn học ấy, dẫn đến kiến thức truyền thụ cho học sinh mang nặng tính hàn lâm, ít gắn với thực tiễn cuộc sống, nhiều kiến thức học xong không bao giờ dùng đến, và là nguyên nhân trực tiếp tạo ra quá tải.

Chương trình mới được thiết kế tích hợp sâu ở dưới và phân hóa tự chọn cao ở trên. Đó là con đường khác hẳn con đường chúng ta đang đi cho đến thời điểm này. Và, đó là con đường bình thường mà giáo dục thế giới đang đi.

TN CNTP.JPG
“Mục tiêu phát triển toàn diện trong Đề án là học sinh có hiểu biết, nhận thức, sau đó có năng khiếu gì thì được bộc lộ, được phát triển”

Đào tạo lại giáo viên để thực hiện đổi mới giáo dục

Dường như những điều Bộ trưởng tâm huyết đó nhiều người cũng đã và đang nhận ra. Nhưng cũng chỉ ra được thực trạng thôi, còn để giải quyết thế nào, bắt tay từ đâu thì cũng chưa được thống nhất. Vậy với vị trí của ông, trong nhiều băn khoăn đó, ông sẽ gỡ từ nút nào đầu tiên?

- Sau khi tham khảo chương trình và SGK của hơn 40 nước có nền GD tiên tiến và đánh giá lại chương trình và SGK hiện nay của chúng ta, Bộ GD&ĐT đã cơ bản đưa ra được nội dung khung chương trình và SGK mới. Đào tạo giáo viên chính là công việc ưu tiên đầu tiên bởi giáo viên là “máy cái” của hoạt động giáo dục. Và chính đội ngũ các thầy cô giáo đang đứng lớp sẽ là người thực hiện công cuộc đổi mới. Cho nên vừa phải quan tâm đào tạo mới, vừa phải đặc biệt chú trọng đào tạo lại.

Vai trò của người thầy tới đây phải khác. Họ không chỉ là người truyền thụ kiến thức mà còn là người tổ chức, dẫn dắt và học sinh sẽ học tập tích cực theo sự hướng dẫn của thầy, tự học bằng cách khai thác các nguồn tài liệu do thầy chỉ dẫn, rồi hình thành nếp tự tìm hiểu, suy nghĩ, tự khai thác kiến thức. Đến khi nào nhuyễn việc tự học, các em sẽ chuyển sang nghiên cứu.

Trong Đề án có nội dung về mục tiêu giáo dục quan tâm đến tính cá nhân làm một số người cảm thấy lo lắng. Họ sợ giống như ở nước này nước khác, giới trẻ lạnh lùng, vô cảm, nặng về chủ nghĩa cá nhân… Bộ trưởng nghĩ sao về điều này?

Đổi mới lần này là căn bản, toàn diện nhưng không có nghĩa là xóa sạch đi, làm mới hoàn toàn. Những thành tựu giáo dục đã có, những giá trị tốt đẹp về văn hóa, lịch sử dân tộc, truyền thống giáo dục cách mạng nước nhà cần phải được giữ gìn. Nhưng cũng có những điều ta phải cập nhật và nhiều cái chúng ta phải trở lại như bình thường, đúng với sự phát triển khoa học của thế giới.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT

Phạm Vũ Luận

- Mục tiêu giáo dục của chúng ta hiện nay là đào tạo ra con người Việt Nam mới có Đức - Trí - Thể - Mỹ, vừa hồng vừa chuyên. Nền giáo dục cách mạng của chúng ta ra đời và trong một thời gian dài phát triển trong chiến tranh, khi  cả dân tộc phải gồng lên để chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do và thống nhất đất nước. Trong hoàn cảnh đó, con người với những phẩm chất đáp ứng sự nghiệp cách mạng được nhấn rất mạnh. Mục tiêu đó là rất đúng và cần duy trì, tiếp tục.

Nhưng khi đất nước đã hòa bình thì con người cá nhân cũng cần được chú ý. Đây không phải là cá nhân chủ nghĩa, mà là con người được chuẩn bị những kỹ năng để tổ chức cuộc sống một cách hài hòa: Hài hòa trong gia đình, hài hòa trong xã hội, không ích kỷ, biết chia sẻ với người khác… Đó là những con người không chỉ phục vụ đất nước mà còn biết tổ chức cuộc sống gia đình, cuộc sống cá nhân lành mạnh, trong sáng; từng cá nhân được tôn trọng và phát triển hài hòa trong tập thể và cộng đồng. Lúc đó mới có được cộng đồng, xã hội ổn định.

Đây không phải là thay đổi mục tiêu mà là bổ sung, điều chỉnh mục tiêu cho phù hợp và hài hòa với thành tựu, kết quả khoa học giáo dục và điều kiện mới của đất nước.

Đoàn tàu Giáo dục đang chạy, cua gấp có thể xảy ra tai nạn 

Thưa Bộ trưởng, nhiều người khi nghe về Đề án cứ nghĩ rằng đó là một cuộc cải cách giáo dục. Mà nhắc đến cải cách giáo dục nghe thì vừa quen tai, lại nghĩ đến chuyện khó thành công. Nhưng dường như ý nghĩa của Đề án lớn hơn thế rất nhiều. Bộ trưởng có thể nói rõ hơn về điều này?

- Đổi mới căn bản và toàn diện không phải do Bộ GD&ĐT đề xuất. Đây là điều đã được ghi trong Nghị quyết của Đại hội Đảng XI. Tôi vẫn nói với anh em rằng, thay đổi căn bản, toàn diện là thay đổi rất sâu sắc, quyết liệt, nhưng lại không được đột ngột.

Giống như đoàn tàu khổng lồ mà hành khách là hơn 20 triệu học sinh, hơn 2 triệu thầy cô giáo, nếu lái không khéo mà tăng tốc đột ngột hay vào cua gấp là dễ xảy ra tai nạn. Nên đổi mới một cách sâu sắc, toàn diện nhưng lại phải diễn ra đúng quy trình, không gây sốc. Đó mới là điều khó.

Cần phải có một kế hoạch cụ thể chi tiết, khoa học và thực tế để có thể hành động một cách thông minh và hiệu quả, để cái mới, cái tiến bộ từng ngày xuất hiện, tạo nên sự thay đổi căn bản và toàn diện của mỗi thầy cô giáo và học sinh, mỗi nhà trường và toàn ngành Giáo dục. Ở đây vừa nói đến sự kiên trì, bình tĩnh, vừa nói đến tính kế hoạch. Và luôn nhớ đoàn tàu này đang chạy, không dừng lại được. Vừa chạy vừa thay đổi.

Hiện vẫn đang có tranh luận về việc bỏ thi tốt nghiệp THPT, rồi bỏ thi ĐH. Với Đề án này, kế hoạch của Bộ GD&ĐT là như thế nào?

- Đó là vấn đề lớn, hệ trọng và liên quan đến mọi người, không chỉ ngày hôm nay đâu, mà còn liên quan đến nhiều năm sau. Vậy nên mọi người trong xã hội sẽ thảo luận rộng rãi sau khi đã được chuẩn bị kỹ, thống nhất về tiêu chí.

Nhưng tôi khẳng định: Dứt khoát cách thi - bao gồm cả thi tuyển sinh - sẽ thay đổi. Vì khi đã thay đổi cách học, thay đổi mục tiêu mà không thay đổi cách kiểm tra đánh giá, cách thi thì sẽ khập khiễng. Hiện nay, việc dạy đang nặng về truyền thụ kiến thức, nên thi cử là để kiểm tra kiến thức học sinh hấp thụ được. Còn sắp tới chú trọng việc hình thành phát triển phẩm chất và năng lực, đòi hỏi phải có một cách thi, đánh giá về kỹ năng và năng lực, chứ không phải chỉ đánh giá về kiến thức như bây giờ.

Xin cảm ơn Bộ trưởng về cuộc trò chuyện!

“Lợi ích của học sinh phải đặt lên hàng đầu”

Thưa Bộ trưởng, lúc này lo lắng nhất của ông với việc thực hiện Đề án là gì?

- Sự đồng thuận. Tôi thấy rằng tất cả các cuộc cải cách trên thế giới này cần nhất chính là sự đồng thuận. Đây là một trong những yếu tố quan trọng nhất đảm bảo sự thành công.

Có nhà quản lý, khi khó có thể đạt được sự đồng thuận cao đã quyết liệt đặt vất đề: Ai không đồng thuận thì đứng sang một bên, để chúng tôi làm… Là Tổng công trình sư của Đề án, ông có ủng hộ cách làm này?

- Tôi rất cần sự chia sẻ, sự tin tưởng. Bước vào một trận đánh lớn, từ vị tướng đến người lính đều phải tin vào chiến thắng, sẵn sàng hy sinh nếu cần thiết. Tôi không thiếu sự quyết liệt. Khi  quyết định cho áp dụng công nghệ giáo dục vào việc dạy Tiếng Việt lớp 1 tôi đã rất kiên quyết. Nhưng trước khi quyết định triển khai tôi cũng đã tự mình đi thực tế, tham khảo, tư vấn ý kiến nhiều người.

Ông lo lắng nhất là sự đồng thuận, và đằng sau đó là sự tin tưởng, chia sẻ của xã hội, của người dân. Liệu điều đó lúc này có khó không khi gần đây nhắc đến giáo dục, xã hội còn nhiều bức xúc, băn khoăn?

- Tôi cho rằng để được tin hay không không phải phụ thuộc vào xã hội, mà phụ thuộc vào mình, vào tôi, vào anh em ở Bộ, ở toàn Ngành. Tôi cho rằng khó, nhưng cần kiên trì từng bước một. Cần tránh sự trì trệ, không hành động gì cả, hoặc hành động thiếu tính toán , vội vàng hấp tấp. Làm sao vừa bình tĩnh, vừa khẩn trương tổ chức hành động và chứng minh  bằng kết quả thực tế. 

Nghe ông nói về Đề án, về tầm quan trọng, về những khó khăn đã, đang và sẽ gặp, về những áp lực của cá nhân, về sự lo lắng chung… mạo muội hỏi ông rằng: Ông có đang đánh cược sinh mạng chính trị cho Đề án đổi mới căn bản và toàn diện GD – ĐT không?

- Như tôi nói ban đầu, đây không phải là Đề án riêng của tôi. Sản phẩm trình lên Ban Chấp hành T.Ư Đảng là kết tinh trí tuệ của tập thể, là ý Đảng, lòng dân. Khi chúng tôi đề xuất lên thì mong được thông qua vì tin rằng đó là những điều đúng đắn. Tất nhiên, trong quá trình triển khai sẽ có những bổ sung, điều chỉnh, cập nhật. Nhưng chúng tôi tin rằng, những rủi ro lớn đã được tính toán, lường trước.

Tôi không có điều gì day dứt hay căng thẳng đến mức suy nghĩ rằng mình phải đánh cược. Nhớ lại thời điểm quyết định về áp dụng công nghệ giáo dục cũng có rất nhiều gay go, nhưng tôi cũng thấy thanh thản.

Hay như quyết định cho thí sinh mang thiết bị thu hình thu tiếng (mà không có chức năng phát hình phát tiếng) vào phòng thi. Khi đó nhiều người không tin, phản đối, cũng căng như dây đàn nhưng tôi vẫn quyết làm. Vì tôi nghĩ điều đó có lợi, có ích và nhân dân sẽ hiểu, sẽ đồng tình. Tôi luôn tâm niệm làm điều gì cũng đặt lợi ích chung, mà trước hết là lợi ích của học sinh lên hàng đầu.

 Gia Hân

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ