"Tôi muốn nghe ý kiến, sự tâm đắc và những trở ngại các thầy cô gặp phải"

GD&TĐ - Ngày 18/3, đoàn công tác của Bộ GD&ĐT do Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với huyện Bình Chánh, TP.HCM về việc triển khai thực hiện chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ thăm và dự giờ tại Trường Tiểu học Phong Phú 2, huyện Bình Chánh, TP.HCM.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ thăm và dự giờ tại Trường Tiểu học Phong Phú 2, huyện Bình Chánh, TP.HCM.

Đi cùng đoàn có ông Nguyễn Xuân Thành-Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, ông Thái Văn Tài- Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD-ĐT) và các chuyên viên của hai vụ.

Về phía Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh có sự tham dự của ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở, cùng đại diện các phòng chuyên môn của Sở.

Lãnh đạo UBND huyện Bình Chánh, phòng GD-ĐT và hiệu trưởng 37 trường tiểu học, 18 trường THCS trên địa bàn cùng tham dự.

Trước buổi làm việc, đoàn công tác của Bộ GD-ĐT đã thăm và dự giờ ở Trường Tiểu học Phong Phú 2 và Trường THCS Phong Phú.

Tiết học Toán của cô và trò lớp 1/6 Trường TH Phong Phú 2
Tiết học Toán của cô và trò lớp 1/6 Trường TH Phong Phú 2

Sau khi dự giờ môn Toán của lớp 1/6 do cô giáo Võ Thị Thu Hồng phụ trách với bài học “Bảng các số từ 1 đến 100 (tiết 3)”, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đánh giá, giáo viên và học sinh đã bắt nhịp được chương trình mới. Tiết học được tổ chức với nhiều hoạt động, tạo được hứng thú cho học sinh.

Báo cáo tại buổi làm việc, ông Nguyễn Trí Dũng, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Bình Chánh cho biết, hàng năm tỷ lệ dân số tăng cơ học toàn huyện khá cao (13,66%) dẫn đến tổng số học sinh tăng thêm ở các cấp học, bậc học trên 4.000 học sinh.

Do đó, sĩ số học sinh/lớp, số lớp/trường còn khá cao so với quy định, tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày còn thấp ở cấp tiểu học và THCS.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ trò chuyện, đặt một câu hỏi nhỏ cho học sinh sau tiết dự giờ môn Toán
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ trò chuyện, đặt một câu hỏi nhỏ cho học sinh sau tiết dự giờ môn Toán

Đặc biệt,  hai xã Vĩnh Lộc A (dân số trên 140.000 người), Vĩnh Lộc B (dân số trên 130.000 người) gặp khó khăn về giải quyết chỗ học cho người dân. Hàng năm, địa phương đều có kế hoạch quy hoạch trường, lớp nhưng vẫn còn tình trạng thiếu chỗ học, học sinh chưa được học 2 buổi/ngày ở các khu vực này.

Trong năm học 2020-2021, toàn huyện có 1.320 lớp với 47.903 học sinh (tỷ lệ 36,3 học sinh/lớp) ở bậc tiểu học. Trong đó, khối 1 có 207/295 lớp với 7.174/10.436 học sinh toàn huyện được học 2 buổi/ngày (đạt tỷ lệ 70,2%).

Tính đến tháng 3-2021, huyện Bình Chánh còn 7 trường tiểu học tổ chức dạy học trên 5 buổi/tuần do không đủ phòng học vì dân số tăng cơ học nhanh, tập trung chủ yếu ở các xã Phạm Văn Hai, Vĩnh Lộc A và Vĩnh Lộc B.

Về đội ngũ giáo viên thực hiện chương trình, SGK lớp 1, lãnh đạo phòng GD-ĐT huyện Bình Chánh cho biết, công tác tuyển dụng giáo viên tiếng Anh gặp nhiều khó khăn do không có giáo viên tham gia ứng tuyển hoặc bỏ nhiệm sở sau một thời gian công tác.

Năm học 2020-2021, toàn huyện còn thiếu 42 giáo viên tiếng Anh và 17 giáo viên Tin học cấp tiểu học, 17 giáo viên tiếng Anh cấp THCS.

Tới đây, để tiếp tục triển khai chương trình GDPT 2018 đối với lớp 2 và lớp 6, địa phương sẽ đưa vào sử dụng 1 trường tiểu học mới, chỉ đạo các trường tiếp tục rà soát, tuyển dụng bổ sung, bố trí sử dụng đội ngũ giáo viên lớp 1, 2 đáp ứng yêu cầu thực hiện chương trình GDPT 2018.   

Sau khi nghe báo cáo của lãnh đạo phòng GD-ĐT huyện Bình Chánh, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ bày tỏ mong muốn được lắng nghe những ý kiến của lãnh đạo các trường tiểu học trong quá trình triển khai thực hiện chương trình mới về những điều tâm đắc, những trở ngại hay về vấn đề  lựa chọn SGK, chuẩn bị về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, quản trị nhà trường... 

Bên cạnh đó là ý kiến của hiệu trưởng các trường THCS về công tác chuẩn bị để sẵn sàng thực hiện chương trình GDPT 2018 ở lớp 6 trong năm học tới.

Cô Nguyễn Thị Thu, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Vĩnh Lộc 2 trao đổi ý kiến với đoàn công tác
Cô Nguyễn Thị Thu, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Vĩnh Lộc 2 trao đổi ý kiến với đoàn công tác 

Phát biểu tại buổi làm việc, cô Nguyễn Thị Thu, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Vĩnh Lộc 2 (xã Vĩnh Lộc A) cho biết, do khó khăn về giải quyết chỗ học nên trường phải tổ chức dạy học cả vào thứ bảy, dạy học 1 buổi/ngày cũng gặp những trở ngại nhất định trong tổ chức hoạt động.

Chia sẻ về kinh nghiệm triển khai chương trình GDPT 2018 đối với lớp 1, thầy Dương Quang Anh Vũ, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tân Nhựt 6 cho biết, nhà trường đã chủ động linh hoạt trong quá trình dạy học, không để học sinh học quá nhiều âm, vần trong một tuần, ngoài ra phân nhóm trình độ học sinh, dạy học theo phân hóa đối tượng, không đặt ra yêu cầu cần đạt chung đối với tất cả học sinh trong lớp.

Ngay thời gian đầu triển khai, trường đã lắng nghe, khảo sát ý kiến phụ huynh và giải đáp, trao đổi để phụ huynh hiểu rõ. Đồng thời nắm tình hình tiếp thu bài của học sinh để có những hướng khắc phục rất cụ thể.

Cô Trang Phạm Vũ Hạ, giáo viên chủ nhiệm lớp 1/3, Trường Tiểu học Phong Phú 2 chia sẻ, qua hơn một học kỳ triển khai chương trình mới, thực tế cho thấy so với chương trình cũ, học sinh  hoàn thiện các kỹ năng đặt câu, hiểu biết về cấu tạo số tốt hơn. Với học sinh chậm tiếp thu, nhà trường có thống kê và kế hoạch phụ đạo phù hợp.

Trao đổi với đoàn công tác về việc chuẩn bị triển khai thực hiện chương trình mới ở khối lớp 6 trong năm học tới, thầy Võ Thanh Nhàn, Hiệu trưởng Trường THCS Phong Phú cho biết, trường đã cử các giáo viên tham gia đầy đủ các khoá  bồi dưỡng, tập huấn dành cho cán bộ, giáo viên, hướng dẫn dạy các môn học ở chương trình lớp 6 theo quy định.

Cử  giáo viên những bộ môn Lý, Hoá, Sinh, Sử, Địa tham gia bồi dưỡng để giảng dạy tích hợp, để đảm bảo làm sao giáo viên có thể dạy được các môn KHTN và ở các môn Địa, Sử cũng tương tự.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ phát biểu tại buổi làm việc
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ phát biểu tại buổi làm việc

Hiện nhà trường cũng đã có dự thảo kế hoạch GD và phân công đội ngũ giáo viên lớp 6 cho 2021-2022. Thuận lợi của trường là đảm bảo việc dạy học 2 buổi/ngày, đầy đủ các phòng học bộ môn, đủ giáo viên theo quy định. 

Ngoài ra, trường cũng đã hoàn tất việc đề xuất lựa chọn SGK và gửi lên Phòng GD-ĐT. Điều nhà trường mong muốn là Bộ, Sở sẽ có những hướng dẫn cụ thể về bố trí sắp xếp giáo viên dạy tài liệu GD địa phương, hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp.

Sau khi lắng nghe những ý kiến trao đổi của các hiệu trưởng, đoàn công tác của Bộ có những giải đáp, trao đổi cụ thể liên quan đến việc triển khai chương trình GDPT 2018. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.