Tôi sinh ra trong một gia đình có 7 anh chị em, cha mất sớm, mẹ lam lũ nuôi mấy anh em tôi khôn lớn. Là con út trong gia đình, lại ít tuổi nhất nên tôi được cả nhà cho ăn học tử tế.
Bản thân tôi cũng bắt mình phải học, học nữa, học mãi mới có cơ may đổi đời, thoát khỏi cuộc sống lam lũ ngày ngày lên rừng kiếm củi, đào măng, làm thuê, làm mướn như người dân quê tôi bao đời nay.
Tôi ở một huyện nghèo của Thái Nguyên. Và tôi đã làm được điều đó khi cầm trong tay tấm giấy báo đỗ một trường đại học danh tiếng dưới Hà Nội.
Ngày rời nhà xuống thủ đô học, hành trang tôi mang theo là những cái măng mới đào sau nhà cùng 487.500 đồng do 5 anh chị em khác đóng góp, đủ cho tôi có thể chi tiêu, ăn uống kham khổ một tháng.
Những tháng sau, số tiền ấy ít dần bởi anh chị tôi cũng nghèo, họ còn phải lo cho con cái của mình. Và tôi hiểu đã đến lúc mình phải tự thân vận động, không thể trông chờ mãi vào anh chị được.
Tôi bắt đầu kiếm việc làm thêm: đi dạy gia sư, bưng bê ở quán cà phê... Và chính trong thời gian này, tôi quen Hùng. Hùng là công tử con nhà giàu. Nhìn vẻ hào nhoáng, bóng bẩy, ga lăng bên ngoài của anh, tôi đã “chết mê chết mệt”.
Bởi với tôi, việc gặp được một chàng trai Hà thành giàu có lại có tình cảm là một diễm phúc lớn không phải người con gái nào cũng may mắn có được.
Yêu nhau được một thời gian, Hùng dẫn tôi về ra mắt gia đình. Sau vài lần đến nhà chơi, anh nói với cha mẹ anh tôi sẽ là con dâu tương lai của họ. Khác với thái độ hồ hởi, vồ vập ban đầu của bố mẹ anh khi tôi đến chơi với tư cách là bạn, họ bắt đầu soi mói, để ý tôi.
Khi biết tôi chỉ là đứa con gái mồ côi bố, sống trong cảnh nghèo khó cùng người mẹ già và anh trai út trong căn nhà tồi tàn, rách nát, mẹ anh phản đối kịch liệt. Nhân cơ hội Hùng vắng nhà, họ gọi tôi đến để thương lượng.
Tôi vừa ngồi xuống ghế, mẹ anh mở lời luôn: “Nói thật, cháu không hợp với Hùng nhà bác. Hai đứa chia tay đi. Cháu thiếu thốn gì, cứ nói với bác, bác sẽ giúp còn chuyện tình cảm, bác phản đối. Bác cần một đứa con dâu môn đăng hộ đối…”.
Tiếp lời, mẹ anh còn nói: “Nhà cháu nghèo làm cả năm không bằng nhà bác tiêu một tuần nên khi gặp thằng Hùng, cháu “vồ” lấy nó để được đổi đời à? Giờ không còn câu chuyện cổ tích ấy đâu, cháu tỉnh táo lại đi. Hi vọng sẽ không phải gặp cháu ở ngôi nhà của bác. Phải biết mình là ai, “đũa mốc đừng chòi mâm son”."
Bị chạm đến tự ái thì bất kể là việc gì, điều gì, khó đến mấy tôi cũng phải làm bằng được để thỏa mãn tính hiếu thắng của mình. Họ càng ngăn cấm, tôi càng lao vào anh.
Tôi muốn cho mẹ Hùng thấy bà đã lầm khi coi thường tôi, đứa con trai duy nhất của bà rồi sẽ thuộc về tôi. Tôi sẽ phải lấy anh bằng mọi giá để trả thù bà.
Tôi dùng mỹ nhân kế để bẫy anh. Điều gì đến cũng phải đến, anh ngỏ lời cầu hôn khi tôi có thai. Ngày bước chân về làm dâu nhà anh, cũng là lúc tôi vừa kết thúc 4 năm “mài đũng quần trên giảng đường đại học”.
Thay vì đi xin việc làm, tôi ở nhà dưỡng thai. Thực chất, tôi muốn ở nhà để “chọc tức” người đàn bà mang danh “mẹ chồng" vì những điều bà đã sỉ nhục, coi thường tôi.
Làm sao tôi có thể quên được những việc bà đã làm đối với tôi. Ngày ấy, khi vừa bước chân vào sân, tôi thấy mẹ đang nằm trên giường. Vội vào hỏi thăm mẹ bị sao, bà ngoảnh mặt đi, quay lưng lại phía tôi.
Bà không nói gì nhưng cháu gái đang học lớp 5 của tôi kể lại rằng bố mẹ chú Hùng đã về nhà mình, chửi vào mặt bà, nói bà không biết dạy dỗ con gái, để nó đi quyến rũ đàn ông khiến mẹ tôi choáng váng, bị ốm nặng.
Tôi cũng không thể nào quên được việc bà chối bỏ, không coi tôi là dâu con trong nhà khi viện cớ chiếc ghế rơi vào chân để không phải đi đón dâu… Rồi việc bà vu khống anh em họ hàng nhà tôi đến cướp của nhà bà, chỉ vì họ đến thăm tôi lúc bà vắng mặt....
Mâu thuẫn chất chồng mâu thuẫn, oán hận chất chồng oán hận, tôi quyết định không tha thứ cho bà. Để rồi mỗi khi nhà chỉ còn hai mẹ con, tôi bắt đầu gây sự, chọc tức bà. Tôi biết, chỉ cần nhìn thấy mặt tôi, bà đã không ăn nổi cơm. Thế nên, cứ đến bữa, tôi lại đích thân lên mời bà xuống nhà ăn cơm.
Bà ghen và không thích cảnh tôi lăng xăng ra đón chồng khi anh đi làm về. Tôi cố tình đòi anh âu yếm khiến bà “tăng xông”. Thậm chí, khi ăn cơm với nhau, tôi còn nũng nịu, bắt chồng phải gắp thức ăn cho mình, sau đó nhắc anh gắp cho bà ra chiều đứa con dâu hiếu thảo…
Ngược lại, mẹ anh cũng không phải vừa. Mỗi khi tôi vắng nhà, bà ra sức nói xấu tôi với chồng tôi. Bà bảo với chồng tôi: “Vợ mày là đứa hỗn láo, mẹ nói một nó cãi lại mười…
Nó là vợ mày hay mẹ mày mà mày để nó "đè đầu cưỡi cổ" thế. Mẹ không sống nổi với nó trong cái nhà này nữa rồi, mày bỏ nó đi con…”.
Cuộc sống của hai vợ chồng tôi luôn căng thẳng như thế. Tôi biết, cuộc chiến mẹ chồng nàng dâu giữa tôi và bà sẽ còn kéo dài, nhưng tôi nhất quyết không nhượng bộ bởi bà khiến tôi đau một, tôi sẽ trả lại bà gấp mười.
(Bài viết thể hiện quan điểm của nhân vật)