Tôi muốn hồi sinh cuộc hôn nhân 10 năm lạnh nhạt

GD&TĐ - Tôi không chắc mình nên cảm thấy thế nào về những điều đã xảy ra giữa tôi và anh. Tôi bị xoay chuyển giữa cảm giác bối rối, tức giận, đau khổ, buồn bã, thất vọng, khó chịu, xấu hổ và chán nản. 

Tôi muốn hồi sinh cuộc hôn nhân 10 năm lạnh nhạt

Cả hai chúng tôi đều gần ở độ tuổi 40, kết hôn được 14 năm, nhưng ghẻ lạnh nhau đến 10 năm. Tôi hoàn toàn kiệt sức vì điều này. Tôi không biết liệu mình có còn yêu anh nữa hay không. Tôi cũng không rõ tình cảm của anh thế nào dù vài lần anh vẫn khẳng định rằng anh còn yêu tôi. 

Nhưng sau đó anh lại nói chuyện với tôi với vẻ lạnh nhạt và coi thường khiến tôi cảm thấy bối rối. Tôi không hiểu tại sao chúng tôi vẫn ở bên nhau. Tôi nghĩ anh ít nhiều cũng cảm thấy giống như tôi. Đôi khi, tôi nghĩ ly hôn sẽ là một giải pháp đúng đắn, nhưng khi nhìn các con, tôi lại thấy một tia hy vọng. Đó là lý do tôi cố gắng bám víu vào cuộc hôn nhân này. 

Anh không phải người xấu. Phần lớn cơn tức giận của tôi là do anh không chịu đồng cảm, lắng nghe để thấu hiểu tôi. Tôi muốn anh ở bên cạnh để chia sẻ thế giới của anh với tôi. Nhưng cuộc sống hiện tại làm tôi thấy mình và anh như 2 đường thẳng song song. Mối quan hệ của chúng tôi có vấn đề nghiêm trọng nhưng hình anh từ chối thừa nhận điều đó. 

Gần đây, trong một cuộc tranh cãi, anh đã buột miệng: “Em có biết em hay phán xét như thế nào không? Chính em đang tự phá hoại mối quan hệ của mình với mọi người và bây giờ là với anh”. Tôi hoang mang, không thể nói được gì. Sau đó, tôi đã tự kiểm điểm bản thân xem nhận định của anh về tôi có chính xác hay không. Cuối cùng, tôi không nhận mình là người hay phán xét như anh mô tả. Tôi khẳng định, vấn đề không phải do tôi mà do anh.

Anh không chia sẻ đủ suy nghĩ và cảm xúc để tôi thấy mình có sự kết nối với anh. Tôi và anh đều muốn đối phương thay đổi, nhưng có vẻ như cả hai chúng tôi đều không thể đáp ứng các tiêu chí của người kia để cải thiện mối quan hệ. Tôi biết, thực hiện những thay đổi cần thiết là một việc khó khăn. Chẳng còn cách nào khác, tôi đành sử dụng một biện pháp cuối cùng: ngừng tranh cãi và chờ đợi anh có động thái đầu tiên.

Tôi không cần một người chồng hoàn hảo mà chỉ muốn được ở cạnh một người bạn tri kỷ. Hy vọng duy nhất của tôi lúc này là anh cũng đang tìm kiếm điều tương tự, mặc dù qua một lăng kính hơi khác. Tôi nghĩ hầu hết mọi người đều muốn cảm thấy được hỗ trợ, yêu thương, chăm sóc và quan trọng đối với nửa kia của mình. Điều tưởng như đơn giản mà đã không xảy ra với chúng tôi trong 10 năm. Phương tiện giao tiếp mà chúng tôi đã sử dụng chỉ là đổ lỗi và trách mắng nhau.

Vài tuần im lặng của tôi cũng có tác dụng. Dường như anh đã cảm nhận được thông điệp của tôi. Một buổi tối, anh bất ngờ trò chuyện với tôi bằng thái độ điềm tĩnh mà hiếm khi tôi thấy ở anh trong nhiều năm qua: “Dù đôi khi em hay chỉ trích anh, nhưng có lẽ anh cũng hơi quá đáng với em...”. 

Nhận thấy tình hình có vẻ tốt lên, tôi tranh thủ bày tỏ: “Em không sao, chỉ là em cũng đang khao khát được anh quan tâm và chia sẻ. Em nghĩ, cả em và anh đều đang chờ đợi đối phương thực hiện động thái đầu tiên. Và hình như điều đó đã xảy ra rồi...”.

Sau cuộc trò chuyện ấy, tôi có thêm cơ sở để hy vọng vào cuộc hôn nhân của chúng tôi. 10 năm qua thật tồi tệ, tôi không thể quên những gì mình đã phải chịu đựng, đặc biệt là khi tôi thấy các con cảm nhận được sự bất ổn trong gia đình. Chắc chắn bọn trẻ đã tổn thương rất nhiều khi phải chứng kiến những cuộc tranh cãi của bố mẹ, nhưng ít nhất thì chúng tôi vẫn cùng nhau cố gắng gìn giữ gia đình.

Giờ đây, tôi và anh đều khao khát vượt qua được tất cả những cay đắng, thất vọng và buồn bã để tìm lại tiếng nói chung. Chúng tôi không cần phải giả vờ hạnh phúc, thay vào đó, chúng tôi mong muốn có được cảm giác bình yên thực sự dưới mái nhà của mình. 

Tôi tự hứa với bản thân: Dù bất cứ điều gì xảy ra với tôi hay với anh, chúng tôi sẽ luôn sẵn sàng ngồi lại với nhau, lắng nghe tiếng nói của nhau và cùng nhau sửa đổi. Nếu không cố gắng hàn gắn mà chỉ tiếp tục giả vờ hạnh phúc, thì dù không ly hôn, chúng tôi vẫn sẽ mất nhau vĩnh viễn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Nên hay không?

GD&TĐ - Trong xu thế tự chủ đại học, nhiều cơ sở đào tạo đã chủ động xét tuyển sớm.