Tôn trọng quyền tự chủ của con

GD&TĐ - Có không ít bậc cha mẹ cho rằng mình đã sinh ra con thì có quyền can thiệp mọi hoạt động trong cuộc sống của trẻ; trẻ hầu như không có một chút quyền tự chủ nào. Suy nghĩ phiến diện này đã làm tăng thêm áp lực và kìm hãm sự phát triển tâm lý của trẻ.

Muốn trẻ tự chủ, cha mẹ phải chủ động hướng dẫn cách để con tự làm việc
Muốn trẻ tự chủ, cha mẹ phải chủ động hướng dẫn cách để con tự làm việc

Chọn nghề thay con

Nhiều cha mẹ nghĩ, con mình do mình sinh ra vì thế có toàn quyền quyết định. Chẳng hạn như cha mẹ vô tư đọc nhật ký của con, tự ý cho người khác những món đồ thuộc quyền sở hữu của con, cấm con chơi với bạn nọ bạn kia, và đôi khi quyết định cả việc con phải chọn ngành nghề nào mà bố mẹ muốn.

Sự áp đặt của cha mẹ chẳng những khiến trẻ không phát hiện được sở thích thực sự, mà còn có thể bào mòn sự tự tin của chúng. Theo các chuyên gia, trẻ có quyền tự chủ thấp thường khó giữ được sự cân bằng trong cảm xúc. Chẳng hạn, nếu các em đánh đàn mà không sai một nốt nhạc nào, chúng sẽ cảm thấy cực kỳ vui sướng. Nhưng trong trường hợp các em đánh sai hoặc bỏ sót một nốt nhạc, chúng rất dễ rơi vào trạng thái chán nản.

Trường hợp cháu tôi vừa bước qua Kỳ thi THPT quốc gia, cháu có năng khiếu về ngoại ngữ nhưng bố mẹ lại muốn cháu học kinh tế. Cháu chia sẻ với tôi, rằng học ngành mình không thích thì chẳng khác nào bị “ép duyên”. Hơn nữa, cháu bộc bạch rằng bản thân không thích theo ngành kinh doanh vì không có năng khiếu về thương trường, ham làm giàu.

Tôi hiểu nỗi niềm của cháu và có trò chuyện với anh chị tôi, nhưng họ khăng khăng theo ý của mình. Tôi nghĩ, nếu anh chị tôi vẫn áp đặt nghề nghiệp con cái theo ý mình, họ đã cắt đi niềm đam mê đeo đuổi tương lai nghề nghiệp của con.

Cần phát huy  tiềm năng của trẻ

Chia sẻ về điều này, ThS tâm lý Phan Thị Lan Phương, Phó Trưởng khoa Sư phạm, Trường CĐ Cần Thơ cho biết, theo khảo sát cho thấy, có nhiều sinh viên bị ép thi ngành mình không thích đều học tập với kết quả không tốt, thậm chí nhiều em chấp nhận nghỉ học để thi lại vào trường mình thích. Như thế sẽ dẫn đến tốn kém thời gian, công sức.

Trẻ tuy nhỏ nhưng cũng là một cá thể độc lập, cũng có quyền thể hiện quan điểm của mình. Điều đó có nghĩa là trẻ có quyền quyết định muốn làm gì và làm như thế nào, cha mẹ nên tôn trọng chính kiến của trẻ.

Theo ThS tâm lý Phan Thị Lan Phương, cha mẹ cần hình thành một không khí dân chủ, bình đẳng trong gia đình, làm bạn và ghi nhận ý kiến của con đúng lúc, luôn tạo điều kiện phát huy tiềm năng của con. Một nghề nghiệp tốt là một nghề mang lại cho con niềm đam mê và hạnh phúc được sống với nó.

Giống như một người thợ khi làm xong một sản phẩm hoàn hảo, anh ta hài lòng với bản thân mình, kiêu hãnh khi ngắm nghía sản phẩm đó. Một nghề nghiệp tốt là khi ta có thể thức khuya, dậy sớm vì nó, trăn trở vì nó, vui buồn vì nó.

Con đường đi đến thành công còn nhiều chông gai, nhưng đam mê và cố gắng sẽ mang lại thành công. Cha mẹ hãy đồng hành và luôn động viên con. Chỉ cần con theo nghề phù hợp, con sẽ thành đạt và hài lòng với cuộc sống.

Cha mẹ yêu thương và lo lắng cho nghề nghiệp tương lai của các con là một điều đúng đắn. Tuy nhiên, cha mẹ nên là người hỗ trợ, ủng hộ, tôn trọng các quyết định của con hơn là đưa ra quyết định chọn nghề thay con. Cần có một định hướng đúng dành cho con dựa trên mong muốn, niềm đam mê và thế mạnh của các em. Đừng bắt ép các em làm điều mình muốn mà bản thân các em không hề muốn làm công việc ấy.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ