Làm giáo viên, tôi được là chính mình
Thầy giáo trẻ Nguyễn Duy Nhất, giáo viên Âm nhạc của Trường Tiểu học Đông Thái (quận Tây Hồ, Hà Nội) chia sẻ rằng, cơ duyên đến với nghề là do yêu thích âm nhạc, hát hò và thích môi trường sôi động, đông vui. Khi “người chọn đúng nghề” và được nghề ưu ái, thầy được cơ hội phát huy hết khả năng sáng tạo của mình, để cống hiến, để vui cùng học sinh qua từng tiết học và nhận lại tin yêu của các em.
“Nghề dạy học tuy đồng lương không cao, nhưng nó cho tôi sự tươi trẻ thường trực, để tôi luôn được là chính mình, được quây quần với học sinh, được sáng tạo, được thể hiện tài năng, được mang lại cho người khác tiếng cười. Trong môi trường này, tôi thể hiện được cá tính và con người mình”, thầy Nhất trải lòng.
Cũng như nhiều nhà giáo khác, tâm huyết và đam mê với nghề dạy học nhưng đồng lương ít ỏi chưa thể đủ trang trải cho cuộc sống chốn thị thành. Thầy giáo trẻ cũng phải làm thêm một số công việc như đi hát, dạy kèm, bán hàng....để có thêm thu nhập nuôi dưỡng đam mê.
Từng đoạt nhiều giải cao tại các cuộc thi tìm kiếm tài năng ca hát, mặc dù đứng trước thách thức của cuộc sống nhưng thầy Nhất tâm niệm rằng: Nghề “gõ đầu trẻ” thực sự cho người giáo viên những điều tuyệt vời mà nghề nghiệp khác không thể có được. Sự hồn nhiên, trong trẻo của học trò là cảm hứng và nguồn năng lượng bất tận nuôi dưỡng và thổi bùng đam mê cống hiến.
“Đã có nhiều đồng nghiệp, nhiều phụ huynh, nhiều đơn vị báo đài hỏi rằng, tôi lấy động lực, nhiệt huyết ở đâu để hàng ngày lên lớp với tinh thần và ngọn lửa luôn rực cháy như vậy... Tôi chỉ muốn nói một điều, động lực của tôi chính là “Nụ cười của học sinh”. Và đây cũng là lý do vì sao mỗi tiết học của thầy Nhất luôn là món ăn tinh thần quý giá mà mọi học sinh đều mong chờ mỗi buổi tới trường.
Thầy Nhất vui vẻ cho biết: Dù là giáo viên hợp đồng nhưng bản thân luôn phải trau dồi và hoàn thiện hơn, mang lại niềm vui cho các em học sinh, hun đúc tình yêu quê hương đất nước, tình yêu gia đình, bè bạn thông qua những bài hát đầy ý nghĩa. Và tôi thấy hài lòng vì bản thân đã luôn và sẽ cống hiến tới hết khả năng của mình cho ngành Giáo dục.
Thầy phải tạo sức hút với trò
“Nếu đã lựa chọn làm giáo viên âm nhạc, bạn hãy trở thành 1 hoạt náo viên thực sự” - Điều tâm niệm này dường như đã giúp thầy Nhất “lên đồng” ở bất cứ giờ dạy nào, với bất cứ lớp nào.
Chia sẻ “bí kíp” để có giờ dạy sôi nổi, hấp dẫn và hiệu quả, thầy Nhất cho biết: Khi lên lớp thầy cô phải thật vui vẻ, cởi mở. Muốn thu hút học sinh (HS) thì phải bảo đảm mình có sức hút: Ví dụ 1 tiết học có liên quan đến động vật, thầy cô có thể tạo hình cho mình giống loài vật bài hát nhắc tới, liên quan đến cây cối hoa lá cũng nên tạo hình sao cho dễ thương. Học sinh lập tức sẽ chú ý và quan tâm xem giáo viên làm gì tiếp theo.
Thầy cô cũng nên nằm lòng 1 số trò chơi tập thể phù hợp với lứa tuổi HS để đem ra chơi cùng âm nhạc.Với âm nhạc thì nhảy múa luôn dễ hơn những tiết học khác.
Bên cạnh đó, thầy cô nên lưu ý đến tính phù hợp và cập nhật. Học sinh bây giờ biết nhiều thứ hơn chúng ta thường nghĩ, vì vậy thầy cô cũng phải chú ý tới “hot trend” (xu hướng nổi bật) để linh hoạt đưa vào giờ dạy cho sinh động. Thầy cô cũng nên để ý tới phần trình chiếu vì có những thứ chúng ta không làm được mà video thì luôn có sẵn, hãy tận dụng công nghệ. Ví dụ: Tự quay video thật vui, hay 1 đoạn ý tưởng hài kịch ngắn đã quay cùng HS để làm minh họa cho nội dung nào đó...
Thầy cô biến lớp học trở thành sân khấu thực sự. Tâm lý HS luôn thích được thể hiện bản thân vì vậy hãy cho các em lên biểu diễn thật nhiều, thầy cô cũng múa hát như vậy cùng các em và hãy làm MC thật hài hước... Việc này không hề khó mà lại hiệu quả, góp phần giảm thiểu số HS nhút nhát trong lớp. Học sinh sẽ tin rằng, chúng có khả năng làm ca sĩ hoặc diễn viên gì đó và chúng sẽ thuộc bài nhanh hơn bạn nghĩ.
Hãy nói chuyện nhiều hơn nữa với HS. Là giáo viên đương nhiên phải nói, nhưng chỉ nói những thứ liên quan đến bài học đôi khi nhàm chán, trong nhiều tình huống hãy đi chệch khỏi đường ray một tẹo. Học sinh sẽ thấy hứng thú nghe vì đơn giản là thay đổi bầu không khí cho tươi mới hơn mà thôi.
Thầy cô có thể kể về cánh đồng, những ki ức tuổi thơ, chăn trâu, bắt cá... HS thời nay không biết nhiều về những hình ảnh này nên chắc chắn chúng sẽ ngồi nghe một cách vô cùng chăm chú và hứng thú hơn với rất nhiều bài hát về quê hương đất nước.
Một điều không kém quan trọng là thầy cô hãy nắm thật chắc kiến thức chuyên môn để mỗi bài học được hiệu quả nhất. HS vui là một chuyện nhưng bài hát cũng phải thuộc, nhạc hay chúng mới thích, thầy cô hát hay mới được HS trầm trồ và rồi coi là Idol nữa.
Nếu muốn HS thuộc bài, thầy cô đừng quên lựa chọn những hình thức thưởng phạt duyên dáng. Ví dụ: HS không đọc được bài tập đọc nhạc là tôi cho lên đánh đàn những nốt đó và thầy cầm tay chỉ dẫn. HS cũng sẽ rất vui vì vừa được đánh đàn lại vừa nhớ bài....
Học sinh cấp tiểu học còn nhỏ và rất hiếu động, tôi thiết nghĩ, giáo viên âm nhạc hãy đưa các em với thế giới của âm nhạc, cho các em thấy đây không phải môn phụ hay là môn chính mà đó là giờ giải trí thực sự, để tiếp thêm nguồn năng lượng mới cho các giờ học mới hiệu quả hơn.