Nhiều vụ việc phạm tội với quy mô lớn, thủ đoạn và tính chất đặc biệt nghiêm trọng của các nhóm tội phạm người Trung Quốc thời gian qua nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận.
Dư luận từng bức xúc trước vụ việc có đến 380 người Trung Quốc hoạt động phạm tội sử dụng công nghệ cao tại TP Hải Phòng trong thời gian dài nhưng đến ngày 27/7 mới bị xử lý. Trong khi đó, ngày 6/8, Các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an phối hợp với Công an tỉnh Kom Tum, Bình Dương, Bình Định, Ninh Thuận, TPHCM và lực lượng Biên Phòng vừa phát hiện, bắt giữ một 1 đường dây sản xuất ma túy cực lớn trên địa bàn huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum dưới vỏ bọc là một nhà máy và bắt giữ 7 tên tội phạm quốc tịch Trung Quốc.
Video: Cảnh sát trắng đêm dẫn độ hơn 380 nghi phạm từ ‘sào huyệt’ cờ bạc ở Hải Phòng trao trả Trung Quốc
Chưa dừng ở đó, sau đó không lâu, Bộ Công an đã bắt giữ nhiều người Trung Quốc tại 2 địa điểm sản xuất ma túy lớn tại Bình Định (11/9).
Tội phạm Trung Quốc không chỉ mở xưởng sản ma túy, cờ bạc mà chúng còn sang Việt Nam lập cơ sở sản xuất phim đồi trụy, hoạt động tín dụng đen, làm giả thẻ ATM...
Các ổ nhóm này hoạt động với số lượng lớn dưới "vỏ bọc" doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, khách du lịch nhưng lại tạo nên những “căn cứ bất khả xâm phạm” hoạt động phi pháp trong một thời gian dài khiến cơ quan chức năng khó xử lý.
Lợi dụng toàn cầu hoá, tràn sang Việt Nam phạm tội
Trả lời VTC News, PGS.TS, Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Bộ Công an cho rằng, chính xu thế quốc tế hóa, toàn cầu hóa đang tạo ra nhiều điều kiện thuận lợi cho các đối tượng thực hiện các hành vi phạm tội.
Theo Thiếu tướng Lê Văn Cương, hội nhập quốc tế càng sâu thì loại tội phạm xuyên quốc gia càng có điều kiện phát triển. Đây là bức tranh chung của thời đại toàn cầu hóa, cách mạng 4.0. Toàn cầu hóa tội phạm diễn ra đồng thời với toàn cầu hóa kinh tế, tội phạm không chỉ có ở Việt Nam mà xuyên quốc gia, có tính toàn cầu.
“Bối cảnh toàn cầu hóa tạo điều kiện thuận lợi về mặt thủ tục, cơ chế thông thoáng cho cá nhân, tổ chức người nước ngoài nói chung và người Trung Quốc nói riêng sang Việt Nam làm ăn, du lịch. Lợi dụng điều này, nhiều đối tượng đã tìm cách trà trộn, nhập cảnh vào Việt Nam để thực hiện các hành vi phạm tội”, Thiếu tướng Lê Văn Cương nói.
Đồng quan điểm, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng (Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội) cho hay, tội phạm có yếu tố nước ngoài ở Việt Nam diễn biến phức tạp do những chính sách về thu hút đầu tư, mở cửa phát triển kinh tế, du lịch…
Các đối tượng tội phạm người nước ngoài lợi dụng điều đó, khai thác kẽ hở pháp luật để hoạt động tội phạm trên lãnh thổ nước ta.
Công tác quản lý Nhà nước yếu kém, lỏng lẻo như hiện nay thì không chỉ có người Trung Quốc mà ngày mai cũng có thể người Thái Lan, người Campuchia, người Lào, người Đài Loan… sẽ vào Việt Nam để hoạt động tội phạm.
“Đây là xu thế chúng ta có thể nhận thấy được. Hoạt động tội phạm có tính quy luật, theo lĩnh vực, địa bàn, có những mánh khóe, thủ thuật đặc trưng với tính chất ngày càng nguy hiểm, âm mưu, thủ đoạn tinh vi, phạm vi, quy mô, địa bàn rộng.
Do đó, đặt ra yêu cầu trong công tác phòng chống tội phạm của chúng ta phải có chính sách phù hợp, phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm trong tình hình hiện nay”, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng cho hay.
Quản lý Nhà nước yếu kém
Nói về nguyên nhân tội phạm đối tượng người Trung Quốc hoành hành, chà đạp lên pháp luật Việt Nam thời gian qua, Thiếu tướng Lê Văn Cương chỉ rõ nguyên nhân chủ yếu là xuất phát từ công tác quản lý Nhà nước còn nhiều yếu kém, nhiều sơ hở, thiếu sót trong quản lý kinh tế, xã hội, làm không đến nơi, đến chốn.
“Việc có đến 380 người Trung Quốc sang sinh sống, tổ chức vận hành đường dây đánh bạc trong một thời gian dài, tuy nhiên, Chủ tịch phường, quận không biết. Điều này cho thấy sự lỏng lẻo trong công tác quản lý người nước ngoài của chúng ta”, chuyên gia Lê Văn Cương phân tích.
Việt Nam hiện có rất nhiều văn bản liên quan đến công tác quản lý người nước ngoài nhưng không rõ ràng, thiếu chặt chẽ.
Một người nước ngoài xuất hiện trách nhiệm trên lãnh thổ Việt Nam về văn bản giấy tờ có từ 3 đến 4 cơ quan quản lý nhưng trên thực tế không ai quản lý cả, đùn đẩy trách nhiệm cho nhau.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Thanh Hồng cũng nhấn mạnh, trong thực thi các quy định của pháp luật, các cơ quan quản lý Nhà nước, nhất là lực lượng đấu tranh phòng chống tội phạm chưa kịp thời phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh với tội phạm. Điều này một phần là do lực lượng ở một số nơi chưa đáp ứng yêu cầu đấu tranh với các loại tội phạm.
Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng chỉ ra rằng, cơ chế phối hợp giữa cơ quan quản lý, và chính quyền địa phương trong quản lý người nước ngoài chưa tốt, chưa chặt chẽ.
“Có thể thấy cơ chế phối kết hợp để quản lý hoạt động người nước ngoài ở Việt Nam nói chung và gắn với đấu tranh phòng, chống tội phạm nói riêng chưa kịp thời. Nhiều vụ việc chậm phát hiện, có những vụ khi phát hiện rồi lại không xác định rõ trách nhiệm cơ quan quản lý Nhà nước, xã hội cũng như trách nhiệm của chính quyền, địa phương”, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Hồng nói.
Theo ông Nguyễn Thanh Hồng, chính sách thu hút đầu tư, tạo điều kiện cho người nước ngoài vào Việt Nam kinh doanh, du lịch là rất đúng đắn. Tuy nhiên, khả năng, trình độ quản lý của chúng ta chưa theo kịp, không quản lý được các đối tượng này, để cho chúng lộng hành, hoạt động.
Ông Hồng cũng đưa ra cảnh báo rằng, những hoạt động tội phạm như vừa qua của đối tượng người Trung Quốc là nguy cơ tiềm ẩn đối với an ninh quốc gia.
Với phương thức hoạt động như hiện nay, tội phạm ma túy đang coi Việt Nam làm địa bàn trung chuyển ma túy sang các nước khác. Điều này, ảnh hưởng xấu đến hình ảnh, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
“Hơn nữa, vấn đề liên quan đến tội phạm người Trung Quốc rất nhạy cảm trong bối cảnh hiện nay, dễ nảy sinh phản ứng người dân đối với các vấn đề chủ quyền ở Biển Đông. Chúng ta cần giải quyết triệt để, không xử lý khéo léo sẽ bị các thế lực thù địch lợi dụng để tuyên truyền, kích động, xuyên tạc gây bất ổn về an ninh trật tự”, đại biểu Hồng nói.
Trong khi đó, Thiếu tướng Lê Văn Cương nhấn mạnh, công tác quản lý người nước ngoài ở nước ta lỏng lẻo như hiện nay thì không chỉ người Trung Quốc mà có thể có cả người Thái Lan, người Campuchia, người Lào, người Đài Loan… vào Việt Nam phạm tội.
“Đây là nhân tố tác động rất lớn đến an ninh quốc phòng. Đất nước để cho người nước ngoài lũng đoạn như vậy thì rất nguy hiểm. Chủ quyền mất từng bộ phận khi để người nước thao túng, biến các vùng lãnh thổ thành nơi hoạt động của tội phạm người nước ngoài”, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược Bộ Công an cho hay.
Hàng loạt băng nhóm tội phạm Trung Quốc lộng hành ở Việt Nam thời gian qua khiến dư luận bức xúc.
Chính quyền địa phương không thể vô can
Hiến kế cho việc ngăn chặn tình trạng phạm tội của người nước ngoài nói chung và người Trung Quốc nói riêng trên lãnh thổ Việt Nam, Thiếu tướng Lê Văn Cương cho rằng, các cơ quan chức năng, có liên quan trong công tác này như Bộ Công thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Nội vụ, Bộ Công an cần ngồi lại cùng nhau, xác định xem sơ hở, thiếu sót nằm ở đâu, cần sửa đổi cái gì, giải pháp như thế nào?
“Việt Nam có rất nhiều văn bản liên quan đến người nước ngoài nhưng không rõ ràng, chặt chẽ. Do đó, cần rà soát, đánh giá lại các văn bản đó. Đặc biệt, các quy định trong vấn đề này cần quy trách nhiệm cụ thể cho người được trao quyền, cấp phép cho người nước ngoài vào Việt Nam. Người được trao quyền phải chịu trách nhiệm đến cùng, trước nhân dân, trước Nhà nước.
Không chặt chẽ về pháp luật, không ai chịu trách nhiệm trước Nhà nước, trước người dân, phải quy định trách nhiệm cụ thể. Nền hành chính các nước hiện đại, một việc một cơ quan chịu trách nhiệm. Nền quản lý Nhà nước của ta rất lạc hậu, vì thế mới xuất hiện các cấp, các ngành. Ở Hàn Quốc, một cái cầu sập thì Bộ trường Giao thông từ chức.
Bắt đầu từ luật theo hướng Nhà nước pháp quyền, xác định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân đối với từng phần việc một, trong trường hợp này đó là trách nhiệm tổ chức cá nhân đối với người nước ngoài”, Thiếu tướng Lê Văn Cương khuyến nghị.
Vị chuyên gia này cũng nhấn mạnh rằng, Việt Nam không quy định trách nhiệm cụ thể nên mới để xảy ra trường hợp Chủ tịch phường, xã, hay huyện, quận vô can trong các vụ việc người nước ngoài phạm tội trên địa bàn mình quản lý. Trong khi đó, lẽ ra họ phải là những người chịu trách nhiệm chính vì diễn ra ngay trên địa bàn họ quản lý.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội Nguyễn Thanh Hồng thông tin, trước mắt Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi Luật về nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh và cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Một mặt tạo điều kiện cho cơ quan, tổ chức, cá nhân nhập cảnh vào hoạt động tại Việt Nam, mặt khác quy định cư trú gắn với đi lại của người nước ngoài ở Việt Nam, tránh để xảy ra sự việc như vừa xảy ra ở Hải Phòng và một số địa phương khác.
Theo ông Hồng, trong chính sách thu hút người đầu tư, Việt Nam phải có các quy định để xử lý tình trạng đầu tư núp bóng, tránh tình trạng thành lập các công ty, văn phòng đại diện, chi nhánh người nước ngoài ở Việt Nam để làm bình phong hoạt động tội phạm.
“Vừa qua, các đối tượng phạm tội người nước ngoài đã lợi dụng chính sách của chúng ta trong việc thành lập cơ quan, văn phòng đại diện để xuất nhập khẩu hàng hóa, thực hiện tội phạm. Chúng ta chưa có cơ chế quản lý chặt chẽ trong vấn đề này”, vị đại biểu này nhấn mạnh.
Theo Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng, chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước ta là nhất quán và ngay cả Hiến pháp cũng quy định rất rõ, phát triển kinh tế phải gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh, xử lý hài hòa mối quan hệ đó.
Tuy nhiên, trên thực tế trong thời gian qua, một số địa phương, cơ quan chưa quan tâm đến tác động của thu hút đầu tư đến quốc phòng, an ninh. Vì vậy, một số loại tội phạm lợi dụng thực hiện chính sách của chúng ta có những hành vi, việc làm phạm pháp.
“Trong thu hút đầu tư phải đánh giá tác động đến quốc phòng, an ninh, xem đây là yêu cầu bắt buộc. Không thu hút đầu tư bằng mọi giá, thu hút đầu tư có lựa chọn, chọn đối tác làm ăn có uy tín, có thương hiệu”, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng nói.